Bác sĩ 15 năm kinh nghiệm hé lộ “chuyện ngược đời” trong ngành thẩm mỹ

( PHUNUTODAY ) - Xã hội ngày càng hiện đại, phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng phổ biến và được ưa chuộng thì nghề bác sĩ thẩm mỹ càng được đánh giá là ngành hot với thu nhập hàng “top”. Tuy nhiên, đằng sau ánh “hào quang” lấp lánh là rất nhiều trăn trở, những góc khuất và cả “chuyện ngược đời” mà chỉ người trong nghề mới hiểu.

"Nhận mổ thì dễ, từ chối mới khó"

Bác sĩ Nguyễn Hiền Bảo Khanh - BS chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của Thẩm Mỹ Viện Charming (Quận 1, TP.HCM) là một trong bác sĩ thẩm mỹ thế hệ đầu tại Việt Nam. Khi được hỏi về điều khó nhất trong hơn 15 năm theo nghề phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ Khanh đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi tâm sự: “Làm nghề làm đẹp cho người khác, để có được sự hài lòng của khách hàng đương nhiên phải trải qua rất nhiều khó khăn thử thách. Nhưng sau hơn 15 năm làm nghề, tôi nhận ra, cái khó nhất của bác sĩ thẩm mỹ chính là... từ chối bệnh nhân”.

Bác sĩ Lê Hiền Bảo Khanh hiện đang công tác tại TMV Charming

Bác sĩ Lê Hiền Bảo Khanh hiện đang công tác tại TMV Charming

Bác sĩ Khanh lý giải thêm: “Trong ngành thẩm mỹ chúng tôi hay nói, từ chối khách hàng còn khó hơn việc nhận mổ cho khách hàng. Bạn biết vì sao không? Vì áp lực lợi nhuận và đồng tiền, nó có thể làm mờ đi chỉ định của bạn”.

Để chứng minh cho điều đó, bác sĩ Khanh đã kể cho tôi nghe những trường hợp tìm đến thẩm mỹ mà anh đã khéo léo từ chối. Trong đó, không ít người muốn thay đổi bản thân khi đang tuyệt vọng, bị tổn thương về tình cảm, họ tìm đến thẩm mỹ như một sự cứu rỗi trong lúc tâm lý bất ổn, cũng có những người bị “cuồng” thẩm mỹ.  

Theo bác sĩ Khanh, việc khó khăn nhất trong 15 năm làm nghề là... từ chối bệnh nhân

Theo bác sĩ Khanh, việc khó khăn nhất trong 15 năm làm nghề là... từ chối bệnh nhân

“Những trường hợp đến phẫu thuật thẩm mỹ khi tâm lý không ổn định tôi đều từ chối hoặc tìm cách khuyên nhủ họ. Có trường hợp tôi hẹn vài tuần sau quay lại cho họ bình tĩnh hơn. Cũng có bệnh nhân rất đẹp, tôi khuyên họ không cần chỉnh sửa nữa nhưng họ không tin, muốn sửa cho bằng được”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Cũng theo lời kể của bác sĩ Khanh, có những trường hợp không thể từ chối vì biết nếu từ chối họ sẽ đi nơi khác làm bất chấp, nếu đi nhầm chỗ thì lại gây hậu quả lớn hơn. Lúc đó, bác sĩ sẽ chỉ nhận làm cái nhỏ nhất, hợp lý nhất, ít gây tai biến, để khi “nguôi ngoai” rồi nếu khách hàng vẫn muốn làm thì sẽ tư vấn tiếp.

Có những khách hàng thường mang theo ảnh diễn viên, người mẫu tới yêu cầu bác sĩ làm cho họ giống như vậy. Với những trường hợp này, bác sĩ Khanh cho biết, anh sẽ thẳng thắn từ chối. Bởi, theo bác sĩ Khanh, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ dù có giỏi đến đâu cũng chỉ biến cái xấu thành cái trung bình, từ cái trung bình thành cái đẹp, và từ cái đẹp thành cái rất đẹp.

"Không thể có chuyện, bác sĩ thẩm mỹ có thể biến một cái xấu thành một cái đẹp xuất sắc, hay thành bản sao của một ngôi sao nào đó, điều đó rất ít xảy ra.

Một cô gái đẹp là một cô gái có các đường nét trên khuôn mặt hài hòa với nhau chứ không cần phải cứ cằm Vline, mũi Sline mới là đẹp".

Từ chối vì mình “dở”!

Bác sĩ Khanh trong một ca làm đẹp

Bác sĩ Khanh trong một ca làm đẹp

Không chỉ với những phẫu thuật phức tạp, ngay cả những tiểu phẫu như cắt mí mắt mà nhiều người tưởng rằng dễ, theo bác sĩ Khanh cũng không hề đơn giản. Và theo bác sĩ Khanh, biết từ chối khi khách hàng nằng nặc đòi cắt mí cũng là cả một thử thách, như câu chuyện anh vừa chia sẻ trên mạng xã hội về vị khách của mình.

“Làm nghề càng lâu năm thì sẽ không còn sợ cắt mắt nữa. Vì bạn sẽ biết cái nào nên cắt và không nên cắt mà từ chối, vì trước đó bạn đã rút được nhiều kinh nghiệm từ những ca cắt hỏng của chính mình hay đồng nghiệp... 

Có rất nhiều sách vở viết về bí quyết cắt mí đẹp rất hay, rất chuẩn xác: đường mí to là phải 8-9 ly, nhỏ thì 5-6 ly, đôi khi, mắt bụp là phải lấy mô lấy mỡ, muốn mí sâu to thì phải đính vào sụn mi...

Với 1 bác sĩ thẩm mỹ, tất cả các thứ đó sẽ được rút tỉa và đúc kết dần theo thời gian cho tới 1 ngày nhìn cặp mắt bạn phán: mí này không cắt được và từ chối một cách thẳng thừng. Lúc đó, hoặc do là bạn quá dở, không dám cắt mấy ca khó (đó là cách suy nghĩ của đa số khách hàng bị bạn từ chối) hoặc là bạn đã có quá đủ kinh nghiệm để từ chối vì biết chắc làm vào sẽ không đẹp, thậm chí gây hậu quả, biến chứng cho khách hàng của mình”. Khi đó, bị khách chê “dở” bác sĩ cũng đành ngậm ngùi chấp nhận, vì quan điểm và kinh nghiệm không cho phép “cố đấm ăn xôi”.

"Không chỉ bác sĩ, tôi mong khách hàng cũng đủ bản lĩnh để biết điểm dừng"

Qua quá trình tiếp xúc với cả nghìn khách hàng, bác sĩ Khanh cho hay, điều anh nhận thấy là phụ nữ luôn muốn làm đẹp ở bất cứ độ tuổi nào. Ước mơ ấy có khi được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ, âm ỉ tới khi họ có cơ hội vượt qua mọi rào cản về kinh tế, gia đình, bạn bè để được một lần sống đúng với mong muốn của mình.

"Có người tìm đến tôi khi đã 60, 70 tuổi, khi nghe tôi phân tích thì họ tâm sự mà như chực rơi nước mắt “mê làm mũi từ nhỏ, lớn lên ba mẹ cản, lúc trẻ chồng cản, giờ có điều kiện làm thì… bác sĩ lại cản”. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng, nhu cầu làm đẹp là chính đáng. Nhưng tôi vẫn muốn nhắn nhủ rằng: "Phụ nữ hãy biết cách làm cho mình đẹp hơn, nhưng nên nhớ làm đẹp để giúp chính bản thân mình được tự tin, sống vui vẻ hơn, chứ đừng lạm dụng, đừng chạy theo trào lưu, đừng vì níu kéo ai đó.

Và cuối cùng, tôi mong khách hàng hiểu rằng làm đẹp là câu chuyện của cả hai bên: bác sĩ và khách hàng. Thế nên, không chỉ xem xét ở chỗ bác sĩ có tâm, có chuyên môn hay không mà khách hàng cũng phải là người có bản lĩnh để biết điểm dừng cho bản thân", bác sĩ Khanh nhắn nhủ.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn