Đừng bắt con sống bằng ước mơ của cha mẹ

( PHUNUTODAY ) - Những ngày gần đây, cứ xem báo là lòng tôi quặn thắt khi thấy những tin về các em học sinh trầm cảm, tự tử vì áp lực học hành quá lớn. Có lẽ nào con cái chúng ta đang hi sinh tuổi thơ của mình để thỏa mãn ước mơ của cha mẹ?

 Con đường đến trường nặng trĩu âu lo

Mới đây, một bức ảnh được chụp bởi anh Phan Hải Quang đã khiến chúng ta càng thêm suy nghĩ về câu hỏi nhức nhối hiện nay: Liệu có phải học sinh Việt Nam đang chịu áp lực quá nhiều từ việc học?

Bức ảnh sau khi được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng và được đặt tên là “Mùa thi tới mang theo nhiều mệt mỏi”. Trong ảnh là ba cậu học sinh đang trên đường đến trường buổi sáng với nét mặt vô cùng căng thẳng, âu lo. Hai trong số 3 cậu thì cầm sẵn trên tay cuốn tập, tranh thủ ôn bài trên đường tới trường; còn cậu bé ở giữa thì trông khá mệt mỏi, buồn ngủ… Nét mặt của cả 3 đã khiến cho cư dân mạng không khỏi xót xa, thương cảm.

thi_vao_10a_fjpz

‘Vừa học vừa xúc cơm ăn, nhiều lúc ngủ gật rơi cả bát’

Cách đây không lâu, Hằng (22 tuổi), quê ở Nam Định cũng chia sẻ câu chuyện ôn thi cấp 3 của em gái trên mạng xã hội, khiến nhiều người không khỏi giật mình:

“Các mày có đứa nào có em năm nay thi cấp 3 không. Đây là em gái tao. Từ đầu năm lớp 9 đến giờ hầu như nó học full thứ 2 đến chủ nhật, đến nghỉ lễ còn không được nghỉ. Còn 2 tháng nữa là nó thi nên bây giờ nó phải đâm đầu vào mà học.”

Hằng kể, em gái của cô học kín cả tuần không ngày nghỉ, đi học chiều về tầm 5h30 là học bài luôn, đến giờ ăn tối thì ăn qua loa tý cơm rồi vội vàng đi học thêm, học về thì lại ngồi vào bàn học tiếp. Vừa học vừa xúc cơm ăn, nhiều lúc ngủ gật rơi cả bát.

Rồi cô bạn tiếp lời: “Hôm nay nhà tao vừa bực vừa giận đồng thời ra quyết định cho nghỉ học thêm. Các mày biết sao không, bố mẹ tao chỉ định cho học 2 tiếng buổi tối từ 7h đến 9h nhưng từ lâu cô giáo cho lên hẳn 10h, 10h30 mới được về. Và hôm nay là 10h45 mới được về. Cô cố vì học sinh là cái tốt nhưng chúng nó học cả ngày rồi, phải để nghỉ ngơi. Mà nó là con gái các mày tưởng tượng 11h đêm Hà Nội còn vắng huống chi ở quê, 8h tối người ta đã tắt điện đi ngủ. Tối nay cả bố mẹ tao và tao đã phải đi để đón nó về. Rồi đi học nhiều nó mệt nên chẳng ăn uống gì, mà không ăn thì không có sức học, bởi vậy em tao giờ như người ốm dậy ấy. Chưa biết nó học tốt hơn không nhưng sức khoẻ nó đã giảm quá nhiều rồi.”

111TTT2

Đừng đo cuộc đời con bằng điểm số

Sau nhiều cái chết thương tâm tuổi trăng tròn, các chuyên gia tâm lý giáo dục cảnh báo: đã đến lúc các bậc cha mẹ cần “thức tỉnh”, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mình mà không cho chúng làm những điều theo mong muốn, sở thích và năng lực. TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội phân tích, hành động tìm đến cái chết không phải nhất thời mà trạng thái muốn được chết được tích tụ trước đó trong một thời gian dài, đáng tiếc, các bậc phụ huynh không đủ tỉnh táo, quan tâm để phát hiện ra những trạng thái bất thường của con mình. “Khi học sinh phải chịu áp lực từ gia đình, nhà trường, các em không thể phát triển một cách bình thường được. Kỳ vọng của bố mẹ quá lớn khiến các em không chịu được cảm giác thất bại trước những mục tiêu đã đặt ra trước đó bởi chính gia đình, nhà trường và bản thân. Không có kỹ năng vượt qua thất bại, các em chỉ còn biết tìm đến cái chết để kết thúc”, TS Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho rằng, đây là những bài học đắt giá cho các gia đình phải rút kinh nghiệm: “Hãy kỳ vọng ít hơn, kỳ công nhiều hơn với con và đồng hành cùng con, chia sẻ, vui chơi cùng con để biết con mình cần gì, muốn gì?”.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội thì cho rằng, nhiều phụ huynh không nắm rõ được mục tiêu học tập của học sinh gồm nhiều thứ như kỹ năng sinh tồn, sống tốt, sống thành công, sống hạnh phúc chứ không phải chỉ dồn vào mục tiêu học thật giỏi kiến thức trong sách vở. “Nhiều phụ huynh ngày nay không chấp nhận việc con mình thua kém bạn bè, học dốt, thậm chí không chấp nhận việc con bị đúp. Chính áp lực này đã dồn lên đứa trẻ. Khi đứa trẻ không đạt được mục tiêu, gặp thất bại, thay vì động viên, cha mẹ thường trách cứ khiến trẻ gia tăng áp lực dẫn đến chới với, tuyệt vọng”, bà Hương nói.

Bà Hương cảnh báo, nếu gia đình và xã hội vẫn đặt mục tiêu giáo dục trẻ qua điểm số và lấy điểm số là thước đo, đề cao kiến thức hơn kỹ năng sống, đạo đức sống thì cuộc sống và tương lai của những đứa trẻ sau này sẽ vô cùng vất vả chứ đừng nói đến thành công.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn