Giữa ồn ào sao kê, ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ luôn quy trình từ thiện một cách minh bạch

( PHUNUTODAY ) - Thái Thùy Linh cho biết một chương trình từ thiện, cô sẽ có các tình nguyện viên làm kế toán, tổng kho để ghi chi tiết cụ thể, còn công khai đường link cập nhật thường xuyên việc làm từ thiện.

Sao Việt làm từ thiện đang là chủ đề hot nhất hiện nay. Đã có nhiều nghệ sĩ bị yêu cầu sao kê tiền từ thiện rõ ràng.

Cũng là người chăm chỉ làm từ thiện tại TP.HCM, Bình Dương trong mùa dịch Covid-19 và nhận được nhiều sự tin tưởng, ca sĩ Thái Thùy Linh đã có bài viết về việc làm sao minh bạch khi từ thiện.

Cô chia sẻ: "Minh bạch từ thiện. Cuối cùng thì cũng không chọn được thời điểm nào thích hợp mà lại đỡ nhạy cảm, nên cũng đành viết thôi. Mình sẽ viết bài này dưới dạng Hỏi – Đáp cho đỡ mất thời gian sắp xếp mạch, để đi thẳng vào các vấn đề mà nhiều người quan tâm (cả công chúng, nhà hảo tâm, và các tình nguyện viên cùng chiến đấu với mình).

Bài này 3 câu đã. Nói cho rõ thì dài lắm. Từ từ.

Hỏi 1: Làm thiện nguyện sao Linh phải ngại “nhạy cảm”?

Trả lời: Vì mình là nghệ sỹ làm thiện nguyện.

Khi các đồng nghiệp gặp chuyện mà mình lên tiếng nói mình minh bạch thế này thế kia thì vô hình chung lại bị coi là “dìm” bạn để mình nổi. Mà không nói thì dân mạng bảo “chắc cũng thế nào nên mới im im”. Lên tiếng nói 1, dân tình hiểu 5 (kiểu khác nhau).

Nên về cơ bản, Linh không quá để tâm thiên hạ nói gì, cũng không quá quan tâm đến việc mọi người nghĩ sao về những gì Linh nói. Cái gì bớt thì bớt, cố được thì cố, giúp được ai thì giúp, việc gì mình cần làm thì làm, lúc nào cần nói và có thời gian thì nói, vậy thôi.

0c6a9605_eyyf_buzp

Hỏi 2: Linh có bỏ nhiều tiền ra làm từ thiện?

Trả lời: Các chương trình Linh làm xin không gọi là từ thiện. Vì theo quan điểm của Linh, từ thiện là khi ta có dư thừa và mang đi cho/biếu/tặng.

Còn các chương trình Linh làm, gọi tên chính xác là Tình Nguyện. Bởi vì rất nhiều trong chúng tôi không có dư thừa, mà chúng tôi chỉ có điểm chung là tình nguyện cống hiến, cho đi những gì mình có thể, trong hoặc đôi khi là quá khả năng, và thường chia làm 2 nhóm:

A. Phi vật chất: chúng tôi tình nguyện cho đi thời gian, chất xám, kinh nghiệm, mối quan hệ, công sức, tinh thần….hoàn toàn miễn phí, để đổi lấy những thứ lẽ ra phải mất phí (thậm chí rất nhiều phí) mới có được, cho người khó khăn.

Như tôi đã từng chia sẻ: Chỉ có đồng bào khó khăn mới thuê được Thái Thùy Linh làm việc vì cộng đồng quần quật 11 năm nay với chi phí 0 đồng, thậm chí âm đồng. Nên xin miễn tiếp những "anh hùng bàn phím" ngồi đó phán là chỉ khi nào tự bỏ tiền ra thì mới gọi là làm thiện nguyện thật. Xin vào đây làm tình nguyện viên với chúng tôi đi rồi phán tiếp.

B. Ủng hộ tiền và hiện vật: ai thấy chúng tôi làm việc hiệu quả và cảm thấy cần góp, muốn góp thì cũng tình nguyện góp tiền, ai sẵn đồ hoặc muốn tặng đồ thì góp đồ. Thậm chí nhiều người chả dư dả gì đâu, nhắn tin bảo chị/em muốn làm tình nguyện viên lắm nhưng không có thời gian, nên chị/em xin góp chút tiền, nhờ Linh và các bạn giúp bà con…, những tin nhắn như thế có rất nhiều.

Tôi hoạt động hơn 10 năm nay hầu như không có khái niệm đi xin (nói là hầu hết vì chỉ có một vài trường hợp rất than và được dặn trước là Linh có hoạt động gì giúp bà con/các cháu thì ới anh/chị, thì tôi mới mở lời, và thường là những khoản không quá lớn).

Ví dụ khi đang làm chương trình Vitamin tháng 5 tiếp sức Y bác sỹ mà lại gặp ngày Tết thiếu nhi, thì tôi có thể gọi thẳng cho một vị cán bộ của hệ thống... để hỏi họ có thể tặng các con vài trăm món đồ chơi hay không.

Hay có những khoản chi cho tình nguyện viên mà không biết kê vào đâu, thì xin luôn một anh chị nào đó than thân cho lẹ: anh chị ơi giờ phát sinh tiền abc cho các tình nguyện viên mà chúng em không muốn tiêu vào quỹ của các con…., tất nhiên phải có độ tin tưởng cực lớn và quá hiểu tính nhau rồi thì mới mở mồm xin hỗ trợ kiểu này.

Các bạn theo dõi facebook tôi lâu đều biết tôi rất ít kêu gọi đóng góp mà tập trung vào làm việc và báo cáo kết quả bằng công việc. Chỉ khi mọi người hỏi nhiều quá thì tôi mới đăng lên hoặc ghim tài khoản lên để tiện cho mọi người gửi gắm.

Các tình nguyện viên của tôi cũng có khi sốt ruột khi thấy có hôm chuyển khoản mua hàng làm tài khoản sụt xuống cả nửa tỉ (ví dụ trận 5.000 set quà Bình Dương vừa rồi), sốt ruột giục tôi “chị đăng bào kêu gọi ủng hộ tiếp đi”. Tôi bảo không, tiền quỹ vẫn còn gần tỉ. Hiện Sài Gòn chính quyền đang làm rất mạnh, mình đang tạm pause lại chờ diễn biến tiếp theo, đã phải tiêu gì đâu mà kêu gọi. Khi nào cần hãy tính.

Tôi không có thói quen đo thành công của một chương trình bằng số tiền mọi người ủng hộ vào. Tiền càng nhiều càng áp lực nhiều, nếu làm thật sẽ biết chẳng có gì sung sướng cả, vì bà con còn đóng góp là mình còn trách nhiệm phải tiêu, mà tiêu sao cho đúng, cho giỏi mới là hay.

Làm tình nguyện đúng nghĩa là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Chiến dịch càng dài thì càng tốn "cơm nhà", tốn luôn tỉ tì ti những khoản không tên, trong đó có thời gian và cơ hội chăm lo cho chính mình, cho gia đình. Về cơ bản được thất nghiệp sớm chừng nào hay chừng ấy - tức là không còn những người quá cần mình phải giúp nữa.

Tôi nói thật, chiến dịch “Người Việt thương nhau” tôi làm gần 2 tháng nay là không có trong kế hoạch. Ban đầu tôi chỉ định vào Sài Gòn khoảng 2 tuần thôi, đi khảo sát hiến kế và làm cầu nối cho những người muốn giúp bà con trong đó, làm chương trình quyên góp và giải ngân hết luôn trong chục ngày là về với con cái gia đình thôi. Nhưng vì người khổ còn quá nhiều mà khắp nơi mọi người gửi gắm tiền bạc cũng quá nhiều, cả các doanh nghiệp không thể trực tiếp giúp bà con cũng tin tưởng gửi quỹ, nên là mình không thể làm cho xong, cho có.

Nên từ mục tiêu 10.000 set quà giờ mới thành 30.000, từ chục ngày sắp thành 2 tháng, và vẫn chưa dừng lại, chưa thể dừng lại.

thaithylinh-ngoisaovn-3-ngoisaovn-w1280-h852 (1)

Hỏi 3: Linh làm thế nào để minh bạch tài chính?

Như nhiều chương trình tình nguyện khác mình từng làm, Linh không bao giờ độc lập quản lý tài chính.

1 là không đủ trình, đến bảng excel còn không biết làm thì đừng nói những việc phức tạp hơn.

2 là không dại gì mà một mình quản lý tiền, tâm có trong như nước cũng không tránh khỏi nghi kị.

Cách làm là:

- Mỗi chương trình luôn tìm tình nguyện viên có chuyên môn kế toán để làm thống kê thu chi, tùy chương trình sẽ đề ra quy trình hay các loại biên lai hóa đơn cần có để thanh toán.

- Không bao giờ sử dụng chỉ 1 người làm công tác thống kê hạch toán thu chi, cũng không bao giờ sử dụng 1 tình nguyện viên kế toán xuyên suốt chương trình này qua chương trình khác (khỏi mất công ai nghi ngờ thì người ta vẫn có thể nghĩ ra thuyết âm mưu là bọn này nó có “ekip” ăn rơ với nhau). Thông thường sẽ có Ban kiểm toán và Trưởng nhóm, vừa đảm bảo chia sẽ bớt khối lượng công việc, vừa đảm bảo có sự kiểm tra chéo, hạn chế nhầm lẫn, sai sót.

Với riêng chiến dịch “Người Việt thương nhau” – chương trình tình nguyện mà Thái Thùy Linh nhận đóng góp tiền mặt lớn nhất từ trước tới giờ thì việc kiểm toán càng nhiều công đoạn và nhiều người tham gia hơn:

+ Có nhóm mua hàng công khai gồm, nhiều thành viên cả tình nguyện viên trong nhóm và người ngoài nhóm, để đảm bảo giá cả hàng hóa nhập vào là thấp nhất. Không có chuyện thanh lý hay mua giúp cho bên nào, tiêu thụ hàng cận date hay chất lượng thấp cho bất cứ bên nào. Bật mí: với lượng hàng hóa chúng mình đã mua đến giờ đã vượt xa con số hàng trăm tấn, nếu không có những tình nguyện viên chiến đấu “sát ván” để tìm về những nguồn hàng giá cực tốt thì chắc chắn số tiền chênh sẽ vô cùng lớn. Nên mỗi đơn mỳ tôm chênh vài trăm triệu, mỗi tấn cá chênh vài chục triệu tiết kiệm cho quỹ, với chúng mình đều là những chiến công.

+ Có nhóm kiểm soát hiện vật được ủng hộ lên tới cả chục thành viên, và hầu hết thành viên này đều tham gia trong nhóm Tổng kho, để có thể cùng giám sát hàng hóa xuất, nhập, tồn.

+ Các khoản thu có thể cập nhật chậm (vì quá nhiều lệnh chuyển khoản và các tình nguyện viên quá bận không thể làm sổ sách ngay), nhưng các khoản chi thì cập nhật ngay và liên tục trong nhóm kiểm toán. Mọi đơn hàng và biên lai đều được duyệt bởi tối thiểu 2 thành viên trước khi chuyển tiền, ai duyệt người đó chịu trách nhiệm cuối cùng, và mọi con số phải đảm bảo khớp tới từng đồng. Kể cả trùm cuối chi cũng phải có lệnh của đội kế toán, chứ không phải muốn chi gì thì chi.

thaithylinh-ngoisaovn-1-ngoisaovn-w1280-h862

Nhân thể mình gửi luôn link tài chính và cập nhật thường xuyên, ai quan tâm chỉ cần lưu lại, lúc nào muốn xem thì mở ra để xem cập nhật số liệu mới nhất. Việc này đảm bảo sự minh bạch thường xuyên, không cần phải chờ từng bài báo cáo:

Còn nhiều vấn đề lắm, nhưng viết mọi người cũng lười đọc mà mình cũng mất thời gian, nên để lúc khác rảnh lại Hỏi - Đáp 3 câu khác nhé!

Mọi người cố gắng đọc chậm và hiểu đúng những gì mình viết, xin đừng mất công suy diễn. Xin rất cảm ơn vì đã đọc kĩ được đến những chữ này! Mong tuần mới tươi sáng hơn cho Sài Gòn, cho Hà Nội, cho Bình Dương, cho tất cả chúng ta"./.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link