Chuyện đã qua như nước chảy mây trôi, khoan dung mới nên bậc trí huệ

( PHUNUTODAY ) - Bậc trí nhân thường khoan dung độ lượng, họ không cố chấp, oán giận những điều đã qua bởi đời như dòng nước chảy, chuyện hôm qua chẳng thể quay lại.

 Tô Thức (1037 – 1101), còn gọi là Tô Đông Pha, là một văn hào lỗi lạc thời Bắc Tống. Người ta gọi ông là “tam tuyệt”, tức là giỏi tuyệt đỉnh cả về 3 thể: thơ, tản văn và thư pháp. Tô Thức sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương và khoa cử. Cha ông Tô Tuân, em trai ông Tô Triệt cũng đều là những văn hào nổi tiếng trên văn đàn bấy giờ. Trong suốt 7 thế kỷ (từ thế kỷ 7 – 13), Trung Hoa có 8 đại văn hào lớn nhất thì nhà họ Tô đã chiếm 3 người: Tô Thức, Tô Tuân và Tô Triệt.

Sóng gió quan trường không mòn chí

Dưới thời trị vì của Tống Thần Tông (1067 – 1085), nhà Tống bắt đầu suy thoái, kinh tế đình đốn, quốc khố trống không. Trước tình thế ấy, Thần Tông đã chuẩn y “Biến pháp” của Vương An Thạch, phong ông làm Tể tướng những mong khôi phục lại phong khí quốc gia. Những biện pháp kinh tế mới mẻ của Vương An Thạch tuy có được hiệu quả nhất thời nhưng càng về sau càng lâm vào khủng hoảng, khiến lòng dân ly tán.

Khoan-dung---dieu-tu-duong-lon-nhat-cua-doi-nguoi-hinh-anh-2

Tô Đông Pha là một trong những người phản đối “Biến pháp” mạnh mẽ nhất. Ông cho rằng triều đình thực hiện các biện pháp này chính là tranh lợi với dân, vơ vét tài vật, tuy có được mối lợi kinh tế nhất thời nhưng đã làm xã hội lung lay tận gốc rễ. Vốn tính cương nghị, thẳng thắn, Tô Thức thậm chí còn mượn thơ để phê phán Vương An Thạch. Trong mắt phe cánh của họ Vương trong triều đình, Tô Đông Pha bỗng trở thành cái gai trong mắt phải nhổ.

Sau khi bị người nhà Vương An Thạch vu cáo, hãm hại, Tô Thức bị Thần Tông nghi ngờ, ghét bỏ. May nhờ có Tư Mã Quang đỡ lời, Thần Tông mới nguôi ngoai, không trị tội Tô Thức mà chỉ biếm trích ông ra Hàng Châu. Năm 1071, Tô Thức rời kinh thành lên đường tới đất trích. Nhưng Hàng Châu không phải là điểm đến cuối cùng của Tô Thức. Ông còn phải chịu thêm nhiều phen bị đối thủ hãm hại, quy tội khi quân rồi bị đày tới những vùng xa xôi, cách trở như Mật Châu, Hoàng Châu (Hồ Bắc ngày nay).

Năm 1084, Tô Thức được vua Thần Tông phục chức và vời về kinh đô giao việc chép sử. Dù vậy, sự ân xá cũng chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu sau, khi hoàng đế Triết Tông lên ngôi, tể tướng Chương Đôn (bạn thân hồi trẻ của Tô Thức) buộc tội ông phỉ báng tiên đế. Tô Thức bị cách mọi chức tước, lần thứ hai phải chịu cuộc sống lưu đày cực khổ trăm bề. Ông phải đi hơn 4500 cây số xuống Huệ Châu rồi tiếp tục bị đày ra đảo Hải Nam ở miền cực Nam hẻo lánh.

Bằng một sự lạc quan đáng kinh ngạc, Tô Đông Pha đã biến chuyến lưu đày của mình trở thành một cuộc du hí đầy sinh động. Bước chân ông đã đặt lên biết bao núi thẳm hang hoang, con sông ngọn suối. Đi đến đâu, Tô Đông Pha cũng lưu lại dấu tích của mình. Trong suốt thời gian làm quan ở Hàng Châu, ông làm đủ thể loại thơ tả cảnh, tả tình, tả sự đau xót khi thi hành án, tả cảnh trào phúng.

nghiluanxahoivelongkhoandung

Tấm lòng khoan dung, độ lượng hiếm có

Dù bị phe cánh của Vương An Thạch hại cho thân bại danh liệt nhưng Tô Đông Pha vẫn giữ một tình bạn thâm giao rất tốt đẹp với Tể tướng họ Vương. Năm 1084, Tô Đông Pha được phục chức, trên đường tới Nam Kinh còn ghé lại thăm Vương An Thạch đã cáo lão về quê từ năm 1076.

Lúc này Vương An Thạch sức khỏe đã suy lắm rồi. Tuy là những người đối địch với nhau trên quan trường nhưng Tô và Vương không đến nỗi thù ghét mà hãm hại nhau. Ngược lại, cả hai còn trọng tài của nhau, biệt đãi nhau bằng cái nghĩa của bậc quân tử. Vương An Thạch cũng là một văn hào lớn thời bấy giờ, xếp cùng hàng “Đường Tống bát đại gia” với Tô Đông Pha.

Và bạn hãy nhớ rằng:

Hãy học cách khoan dung, bởi tình yêu bao giờ cũng vĩ đại hơn thù hận, khoan dung bao giờ cũng có sức mạnh hơn trừng phạt.

Tha thứ không phải là ban phát ơn huệ cho kẻ khác mà là tự cởi trói cho chính mình.

Tha thứ, khoan dung không hề khó, cái chính là bạn không thể cởi bỏ được oán hận trong lòng mình.

Cái gốc của tha thứ chính là tâm từ bi, lương thiện. Để có thể tha thứ cho người khác dễ dàng hơn, phải chăng bạn luôn nên nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng thiện lương, nhân hậu?

Điều đó chính là:

Oán hận ngút trời dù muôn kiếp Buông tâm để giữ được thiện lương.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn