Bà bầu bị sốt có nên uống thuốc không?

( PHUNUTODAY ) - Chị em khi mang thai thường có sức đề kháng yếu nên bị sốt, cúm,... là không tránh khỏi. Vậy khi bị sốt có nên uống thuốc không là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Nguyên nhân dẫn tới bà bầu bị sốt

Sốt là một triệu trứng phổ biến trên lâm sàng và khó có thể nhận biết. Gọi là sốt khi thân nhiệt trên 37,5 độ C nếu cặp ở miệng hoặc nhiệt độ đo ở hậu môn trên 38 độ C.

Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Minh, biểu hiện của sốt khi mang thai là nhiệt độ tăng cao hơn so với mức bình thường của cơ thể là 37 độ C. Đây có thể là nguyên nhân do mẹ bầu nhiễm khuẩn virus, kí sinh trùng,… xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa, đường máu, tiết niệu,…gây ra.

thuoc1

 

Bà bầu bị sốt có nguy hiểm không?

Trong các đối tượng dùng thuốc cần đặc biệt lưu ý thì bà mẹ mang thai là một đối tượng cần lưu tâm. Có nhiều lý do khiến cho việc dùng thuốc trở nên quan trọng, nhưng ba trong số các lý do đó là: tránh biến cố dị tật cho thai nhi, tránh sẩy thai trong 3 tháng đầu và tránh sinh non vào 3 tháng cuối. Tất cả các thuốc dùng không an toàn đều có thể dẫn tới một hoặc cả ba biến cố trên. Chúng sẽ khiến cho quá trình mang thai bị đình chỉ và sức khỏe thai kỳ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vấn đề sốt ở bà mẹ mang thai trở nên thường gặp hơn bao giờ hết. Đa phần hiện tượng sốt liên quan đến viêm họng, viêm mũi, viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa. Khoan hãy bàn tới việc điều trị nguyên nhân cho các bệnh này, chúng ta hãy bàn tới chuyện kiểm soát thật tốt triệu chứng sốt cho bà mẹ mang thai. Bởi lẽ sốt châm ngòi cho sự rối loạn nước và điện giải, một vấn đề vốn dĩ rất cấm kỵ ở phụ nữ mang thai. Sốt sẽ tạo thêm nguy cơ đe dọa cho các bà mẹ có yếu tố thuận lợi cho tiền sản giật và sản giật. Sốt quá cao sẽ làm tăng thêm nguy cơ sẩy thai và đẻ non. Việc thử thách sốt với bà mẹ mang thai là thực sự không cần thiết và rất không nên. Do đó, vấn đề kiểm soát thật tốt sốt và thật đúng lúc với bà mẹ mang thai là rất quan trọng.

Bà bầu bị sốt có nên uống thuốc không?

Trong danh mục các thuốc hạ sốt có thể dùng hiện nay, ba loại rất thường gặp là paracetamol, aspirin và ibuprofen.

Paracetamol có khá nhiều ưu điểm. Thuốc tương đối an toàn, không gây dị tật thai nhi, không gây sảy thai trong 3 tháng đầu, không dẫn tới đẻ non trong 3 tháng cuối. Paracetamol lại tương đối dễ dùng, ít tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em sau khi sinh. Paracetamol được bào chế đa dạng, phù hợp với nhiều đặc điểm riêng của các bà mẹ dạng gói, viên, siro, cốm, viên sủi bọt... 

thuoc

 

Tuy nhiên, thuốc này có tác hại với gan. Đây là hợp chất hóa học gây viêm gan điển hình và viêm gan nặng nếu dùng không đúng cách. Do đó, trong quá trình dùng phải lưu ý tác dụng phụ này của thuốc.

Aspirin là thuốc hạ sốt tốt, tác dụng nhanh, có công hiệu giảm đau hữu hiệu (mạnh hơn paracetamol, vốn rất thích với bà mẹ mang thai), có tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu ngừa những biến cố đông máu trong một số trường hợp cụ thể. Thuốc thường được bào chế dạng viên nén rất dễ dùng.

Tuy vậy, thuốc lại có khá nhiều nhược điểm như có thể gây sảy thai trong 3 tháng đầu tiên (nguy cơ là rất lớn, lên tới 80%). Thuốc không gây ra dị tật thai nhi nhưng lại có thể gây ra chứng đóng sớm ống động mạch ở trẻ em ngay từ thời điểm trước khi sinh. Những sự cố này của aspirin là không thể chấp nhận được với bà mẹ mang thai. Bên cạnh đó, thuốc có thể gây viêm loét dạ dày - tá tràng nên không thích hợp cho bà mẹ có tiền sử viêm loét trước đó.

Ibuprofen, được nhiều bà mẹ ưa dùng vì có khả năng hạ sốt tương đối tốt (mặc dù có phần kém paracetamol) và giảm đau (vượt hẳn paracetamol).

Khi dùng thuốc này, các thai phụ cần thận trọng. Ibuprofen được cảnh báo mức độ nguy hiểm D với thai kỳ, mức độ gần cao nhất. Người ta thấy ibuprofen có liên quan mật thiết tới biến chứng sảy thai trong 3 tháng đầu tiên. Ibuprofen cũng được chỉ ra làm tăng nguy cơ gây ra đóng sớm ống động mạch ở bào thai, một biến cố rất không có lợi. Vì thế, hơn bất cứ thuốc nào, ibuprofen rất cần thận trọng khi dùng cho bà mẹ mang thai.

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn