"Tứ trụ" sử học Việt Nam - Giáo sư Phan Huy Lê qua đời ở tuổi 84

( PHUNUTODAY ) - Giáo sư sử học Phan Huy Lê, người được mệnh danh một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam đã qua đời vào chiều ngày 23/6, sau 3 tuần nằm viện chữa trị bệnh tim.

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung, viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), bùi ngùi chia sẻ tin buồn: "Thầy Phan Huy Lê đã qua đời vào vào 13h06 phút chiều nay (23/6) sau ba tuần nằm viện.

Khi thầy nhập viện, lãnh đạo Bộ Y tế cũng như lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã rất quan tâm, mời những giáo sư đầu ngành tập trung chẩn đoán, chữa trị cho thầy. Nhưng do tuổi cao sức yếu, thầy đã không qua khỏi".

"Tứ trụ" sử học Việt Nam - Giáo sư Phan Huy Lê

Giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung cho biết mới đây thôi, dù tuổi cao nhưng giáo sư Phan Huy Lê vẫn tham gia đoàn ra Trường Sa. Ông là người cao tuổi nhất trong đoàn.

Khi về Hà Nội, sức khỏe ông vẫn bình thường. Nhưng mấy ngày sau gia đình thấy ông bị mệt, đưa ông vào Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh tim và được chỉ định đặt stent để thông mạch.

"Khi đi Trường Sa về cụ vui lắm. Lúc nằm trong bệnh viện cụ vẫn nghĩ mình đang làm việc. Có lần cụ nói với con gái "bố quên tắt máy tính". Cụ vẫn muốn làm việc đến tận giây phút cuối cùng", giáo sư - tiến sĩ Phạm Hồng Tung chia sẻ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ông là người ra vào bệnh viện thăm giáo sư Phan Huy Lê mỗi ngày khi sức khỏe ông xấu đi. Tuy nhiên, ông Giang chia sẻ dù sức khỏe không tốt, sự ra đi của GS Phan Huy Lê lại khá đột ngột.

"Tôi không ngờ nhanh như thế. Ông qua đời là sự mất mát rất lớn đối với ngành sử học nước nhà", GS Giang nói.

GS Phan Huy Lê đưa tiễn GS Đinh Xuân Lâm tại tang lễ ngày 27/1/2017

GS Phan Huy Lê đưa tiễn GS Đinh Xuân Lâm tại tang lễ ngày 27/1/2017

Giáo sư Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một trong những chuyên gia lịch sử hàng đầu Việt Nam, ông từng giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990-1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005, khóa V (2005-2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học năm 2016.

Trong giới sử học Việt Nam, tương truyền có 4 nhà khoa học lớn là "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn và GS Trần Quốc Vượng). Trong số này, hiện còn GS Hà Văn Tấn.

Ông là hậu duệ cùng họ với Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh là Phan Huy Tùng (1878- ?) (đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913), Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn, anh cả là cựu thủ tướng của chế độ Việt Nam Cộng hòa Phan Huy Quát. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy.

Năm 1994, ông nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân và là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka năm 1996.

Bên cạnh đó, ông cũng là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”...

TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ, "Giáo sư Phan Huy Lê rất hy vọng nhìn thấy thành quả của bộ Quốc sử khi còn sống. Nhưng thầy đã không kịp. Dù đau buồn nhưng tôi tin những thế hệ học trò của thầy sẽ tiếp nối để đạt bằng được mong ước của thầy."

Có bốn điểm mới trong quan điểm của Giáo sư Phan Huy Lê cũng là yêu cầu thầy đặt ra cho bộ Quốc sử.

Thứ nhất là quan điểm toàn diện - đề cập đến tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai là tính toàn thể, có nghĩa các thành phần cấu thành nên lịch sử Việt Nam đều phải đề cập. Ví dụ như trước đây Lịch sử Việt Nam thiên về miền Bắc, né tránh phần lịch sử ông cha ta tiến vào phía Nam bắt đầu từ thế kỉ 16, ít đề cập đến lịch sử biển đảo.

Thứ ba, lịch sử VN trước đây mới chỉ là lịch sử của người Kinh chưa phải của 54 dân tộc, nên trong bộ Quốc sử mới phải bổ sung.

Thứ tư, Lịch sử VN viết trước đây nghiêng về phía chúng ta nhiều quá. Ví dụ ít đề cập đế chính quyền Bảo Đại hay Việt Nam cộng hòa. Tất cả những "khoảng trống" này sẽ phải được lấp đầy.

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn