Chỉ vì mọc răng khôn khi thai kỳ, mẹ bầu phải chấp nhận chấm dứt thai trong nước mắt

( PHUNUTODAY ) - Sau 1 tuần chịu đựng đau đớn, khu vực chiếc răng khôn mọc sưng lên rất lớn, chị Lan đã ra một phòng khám tư nhân thăm khám và được được giới thiệu vào bệnh viện để điều trị. Kết quả, người mẹ đã phải chấp nhận chấm dứt thai trong nước mắt vì hậu quả của chiếc răng khôn gây ra.

Trong lúc đang mang thai đứa con thứ 2 ở tuần thứ 6, chị Hoàng Thị Lan (24 tuổi, ở Hà Nội) đã mọc chiếc răng khôn (răng số 8) ở hàm dưới, phía bên trái.

Trong suốt 1 tuần, chị Lan chấp nhận chịu đau, không uống thuốc vì lo kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, khu vực răng khôn mọc ngày càng sưng to khiến thai phụ không thể chịu đựng nổi nên phải đến phòng khám tư và được giới thiệu vào bệnh viện để điều trị.

Tại Bệnh viện Việt Nam Cu Ba (Hà Nội), Ths.BS Trần Phương Bình (khoa Phẫu thuật hàm mặt) cho biết, bệnh nhân Lan vào viện trong tình trạng rất nặng, miệng không thể há được do cứng hàm, má xuất hiện có lỗ thủng và có nhiều mủ chảy ra ở phía trong.

rang-khon-1

BS Bình đang xem phim X-quang của một bệnh nhân có răng số 8 mọc lệch.

“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thức ăn ứ đọng vào trong, lâu dần dẫn đến viêm nhiễm, sưng to, chảy mủ… Nặng hơn nữa, người bệnh bị áp xe cơ cắn, không há được miệng”, BS Bình cho hay.

Với tình trạng bệnh nặng, bệnh nhân lại đang mang thai nên các bác sĩ đã mời chuyên gia sản khoa đến để hội chẩn. Cuối cùng các bác sĩ đã quyết định phương án đình chỉ thai kỳ để điều trị cho người bệnh bởi trong quá trình điều trị sẽ phải dùng thuốc gây mê, kháng sinh… Những loại thuốc này qua nhau thai sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.

Chị Lan được bơm rửa vết thương, gây mê để mổ dẫn lưu dịch mủ phía trong miệng, tiến hành nhổ chiếc răng số 8. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh liều cao 10 ngày mới dần dần bình phục và xuất viện.

rang-khon-2

Phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ cần hết sức chú ý khi mọc răng khôn.

Từ trường hợp trên, BS Bình cho rằng bất kể ai khi mọc răng khôn thấy đau, sưng thì phải đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt thăm khám.

Đặc biệt, đối với những người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, khi phát hiện răng khôn mọc lệch, mọc dưới lợi, mọc trong xương… thì cần phải được xử lý trước khi có ý định mang bầu để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên.

Với người khỏe mạnh bình thường thì bác sĩ sẽ có chỉ định nhổ răng khôn nếu răng này có thể gây hại và có biến chứng với sức khỏe bệnh nhân.

Nhưng nếu bị mọc răng khôn khi mang thai thì bạn không nên nhổ răng vì có thể gây nhiễm trùng huyết ảnh hưởng đến thai nhi. Mang thai là giai đoạn nhạy cảm, đặc biệt là những tháng đầu và cuối thai kỳ. Do đó, bất cứ tác động mạnh nào răng miệng cũng có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.

Nếu bạn thấy đau nhức thì bạn nên đến bác sĩ nha khoa để được thăm khám, cho lời khuyên và không tự ý sử dụng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Bạn cũng không được căng thẳng hay quá lo lắng, lúc này bạn cần tập trung nghĩ ngơi, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và hợp lý để em bé phát triển tốt.

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn