Người phụ nữ tần tảo chăm sóc cả vợ điên của chồng

( PHUNUTODAY ) - Chị tới thăm nhà anh, ngôi nhà cũ nghèo nàn chơ vơ như số phận của chính chủ nhân khốn khổ. Nhìn cảnh ấy, chị tê tái... Chị nhận lời làm đám cưới trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người trong gia đình.

Ngày anh tới nhà hỏi cưới chị về làm vợ, gia đình chị một mực phản đối. Lý do là bởi hoàn cảnh của anh không còn gì khốn cùng hơn: vợ cả bị tâm thần, mấy đứa con thơ không ai chăm sóc, mắc nợ chưa trả xong….

[links()]

Chị tới thăm nhà anh, ngôi nhà cũ nghèo nàn chơ vơ như số phận của chính người chủ nhân khốn khổ. Nhìn cảnh ấy, chị tê tái quay đi và nghe lời gia đình sẽ không có chuyện cưới xin gì hết. Nhưng rồi đêm ấy, chị trằn trọc không sao ngủ nổi.

Gương mặt khắc khổ của anh cùng bầy con líu ríu luộm thuộm cứ ám ảnh tâm trí chị. Sáng hôm sau, chị gọi điện cho anh nhận lời làm đám cưới trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người trong gia đình.

Thiện tâm của người phụ nữ quá lứa lỡ thì

Con đường đất lộm cộm gạch đá dẫn chúng tôi tới nhà của anh Nguyễn Văn Linh và chị Phạm Thị Thảo (thôn Thành Thắng, xã Quảng Cư, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Ngôi nhà nằm heo hút trong con ngõ nhỏ, có tới 4 trẻ nhỏ líu ríu đùa nghịch nhưng sự nô đùa của lũ trẻ không thể xua đi không khí buồn đến lạnh người trong căn nhà nhỏ. Nó đủ toát lên cảnh sống nghèo khổ, khốn cùng của cả gia đình anh Linh, chị Thảo.

Người vợ trước của anh Linh tên là Nguyễn Thị Huệ, năm nay 42 tuổi. Ngày mới cưới nhau chị Huệ vẫn còn khỏe mạnh. Nhưng sau khi sinh đứa bé thứ ba được vài tháng thì chị phát bệnh. Gia cảnh nghèo khó lại thêm căn bệnh quái ác của vợ nên kinh tế gia đình càng eo hẹp.

Mặc dù vậy, anh Linh vẫn chạy vạy khắp nơi để có đủ số tiền đưa vợ đi chữa chạy. Thế nhưng, tiền bao nhiêu cũng chẳng đủ, đi hết nơi nọ nơi kia song bệnh tình của chị Huệ không hề có dấu hiệu thuyên giảm.

Cảnh gà trống nuôi con đã vất vả, lại thêm việc phải chăm sóc cho người vợ tâm thần, anh Linh như bị vắt kiệt sức lực. Những chuyến đi biển xa nhà cũng chẳng giúp kinh tế gia đình cải thiện. Người anh gầy gò, đen nhẻm, gương mặt khắc khổ bởi phải chịu đựng quá nhiều áp lực từ cuộc sống.

Chị Thảo gầy gò ốm yếu ngồi bên chồng và đám con nheo nhóc
Chị Thảo gầy gò ốm yếu ngồi bên chồng và đám con nheo nhóc

Anh Linh có một vài người bạn thân chài lưới, ngẫm cảnh sống của anh quá khốn khổ nên muốn giới thiệu một người phụ nữ để anh chia sẻ gánh nặng. Và cô gái được giới thiệu tên Thảo, rất hiền lành, chịu khó nhưng lại hơi quá lứa lỡ thì.

Nghe lời bạn bè, anh cũng đến gia đình chị Thảo chơi và tìm hiểu. Bố mẹ người vợ cả từ lâu đã rất thương con rể, đàn ông mà phải lo lắng đủ mọi chuyện, từ chăm vợ đến chăm con thơ nên biết chuyện thì vô cùng ủng hộ.

Họ ra sức khuyên anh nên đẩy nhanh “tiến độ” để có “gà mái” chăm sóc đám trẻ con ở nhà. Sau đó một thời gian, anh Linh cùng mẹ và em trai vợ cả tới nhà chị Thảo nói chuyện người lớn.

Thấu hiểu gia cảnh anh Linh nên nhà chị Thảo đồng loạt phản đối. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, gả về gia đình ấy, chị Thảo sẽ khổ sở, nặng gánh bên chồng.  

Dẫu đã bị phản đối, chị Thảo vẫn quyết tâm tới thăm nhà anh Linh một lần. Hoàn cảnh nhà anh còn nghèo khổ hơn cả những điều chị tưởng tượng. Ngôi nhà sơ sài, xây cất tạm bợ, đám trẻ nhỏ không người chăm sóc trông bẩn thỉu, luộm thuộm.

Khi ấy đứa lớn nhà anh mới hơn chục tuổi. Chị biết mình là phận gái quá lứa lỡ thì, cũng chẳng còn cơ hội để mà “kén cá chọn canh” song nhìn hoàn cảnh ấy, chị không thể gật đầu đồng ý được.

Chị là một người phụ nữ có nhận thức, chị hiểu lấy anh về, chị sẽ phải dang rộng đôi tay để đón 3 đứa con chồng, cộng thêm người vợ cả điên loạn chỉ nằm yên một chỗ hoặc phá phách, rồi cả khoản nợ nần mà anh Linh từng vay mượn để chữa bệnh cho vợ cả… Những điều đó thực sự là vách ngăn quá lớn mà chị khó thể vượt qua.

Đến thăm nhà anh Linh, xem xét gia cảnh, chị lạnh lùng ngoảnh mặt quay đi và xác định lại rằng không thể lấy anh làm chồng được. Nhưng rồi đêm đó, chị mất ngủ. Dù đã cố nghĩ đến những chuyện khác song hình ảnh về người chồng, người cha đen nhẻm, khắc khổ, tảo tần chăm vợ bệnh con thơ rồi cả đám nhóc tỳ đáng yêu cứ bám riết lấy suy nghĩ của chị.

Chị đóng chặt hai con ngươi những mong chợp mắt một lát song nỗ lực ấy không thành công. Sáng hôm sau, chị dậy thật sớm, điện thoại cho anh biết, mình đã nghĩ lại và đồng ý lấy anh làm chồng.

Trước quyết định đường đột này, gia đình chị mặc dù không hài lòng song cũng để cho chị Thảo toại nguyện, coi như sướng khổ chị tự chịu.

Tình thương của “mẹ kế” tốt bụng

Những ngày đầu mới kết hôn, cuộc sống của chị Thảo vô cùng khó khăn. Vất vả nhất là phải chăm sóc người vợ của chồng bị tâm thần. Bình thường chị Huệ nằm im một chỗ nhưng mỗi lần phát bệnh là không còn điều khiển được hành vi.

Chị Thảo từng không ít lần khốn khổ đến bật khóc tức tưởi khi bị vợ cả của chồng đánh đập, chửi bới. Mỗi lần giúp vợ cả làm vệ sinh cá nhân là chị cũng mệt bơ phờ bởi sự quậy phá, hành hạ của một “người điên”.

Người vợ cả còn có một nét đặc thù khác là không cần ai phải bón cơm cho ăn. Người nhà phải đổ cơm xuống nền nhà đã được lau sạch sẽ để chị Huệ tự bốc đồ ăn cho vào miệng.

Những lúc bị chị Huệ phát bệnh giày vò, chị Thảo không tránh khỏi cảm giác tủi lòng song hễ nhìn thấy cảnh tượng đáng thương kia là mọi giận hờn tan biến hết. Lúc ấy lòng chị Thảo chỉ dấy lên nỗi đau xót, thương cảm vô hạn.

Chị còn rất thương đứa con út của chồng. Chào đời được vài tháng thì mẹ lâm trọng bệnh, đứa nhỏ hầu như chẳng cảm nhận được chút tình mẫu tử nào của mẹ ruột. Thương con, chị cố gắng dùng tình cảm của một người “mẹ kế” để bù đắp những lỗ hổng tình cảm ấy.

Mỗi lần đứa bé quấy khóc, ốm yếu, anh đi biển xa, một tay chị chăm sóc, nựng nịu, dỗ dành bé nín. Và đứa bé lớn dần dưới sự chăm sóc tảo tần từ bàn tay của người mẹ hai. Chồng chị làm nghề đi biển, do không có vốn nên cũng chỉ đánh bắt, lượm lặt ven bờ, thu nhập hôm có, hôm không.

Anh thỉnh thoảng cũng có một vài chuyến đi dài ngày nhưng thu nhập sau mỗi chuyến đi đều chẳng đáng là bao. Để có thêm tiền cải thiện bữa ăn vốn đã vô cùng đạm bạc, chị Thảo còn làm thêm nghề đồng nát.

Hàng ngày, cứ sáng sớm là chị lại phóng chiếc xe đạp cà tàng của mình ra đường để nhặt chai lọ, những thứ người ta vứt bỏ hoặc mua bán đồ nhựa, sắt thép, lấy chênh lệch giá kiếm lời. Đến trưa chị về nhà để nấu nướng, ăn qua loa rồi đầu giờ chiều lại đi tiếp.

Chiều tối là quãng thời gian bận rộn nhất, ngoài việc tắm táp cho mấy đứa nhỏ, chị còn phải làm vệ sinh cá nhân cho vợ cả của chồng, giặt giũ quần áo. Hôm nào cũng tới 9 h tối chị mới hoàn thành xong tất cả các việc, đặt lưng xuống giường là chị ngủ thiếp đi bởi trên người chẳng còn chút sức lực nào nữa.

Cũng nhờ có sự chăm chỉ của chị mà đám nhỏ có thêm ít thức ăn trong bữa cơm mỗi ngày. Mỗi lần nhìn đám trẻ vui vẻ ăn uống, chị lẳng lặng nuốt nước mắt vào trong.

Năm 2004, tình yêu mà chị dành cho chồng kết trái đơm hoa bằng một bé gái đáng yêu. Niềm vui lại đi liền với nỗi lo bởi lúc chị sinh nở, chi tiêu trong gia đình sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, mà chị vốn rất hiểu, mỗi ngày anh kiếm chẳng được bao nhiêu.

Rồi bữa cơm bữa cháo qua ngày, mấy đứa bé dù không đầy đủ vật chất song lớn lên khỏe mạnh và ngoan ngoãn, không khiến vợ chồng chị phải phiền lòng nhiều.

Gia đình chị Thảo, anh Linh khá nổi tiếng trong thôn. Đó không chỉ đơn thuần là do cái sự nghèo cũng như cảnh vợ kế chăm vợ nhất hiếm gặp mà còn bởi hoàn cảnh khó khăn song hai anh chị vẫn giữ được bản tính thật thà trung thực.

Một lần đi thu mua sắt vụn, chị có tới nhà một người phụ nữ ở khu phố Nam Hải, phường Trung Sơn. Thấy nhà có nhiều quần áo cũ muốn bỏ đi nên chị xin về để cho người vợ cả. Khi về đến nhà, soạn lại đám quần áo cũ, chị ngạc nhiên khi thấy đám nữ trang bằng vàng lẫn trong đó rơi ra, tổng cộng có tới hơn 7 chỉ vàng.

7 chỉ vàng, đối với gia đình chị Thảo lúc bấy giờ quả thực đáng giá một gia tài. Có nó, chị sẽ có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, có tiền trang trải nợ nần… thế nhưng mọi cám dỗ tiền tài không khiến chị mụ mị đầu óc.

Chị vội vàng lọc cọc đạp chiếc xe đạp tồi tài của mình đến nhà người phụ nữ kia trả lại số vàng vô tình nhặt được. “Họ tốt thì mới cho mình quần áo cũ, mình không thể đối xử bạc với họ được”, chị nói.

Sau khi mang tiền tới trả, chị được họ cảm ơn 100.000 đồng. Số tiền không lớn song cũng làm chị vui và thấy lòng thanh thản rất nhiều.

Mấy tháng gần đây, sức khỏe chị bỗng nhiên giảm sút rõ rệt. Đi khám, người ta bảo chị viêm họng có mủ, không chữa chạy kịp thời nên đã xuống cả tới dạ dày. Vì người yếu nên dạo này chị không còn đi thu mua sắt vụn được thường xuyên nữa, gia cảnh vốn đã nghèo nay càng túng bấn hơn.

Anh Linh thở dài: “Đứa út nhà tôi cũng đã đến tuổi bắt đầu đi học nhưng giờ đến cả việc lo áo quần cho chúng cũng chẳng xong thì còn học hành sao được. Là bậc làm cha làm mẹ, ai cũng mong muốn con cái được học nhưng hoàn cảnh không theo được.”

Đứa con trai lớn nhà anh giờ đã nghỉ học đi làm xa ở mãi đảo Bạch Long Vỹ. Thương bố mẹ vất vả nên mỗi tháng, cậu con trai cũng dành dụm chi tiêu để gửi về nhà hơn triệu đồng. Cộng thêm số tiền anh Linh kiếm được chính là khoản thu nhập của gia đình.

Đưa chúng tôi ra khỏi nhà, giọng ngao ngán của anh Linh vang vất theo lời chào tiễn khách: “Chán lắm cô ơi! Không biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh khổ”.

  • Phương Linh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn