Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Rơi nước mắt vì lời con trẻ

( PHUNUTODAY ) - Những đứa trẻ vô tội, ngây thơ phải đối diện với sự thật ra sao khi những người đã nuôi dưỡng các em 6 năm nay lại chẳng phải cha mẹ ruột của mình?

Ngày 1/11/2012, chị Phùng Thị Thu Hiền (SN 1989) và chị Vũ Thị Hương (SN 1983, trú huyện Ba Vì, Hà Nội) cùng hạ sinh 2 bé trai tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Hai đứa trẻ chào đời chỉ cách nhau 20 phút. Sự nhầm lẫn trong quá trình trao con của hai nữ hộ sinh cách đây 6 năm đã dẫn đến bi kịch với cả hai gia đình. 

Ông Phùng Văn Phượng (ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, Ba Vì), ông nội của cháu Phùng Thanh H (một trong 2 cháu bé bị trao nhầm 6 năm trước ở Ba Vì, Hà Nội) nghẹn ngào kể: “Chúng tôi có đồng nào cũng tích cóp vun vén cho các con để đi tìm cháu, bây giờ chúng tôi già, cũng cạn kiệt hết rồi”.

Từ ngày biết chuyện, H. cứ ôm chầm lấy ông mà khóc: “Ông ơi, ông đừng bỏ con”

Từ ngày biết chuyện, H. cứ ôm chầm lấy ông mà khóc: “Ông ơi, ông đừng bỏ con”

“Thằng cu H lên 6 tuổi rồi, cháu cũng biết chuyện, người ngoài cứ điều qua tiếng lại nên nhiều hôm cứ khoảng 20h tối, nó chạy sang ôm ông nội khóc và nói: “Ông ơi, ông đừng bỏ con”, thương lắm. Kinh tế trong gia đình cũng không còn để dồn vào cho các con đi tìm cháu”, ông Phượng nói.

Ông Phượng cũng chia sẻ, từ khi biết chuyện, 2 bên gia đình cũng gặp nhau khoảng 10 lần, cho bọn trẻ gặp nhau, ổn định tâm lý và tư tưởng cho các cháu. “Hôm đầu tiên gặp bên nhà chị Hương, cả gia đình tôi lên, cũng mua cho cháu M ít đồ chơi, đưa cho cháu H cầm lên. Lên đến nơi, thằng cu H ôm chầm lấy em nó và đưa đồ chơi cho em nó chơi, còn thằng cu M tự nhiên ở trong buồng chạy ra ôm chầm lấy ông nội, ông ngoại, bố Sơn, mẹ Hiền. Thế là cứ 10 người khóc cả 10”, ông Phượng nói.

Còn ở phía bên kia. chị Vũ Thị Hương cũng chia sẻ, bé M. từ ngày nhận biết được sự việc cũng vô cùng lo sợ. "Hàng đêm nằm nói chuyện, tôi thủ thỉ vào tai con và nói: M. là con đẻ của bố Sơn, mẹ Hiền. Rồi mỗi buổi tối, tôi thường dạy cháu đánh vần tên bố mẹ ruột. Ngày đầu tiên khi tôi nói chuyện này, M. phản ứng gay gắt, nhưng rồi "mưa dầm, thấm lâu", M. bắt đầu hỏi tôi vì sao lại thế? Khi con đặt ra những câu hỏi này, tôi biết rằng con đã phần nào hiểu chuyện."

Ở phía bên kia, chị Hương vẫn phải làm công tác tư tưởng cho con. Bé M.vẫn chưa thể chấp nhận sự việc

Ở phía bên kia, chị Hương vẫn phải làm công tác tư tưởng cho con. Bé M.vẫn chưa thể chấp nhận sự việc

Khi chị Hương nói rằng, mình sẽ vẫn mãi là mẹ của M., sẽ luôn dõi theo M. từ phía sau. Lúc đó, M. trả lời mẹ rằng: "Con mà đi biến hình thì mẹ sẽ không bao giờ biết con ở đâu nữa.". Chị Hương không kìm nén được những dòng nước mắt.

Một buổi tối gần đây, M. lại nói với mẹ: "Mẹ ơi, con nghĩ ra cách rồi. Con sẽ không phải đi đâu cả. Mẹ tìm một khuôn mặt giống con, mẹ may áo bông, gắn khuôn mặt lên, điều khiển bạn ấy về nhà chú Sơn, cô Hiền. Cho bạn ấy ở đó, còn con ở đây với mẹ".

M. còn nghĩ ra cách bảo mẹ tìm một khuôn mặt giống mình rồi may áo bông gắn khuôn mặt lên và điều khiển bạn ấy về nhà chú Sơn, cô Hiền...

M. còn nghĩ ra cách bảo mẹ tìm một khuôn mặt giống mình rồi may áo bông gắn khuôn mặt lên và điều khiển bạn ấy về nhà chú Sơn, cô Hiền...

Rồi một hôm khác, M. ngồi xem tivi nhưng miệng liên tục lẩm nhẩm: "M là con mẹ Hương, M là con mẹ Hương". Những lúc như thế, chị Hương phải trấn an, vỗ về con rằng con lúc nào cũng là "con của mẹ". Những lúc nghe con nói, chị không kìm được những giọt nước mắt. Sự việc xảy ra quá đột ngột, những đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu chuyện, lời nói ngây thơ của các em như những nhát dao cứ vào lòng người lớn...

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn