Dạy con thành tài với phương châm “7 không trách”

( PHUNUTODAY ) - Mỗi đứa trẻ đều như một trang giấy trắng, tinh khiết, trang giấy ấy sẽ vẽ nên bức tranh như thế nào đều tùy thuộc vào thái độ cư xử của người lớn chúng ta.

 Dạy con với phương châm “7 không trách”

“Thái bình kinh – Bí quyết của cha mẹ” có nói: “Con người từ khi mới sinh ra cho đến khi tuổi già, có con có cháu là lẽ tự nhiên, cũng như người làm cha mẹ thật không dễ dàng”. Người làm cha làm mẹ cần phải nuôi dạy con cái của mình cho tốt, ngày thường giáo dục con cái cũng cần phải chú trọng phương pháp đúng đắn, có như vậy mới đạt được thành công như ý. Chính vì vậy, mỗi bậc làm cha mẹ như chúng ta cần phải tìm hiểu và thực hiện phương pháp “7 loại không trách” này:

1 – Không trách mắng khi có người khác

“Trẻ nhỏ hiếu động, chưa biết trách nhiệm”, không nên trước mặt nhiều người mà trách mắng con trẻ. Đôi khi trước mặt người khác chúng ta thường hay mắng mỏ, hoặc đem những chuyện đùa nghịch, những việc không hay của con ra kể cho người khác nghe rồi cười trêu con, như vậy sẽ khiến cho con cảm thấy xấu hổ, không những sẽ gây tổn thương tính tự tôn của con, mà còn khiến con cảm thấy mặc cảm, hoặc sẽ quen với hành vi đó, vô hình trung sẽ càng thực hiện hành vi sai lầm này.

con-cai-la-tam-guong-phan-anh-cuoc-doi-cha-me-avt

2 – Không trách mắng khi con biết hối hận

Khi con trẻ hiểu được hành vi của mình là sai trái, có tâm lý áy náy và hối hận về hành vi đó thì cha mẹ không nên tiếp tục chỉ trích, hay trách mắng con, nếu không sẽ gây nên phản tác dụng, làm cho đứa trẻ có tâm lý mặc cảm nặng nề, hoặc về lâu dài sẽ có tâm lý trốn tránh, nói dối, càng bất lợi cho sự phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tâm lý của trẻ.

3 – Không trách mắng con vào ban đêm

Vào buổi tối, nhất là thời gian trước khi đi ngủ không nên trách mắng con. Nếu trước khi đi ngủ, mà bị cha mẹ trách mắng, con trẻ sẽ mang tâm lý nặng nề đi vào giấc ngủ, gây khó ngủ hoặc sẽ dễ dàng gặp ác mộng, ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

4 – Không trách mắng khi đang ăn uống

Xã hội hiện đại, cuộc sống càng ngày càng vội vàng, cho nên thời gian ở chung với nhau giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng ít. Bữa tối mới là lúc mọi người trong nhà có cơ hội ngồi chung với nhau đầy đủ, vì vậy nhiều bậc phụ huynh liền “tranh thủ” mà giáo huấn con cái vào lúc này. Như vậy không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn uống, mà tâm lý của con cũng sa sút, hơn nữa trẻ vừa ăn vừa khóc dễ gây hóc thức ăn rất nguy hiểm. Đồng thời cũng phá hỏng không khí quây quần, ấm áp trong gia đình, lâu dần khiến cho con trẻ cảm giác ăn cơm cùng với cha mẹ là một việc rất thống khổ, trẻ bị áp lực về tâm lý, càng có khoảng cách đối với cha mẹ.

bong-hong-va-bai-hoc-xac-dinh-muc-tieu-cua-cha-day-cho-con-trai-blogtamsu-1

5 – Không trách mắng khi con cao hứng

Khi con có tâm trạng cao hứng thì cha mẹ không nên chỉ trích hoặc trách mắng con lúc ấy. Bởi vì khi đang cao hứng, các mạch máu cũng như dây thần kinh đang vận động nhanh mạnh, thông suốt và rất nhạy cảm, nếu mà đột ngột ngừng lại sẽ gây tổn thương rất lớn cho cơ thể. Về mặt tâm lý thì khi đứa trẻ đang rất cao hứng, đang rất hứng khởi, đột nhiên bị mắng, trở nên chưng hửng, tâm trạng thay đổi đột ngột, ủ rũ tinh thần.

6 – Không trách mắng khi con đang buồn lo

Không ít bậc cha mẹ thường hay mắng mỏ, tức giận khi con trẻ khóc, kỳ thực, khóc là hành động biểu hiện trạng thái cảm xúc, trạng thái không khỏe hoặc tâm lý không vui của trẻ. Nếu cha mẹ chỉ trích khi đứa trẻ đang biểu hiện cảm xúc đó, đứa trẻ sẽ thấy hụt hẫng, cảm xúc tụt dốc, lâu dần trở nên tự ti. Cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân trẻ khóc, để có thái độ thích hợp. Nếu như trẻ khóc chỉ vì té ngã thì chỉ cần ôm và kiên nhẫn nghe con khóc, đợi khi con khóc đủ và trở lại trạng thái bình thường thì hãy nói cho con biết vì sao bị ngã và dặn con cẩn thận hơn là được. Như vậy cũng có thể tăng thêm kiến thức và tính tự tin cho trẻ.

7 – Không trách mắng khi con đau ốm

Khi cơ thể sinh bệnh cũng là khi yếu ớt nhất, tâm lý cũng nhạy cảm và giàu cảm xúc nhất, lúc này đứa trẻ cần sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ nhiều nhất, tình cảm ấm áp của cha mẹ là điều quan trọng và có tác dụng hơn cả thuốc thang. Chính vì vậy, lúc này không nên chỉ trích hay trách mắng con, sẽ gây nên tình trạng tâm lý nặng nề và thất vọng ở trẻ.

Thực tế, con bạn sinh ra đã là một thiên tài, như Albert Einstein nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây của nó, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng nó thật sự thấp kém”. Phần lớn cha mẹ đều đánh giá con mình như đánh giá “con cá qua khả năng trèo cây”, điều này không những khiến con tin rằng mình kém cỏi, tự ti về bản thân mà còn hạn chế tài năng của con, khiến những tài năng ngày bị mai một và mất dần. Các cha mẹ nhớ nhé: 

Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác!

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn