Nhà nhà hoang mang trước THỊT LỢN NHIỄM SÁN: Trẻ ăn phải thực phẩm bị nghi nhiễm giun sán, cha mẹ cần làm gì?

( PHUNUTODAY ) - Thời gian qua, thông tin hơn 50 trẻ ở một xã thuộc tỉnh Bắc Ninh có kết quả dương tính với sán lợn khiến các bậc phụ huynh trong cả nước không khỏi hoang mang. Vậy trong trường hợp trẻ ăn phải thực phẩm bị nghi nhiễm giun sán, cha mẹ cần làm gì?

Giun sán thường xuất hiện ở đâu?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước bọt của động vật.

Giun sán có nhóm ký sinh trên người, ký sinh trên động vật khác. Nếu giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da, sẽ di chuyển vào ruột nguời để thải ra môi trường nhằm "nhân giống".

Giun sán ký sinh trên động vật khác khi đi vào cơ thể người có thể đi “lạc” lên cơ quan khác. Trường hợp gây nguy hiểm khi chúng lên não hoặc vào da. Tuy nhiên thường hiếm gặp.

photo-1-15521909064992004806554 (1)

Triệu chứng nhiễm sán dây

Bệnh sán dây trưởng thành thường không có biểu hiện triêu chứng rõ rệt, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược).

Những trường hợp nhiều sán, có thể nhìn thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót khi thay ra vào cuối ngày làm việc); xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng).

Biến chứng của bệnh sán dây

Các bệnh giun sán nói chung, khi vào cơ thể đều chiếm thức ăn, dẫn đến kém hấp thu, làm chậm phát triển thể lực, gây rối loạn tiêu hoá.

Tuy nhiên BS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ cho biết, đối với người nhiễm ấu trùng sán lợn phải tiến hành chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương.

Cha mẹ có nên cho trẻ xét nghiệm máu kiểm tra giun sán không?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đa số giun sán vào cơ thể người sau một thời gian cơ thể sẽ tự thải ra. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm vẫn báo dương tính rất rất lâu. Do đó, mặc dù kết quả xét nghiệm dương tính nhưng trong người không có, không còn tiềm ẩn giun sán.

Xét nghiệm giun sán rất dễ cho kết quả nhầm. Nguyên nhân nhiễm giun sán này đã hết nhưng sẽ cho ra kết quả dương tính với loại giun sán khác. Nhiều trường hợp người lớn, trẻ em nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm kết quả có thể báo dương tính với giun sán chó, mèo hoặc sán lợn.

"Chỉ trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định xét nghiệm", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì, không nên xét nghiệm khiến tinh thần hoang mang.

Làm gì khi nghi ngờ ăn thực phẩm chứa giun sán?

Theo lời khuyên của bác sĩ Trương Hữu Khanh, khi cha mẹ nghi ngờ trẻ ăn phải thực phẩm có thể nhiễm giun sán, chỉ cần cho trẻ uống thuốc sổ giun.

Đối với giun sán thông thường, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), trẻ 1 tuổi có thể uống được loại thuốc này. Định kỳ 6 tháng một lần cha mẹ nên sổ giun cho trẻ. Cụ thể:

Trẻ từ 1 – 2 tuổi: Cho uống zentel 200mg

Trẻ trên 2 tuổi: Cho uống zentel 400mg

Trường hợp cha mẹ nghi trẻ bị nhiễm sán lợn, nên cho dùng Prazirentel hoặc Albendazol. Trẻ có thể uống khi đã xét nghiệm hoặc chưa xét nghiệm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh Thông tin, cha mẹ không cần lo lắng và có thể không cần xét nghiệm nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm giun sán từ thực phẩm. Chỉ cần cho trẻ uống thuốc sổ giun định kỳ và đồng thời sổ giun cho vật nuôi trong nhà (chó, mèo…).

Trong quá trình ăn uống, cha mẹ cần nhớ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn để phòng ngừa giun sán cho trẻ và các thành viên trong gia đình.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn