Tâm sự của công nhân về quê tránh dịch: 'Chúng em chạy xuyên đêm, mệt quá thì lấy áo mưa trải ra nằm nghỉ'

( PHUNUTODAY ) - Công ty, doanh nghiệp đóng cửa, tài chính kiệt quệ nên cực chẳng đã, những người lao động xa quê phải tìm cách rời phố về nhà.Tuy nhiên, sau lưng họ có không ít lời đàm tiếu, trách móc và xa lánh của mọi người.

Mới đây, trên một diễn đàn mạng xã hội dành cho giới trẻ, tài khoản Ngọc Hiền đã chia sẻ dòng tâm sự gây xót xa về câu chuyện của những người lao động thất nghiệp rời phố, về quê tránh dịch.

Xin được trích nguyên văn dòng tâm sự của Ngọc Hiền như sau:

"Em cũng như bao người con xa quê đi làm ăn xa, kiếm đồng tiền phụ giúp gia đình. Nay dịch bệnh, thất nghiệp ngàn người như một phải tìm về quê hương tránh dịch, cũng như giải quyết khó khăn hiện tại.

Tụi em về bằng phương tiện cá nhân là xe máy hơn 1000km. Đường đi xa xôi, cách trở, vượt đèo chênh vênh nguy hiểm, không kể xe cộ lỡ có hư hỏng thì khổ cả trăm đường. Vì đang dịch bệnh, tụi em không thể ghé dừng chân ở đâu hết, bởi lẽ tụi em hiểu và cũng biết nên làm thế nào để an toàn cho mình và xã hội.

Hành trình về quê vất vả của những người con xa xứ (Ảnh: Ngọc Hiền)

Hành trình về quê vất vả của những người con xa xứ (Ảnh: Ngọc Hiền)

Đó cũng là tinh thần tự giác, ý thức cũng như trách nhiệm của mỗi người để đảm bảo góp phần chống dịch lên mức cao nhất có thể. Trước khi về, tụi em phải đi xét nghiệm có giấy báo âm tính mới về quê được. Qua các chốt, tụi em khai báo rõ ràng chi tiết, cũng như giấy tờ tùy thân đầy đủ.

Đoàn người xuyên đêm về quê (Ảnh: Ngọc Hiền)

Đoàn người xuyên đêm về quê (Ảnh: Ngọc Hiền)

Hành trình theo chúng em là ba lô đồ đạc áo quần. Về xe máy nên chỉ mang theo những gì cần thiết có thể, phải đèo thêm 1 bon nước lọc tận 5 lít, kèm với hộp bánh ngọt mua sẵn ở khu vực xuất phát.

Chúng em chạy xuyên đêm, nghỉ ngơi thì tấp vào lề đường ăn vội cái bánh ngọt, uống nước rồi xuất phát. Mệt với buồn ngủ quá thì phải lấy áo mưa trải giữa đất bên lề đường nằm nghỉ. Có người còn không có đồ lót nằm phải nằm lê lết giữa đất đường xi măng nóng hầm. Mệt cũng gắng chạy, mong sao mau về đến quê nhà vì lương thực tụi em chỉ mang được bao nhiêu đó, không thể ghé vào quán hay nghỉ chân ở nhà dân được.

(Ảnh: Ngọc Hiền)

(Ảnh: Ngọc Hiền)

Qua các chốt khai báo đầy đủ, tụi em mới được đi. Về Huế, tụi em chờ cả đêm tới sáng nằm giữa sương trời lạnh buốt, mới được công an tỉnh Thừa Thiên Huế áp tải tụi em ra tới tỉnh nhà. Về tỉnh nhà là khai báo nhanh rồi được xe trực tiếp chở đi cách ly.

Là vậy đó, không phải tự nhiên mà hàng ngàn người con xa quê làm ăn tại Sài Gòn rồi các tỉnh lân cận lại tìm về quê. Vì dịch bệnh, vì thất nghiệp, vì đói nhà nước vẫn cho phép con em về. Qua các chốt vẫn động viên hỗ trợ tụi e đồ ăn thức uống rồi còn dặn dò đường còn xa đi chậm và cẩn thận nữa...

Mà sao, bà con cô bác ở quê mình lại coi con em mình như những tội phạm, nói to nói nhỏ, xa lánh chỉ trích tụi em. Mẹ em ở quê đi mua đồ ăn cũng bị chính bà con, hàng xóm mình nói này nói kia. Cho em hỏi, bà con mình không có con em làm ăn xa quê về à, hay về không được nên cũng không muốn tụi em về.

Tụi em về và cũng đã nghiêm chỉnh làm theo chỉ thị của tình nhà. Tụi em cũng là con em ruột thịt của quê hương mình. Bà con, cô chú cũng có con em xa quê làm ăn, vậy nên hãy hiểu cho tụi em, cho mọi người. Đừng vì sự thiếu hiểu biết, lo lắng quá độ mà đẩy tụi em vào thế như những tội phạm với cái nhìn như vậy.

Nghe mẹ em nói vậy, em buồn quá nên lên đây để tâm sự cho những ai đã và đang về quê, cũng như bà con cố chú ở quê nhìn nhận tụi em theo đúng nghĩa tình làng nghĩa xóm vốn có...".

(Ảnh mạng xã hội)

(Ảnh mạng xã hội)

Những người lao động về quê khai báo y tế tại chốt kiểm dịch (Ảnh mạng xã hội)

Những người lao động về quê khai báo y tế tại chốt kiểm dịch (Ảnh mạng xã hội)

Hiện, bài viết đã nhận về hơn 1K lượt tương tác của cộng đồng mạng. Mọi người đồng cảm, thấu hiểu cho cảnh ngộ của những bạn trẻ trên và đưa ra những góp ý.

"Mỗi người đứng nhìn ở một góc, những người tìm đường về bằng mọi cách là vì họ rơi vào cùng cực rồi! Những người lên án họ là những người lo lắng dịch bệnh sẽ lan tràn. Ai cũng có cái lý riêng", một dân mạng bầy tỏ.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link