Vụ cô giáo “lặng im trong lớp học”: Học sinh nói lên sự thật nhưng lại là người phải rời đi?

( PHUNUTODAY ) - Vụ việc cô giáo không giảng bài khiến dư luận bức xúc thời gian vừa qua tưởng đã đi tới hồi kết nhưng việc em Phạm Song Toàn, người đứng lên tố cáo phải chuyển trường gấp lại khiến cộng đồng đặt ra dấu hỏi rất lớn về sự dân chủ, công bằng trong giáo dục.

Sáng 7/4, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Minh Bình (Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè) cho biết gia đình em đã nộp đơn xin chuyển trường vào hôm qua.

“Trường mới đã đồng ý tiếp nhận em Toàn. Hiện toàn bộ hồ sơ cũng như đơn tôi đã chuyển cho Sở GD&ĐT TP.HCM để sớm giải quyết thủ tục cho em”, ông Bình nói.

Phía gia đình em Song Toàn cho biết lý do phải chuyển trường gấp như vậy vì hiện tại Toàn đang phải chịu áp lực cực kỳ lớn sau khi dám dũng cảm đứng lên nói sự thật. Có bạn học đã đả kích em trên mạng xã hội khiến cho nguy cơ Toàn bị rơi vào cô lập là rất lớn. Môi trường học tập của em sẽ bị ảnh hưởng, em Toàn không thể an tâm học khi mọi ánh mắt đều đổ dồn vào em, cách cư xử của bạn bè, thầy cô và thậm chí là chính nhà trường đối với em.

Em Phạm Song Toàn, người dám đứng lên phản ánh việc cô giáo dạy Toán im lặng trong 3 tháng lại là người phải gấp gáp chuyển trường (ảnh: dantri)

Em Phạm Song Toàn, người dám đứng lên phản ánh việc cô giáo dạy Toán im lặng trong 3 tháng lại là người phải gấp gáp chuyển trường (ảnh: dantri)

Điều này cũng chính là mối lo lắng và quan tâm của phó chủ tích UBND TP HCM, bà Nguyễn Thị Thu. Theo Thanh niên, trong buổi làm việc giữa UBND TP, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM và ban giám hiệu Trường THPT Long Thới, bà Thu yêu cầu Sở phải giải quyết việc chuyển trường của nữ sinh Phạm Song Toàn một cách nhanh nhất.

Bà Thu đã đặt ra những lo lắng của mình khi Toàn còn tiếp tục học trong môi trường hiện nay: Một là Toàn bị bạn bè cô lập, kỳ thị; thậm chí đã có những học sinh đả kích em từ MXH; hai là việc đánh giá thi đua của nhà trường sẽ bị ảnh hưởng, nếu đánh giá theo chiều hướng không tốt, mọi bất lợi sẽ dồn về em Toàn, nhà trường, thầy cô, thậm chí cả các phụ huynh khác sẽ cho rằng lỗi là do em Toàn đã “quá dũng cảm” nói lên “sự thật”.

Bà Thu yêu cầu Sở phải nhanh chóng giải quyết việc chuyển trường cho em Toàn: “Cháu tiếp tục học thì áp lực rất lớn trong cách cư xử với thầy cô bạn bè, không an tâm học hành. Cần đẩy nhanh việc chuyển trường tạo môi trường tốt hơn về mặt tinh thần cho cháu an tâm học tập”.

Ông Lê Hoài Nam (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) cho biết trường hợp của em Song Toàn, Sở đã nắm tình hình. “Thứ hai tuần sau Toàn có thể học tập tại trường mới!”, đó là lời khẳng định của ông Nam trong cuộc họp.

Theo nguồn tin từ Dân trí, cũng trong buổi học, bà Thu đánh giá sự phản ứng của ngành giáo dục trong vụ việc này là vô cùng chậm chập, thậm chí là yếu ớt. Điều này khiến cho tâm lý học sinh hoang mang, cộng đồng xã hội lại càng thêm nghi ngờ.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu phải nhanh chóng giải quyết việc chuyển trường cho em Song Toàn (ảnh: tuoitre)

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu yêu cầu phải nhanh chóng giải quyết việc chuyển trường cho em Song Toàn (ảnh: tuoitre)

Việc sắp xếp thời gian xử lý tới tận thứ 7 hay Chủ Nhật thể hiện sự chậm chạp trước một vấn đề cấp bách, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận. Những vụ việc này cần xử lý nhanh, ráo riết, kể cả đến 9-10h đêm là điều bình thường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu, Ban giám đốc Sở GD-ĐT phải quan tâm đến sự việc, phải hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi nhà trường xử lý sự việc. Trong đó, cần làm rõ vấn sự việc diễn ra trong 3 tháng, chắc chắn các em có phản ánh, vậy sao nhà trường không biết? Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của hiệu phó chuyên môn, của hiệu trưởng đến đâu?

Chia sẻ ý kiến của bản thân, bà Nguyễn Thị Thu cho rằng, việc cô không giảng bài trong 3 tháng như vậy là một hành vi bạo hành học sinh về mặt tinh thần. Vậy nhưng hầu hết đều cho đó là điều bình thường thì giáo dục không hề ổn.

“Qua ghi nhận, tôi thấy có thông tin nhà trường nói, có phân nửa phụ huynh đồng ý cô Châu vẫn tiếp tục đứng lớp. Sai không dám đấu tranh, đúng không dám bảo vệ, môi trường giáo dục sẽ đào tạo ra thế hệ công dân mới như thế nào? Đây là điều hết sức đáng lo”, bà Thu băn khoăn và lo lắng.

Nói về cô giáo Trần Thị Minh Châu và hành động “bạo hành tinh thần học sinh”, bà Thu chia sẻ: “Ngành giáo dục đã xử lý rất nhẹ nhàng, đã mở ra cho cô một con đường nhân văn đối với nghề giáo là chuyển cô sang môi trường mới. Nhưng rồi cô không thay đổi, tiếp tục sai phạm nặng hơn nên cá nhân tôi thấy khó có hy vọng cô thay đổi một lần nữa”.

Vấn đề xử lý kỷ luật cô Châu, UBND TP HCM không can dự, tuy nhiên bà Thu yêu cầu ngành giáo dục xử lý sao cho nghiêm khắc, xử lý đúng, trong quá trình xử lý phải căn cứ các luật, điều lệ, các văn bản liên quan để tránh việc kiện tụng.

Cái ôm của 2 cô trò vẫn không thể là dấu chấm hết cho sự việc nghiêm trọng của ngành giáo dục

Cái ôm của 2 cô trò vẫn không thể là dấu chấm hết cho sự việc nghiêm trọng của ngành giáo dục

Về việc chuyển trường của em Toàn, rất nhiều ý kiến lo lắng cho Toàn cũng như đặt dấu hỏi lớn cho ngành giáo dục. Theo Thanh niên, một số phụ huynh đưa ra ý kiến: “Liệu em Toàn chuyển trường mới, nơi đó có cách nhìn tốt hơn không? Hay người ta luôn đề phòng, dè chừng học sinh bản lĩnh, không khéo làm em hoang mang thêm”. 

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh (Trường ĐH Sài Gòn) thông qua mạng xã hội gửi chia sẻ đến Toàn trước những lo lắng đang rộ lên từ cộng đồng: “Cô muốn được gởi tới con 2 cái ôm thật chặt (một của cô và một của con gái cô) và chuyển đến con 2 chữ “Khâm phục” từ con gái cô - bạn Minh Anh 18 tuổi. Với con gái cô, con là một anh hùng”

“Toàn mến, nếu con và gia đình chọn giải pháp chuyển trường, hãy xem đây là một dấu ấn tuyệt vời trong hành trình đến với tuổi 18 của con và năm sau con 18 rồi đúng không. Có những lúc khi cuộc đời buộc chúng ta phải lựa chọn một lối rẽ cho chính mình, có những người họ biết chắc đâu là lối rẽ phải chọn nhưng họ đã từ chối lựa chọn nó vì khó quá, vì ngại va chạm, vì họ sợ cả áp lực số đông... và con đã chọn cho mình một lối rẽ mà số đông đã không chọn - sự lựa chọn này là nền tảng hình thành nên sự chính trực, một tố chất mà bất cứ công dân, lãnh đạo của một đất nước nào cần phải có. Chúc mừng con và sự lựa chọn trước ngưỡng cửa tuổi 18! Bố mẹ của Toàn ơi, xin chúc mừng anh chị! Con gái anh chị đã thật sự trưởng thành rồi đây! Thương và tin con!”.

Về phía ngôi trường sắp tới sẽ tiếp nhận Toàn, thạc sĩ Thụy Anh hi vọng: “Ban giám hiệu, thầy cô và bạn bè ở ngôi trường mới mà Toàn sắp chuyển về ơi, hãy trân trọng, nuôi dưỡng phẩm chất này của Toàn, hãy làm cho Toàn biết em thật sự được đón chào từ các bạn”.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn