Nhiều giáo viên lên tiếng về dạy đọc bằng ô vuông: "Hãy thử đặt mình vào vị trí, đầu óc của một đứa trẻ"

( PHUNUTODAY ) - Hiện mạng xã hội đang xôn xao nhiều đoạn clip học sinh tiểu học thay vì đọc chữ cái hay từ, thì chỉ vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác và đọc vanh vách cả một bài thơ. Các bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo ngại trước chương trình học Công nghệ giáo dục kiểu mới này.

Thời gian gần đây, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến khi được thử nghiệm tại các trường Tiểu học khắp cả nước. Nhiều phụ huynh lo ngại, những từ ngữ tiêu cực, bài học hàm nghĩa xấu, cách phát âm "lạ" không phù hợp với con trẻ chỉ mới 7 tuổi.

Đặc biệt trong nhiều đoạn clip được đăng tải lên mạng xã hội, nhiều học sinh tiểu học thay vì đọc chữ cái hay từ ngữ, thì chỉ vào những biểu tượng hình tròn, hình vuông, hình tam giác và đọc vanh vách cả một bài thơ. 

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, 2 câu thơ "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" được phiên âm phía trên. Hàng phía dưới được biểu thị bằng hai dòng gắn hình vuông màu cam. Cuốn sách này chú thích "Có bao nhiêu tiếng, có bấy nhiêu khối hình". Ở bài đồng dao "Bống bống bang bang/Lên ăn cơm vàng/Cơm bạc nhà ta", dưới phần chữ là 12 hình tròn màu xanh, sắp xếp 4 hình trong một hàng.

Phương pháp dạy học bằng ô vuông, hình tròn trong sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục

Phương pháp dạy học bằng ô vuông, hình tròn trong sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục

Sau khi những đoạn clip đọc chữ khó hiểu của trẻ nhỏ được đăng tải, rất nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo lắng. Họ cho rằng cách học này cực khó hiểu và không tốt bằng phương pháp trước đây. Nhiều người đã tìm cách "chất vấn" con cái mình, bắt con chỉ vào từng ô vuông và thắc mắc chữ đâu ra mà con đọc vanh vách như thế? Nhiều bé đã không trả lời được câu hỏi này. Có trường hợp phụ huynh bực mình và yêu cầu con không cần phải đến trường nữa, bố mẹ sẽ giảng dạy theo cách học truyền thống trước đây.

Chị N.M. có con học lên lớp 2, ngán ngẩm chia sẻ, phương pháp vuông tròn chỉ là học vẹt chứ về viết chữ các cháu bị loạn và viết sai chính tả quá nhiều. "Ngày xưa chúng tôi học chả tách vớ vẩn như này thì cũng học được đó thôi, thêm vào cho nặng nề thêm", chị N. bức xúc.

Nhiều phụ huynh có con em vừa vào lớp 1 liên tục bày tỏ lo lắng trước cách học theo chương trình kiểu mới. Họ khẳng định, cách học từ ngày xưa vẫn giúp bao thế hệ biết đọc biết viết, việc gì phải cải cách rồi gây hoang mang trong dư luận.

"Kết quả, những bé học chuơng trình cải cách thí điểm khi vào cấp 2 bị gom vào 1 lớp học riêng và gọi là lớp cá biệt học dốt. Chương trình hay nhưng chính giáo viên còn không hiểu để truyền đạt cho bé lệch lạc hết 1 thế hệ, trên mạng chỉ chế vui vì nó nổi bật nhưng quả thật chất lượng học sinh sau thí điểm học sách mới rất tệ", một bà mẹ ở Sài Gòn chia sẻ.

Một bài viết bằng các hình thù mà chẳng ai hiểu gì theo phương pháp mới

Một bài viết bằng các hình thù mà chẳng ai hiểu gì theo phương pháp mới

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến trái chiều khác chỉ ra việc xuất hiện những ô vuông này chỉ là bước đầu tiên trong quá trình học của bé. "Người ta có hệ thống hết rồi. Mấy bài sau rồi cũng sẽ dạy chữ như bình thường. Phụ huynh không xem hết sách. Con mới đi học mấy bữa đầu xong về không hiểu lại xé sách rồi bắt con nghỉ học. Đồng ý cái sách này nhiều chỗ không ổn nhưng cách học như này giúp trẻ nhớ mặt chữ và học nhanh hơn", anh K.N. bình luận.

"Sách Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục học rất tốt, chỉ cải tiến một số cách đọc thôi chứ chữ viết vẫn giống nhau. Con tôi năm nay lớp 4, là khoá học đầu tiên chương trình này mà tôi thấy nhẹ nhàng lắm, có vấn đề gì đâu sao mọi người cứ nói quá lên thế", chị L.P. cho biết.  

Trên thực tế, nhiều người đang nhầm lẫn việc nào hình vuông, nào tròn, nào tam giác sẽ là những từ ngữ mới. Và những em bé được học qua chương trình thực nghiệm sau này sẽ viết chữ bằng các hình khối đó. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều giáo viên, đây là bài đầu tiên của lớp 1 liên quan đến số lượng tiếng. Không hề có việc thay đổi chữ viết đối với học sinh theo học sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. 

Chia sẻ về cách dạy học sinh theo những clip được chia sẻ này, Lê Thanh Mai, giáo viên trường Tiểu học Xuân Quỳnh A (Nghệ An) cho biết đây là phương pháp để học sinh tách lời thành tiếng trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ.

Cô giáo Lê Thanh Mai, giáo viên trưởng Tiểu học Xuân Quỳnh A (Nghệ An)

Cô giáo Lê Thanh Mai, giáo viên trưởng Tiểu học Xuân Quỳnh A (Nghệ An)

Ở đây, giáo viên sử dụng nam châm làm mô hình. Mô hình đó có thể là hình tròn, vuông, tam giác hay bất kỳ hình nào khác đều không quan trọng.

“Nó sẽ chỉ mang một tính chất: mỗi lần phát âm ra là 1 tiếng nên có thể kí hiệu bằng một mô hình bất kỳ”, cô giáo này cho biết.

Để giúp phụ huynh dễ hiểu hơn về cách dạy này, cô giáo Mai lấy ví dụ cụ thể:

“Em hãy vẽ mô hình tiếng hình tròn cho 2 câu thơ sau:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Học sinh không cần biết tiếng “nhiễu” được viết như thế nào mà chỉ cần ghi lại bằng 1 hình tròn, tương tự các tiếng khác cũng vậy thì sẽ được:

●●●●●●

●●●●●●●●

Như vậy học sinh sẽ xác định được câu 1 có 6 tiếng, câu 2 có 8 tiếng, cả 2 câu có 14 tiếng.

Từ đây, các em lại được học tiếng giống nhau hoàn toàn (sẽ kí hiệu như nhau), tiếng giống nhau từng phần (phần giống nhau sẽ được kí hiệu giống nhau) và tiếng khác nhau hoàn toàn. Khi các em đã nắm được về tiếng và kí hiệu ghi lại tiếng rồi thì mới chuyển sang học chữ cái.

Khi cô giáo đọc “a”, thì không kí hiệu hình tròn, vuông hay tam giác mà sẽ dùng kí hiệu chung của cả nước đó là con chữ “a”. Từ đây, học sinh được hiểu chữ viết là dạng ký hiệu thay thế cho lời nói khi chúng ta muốn lưu giữ lời nói trên văn bản”, giáo viên Thanh Mai lý giải.

Phương pháp học tiếng là bài học đầu tiên trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt công nghệ lớp 1. Sau khi nhận biết tiếng, tiếng giống nhau (hoàn toàn và từng phần) thì học sinh mới chuyển sang học phát âm và chữ ghi âm.

Giáo viên này cũng cho biết, cách dạy học sinh tách tiếng này chỉ có ở sách giáo khoa công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại. Đối với chương trình Tiếng Việt còn lại thì không có.

“Cho đến giờ khi tôi trực tiếp dạy luyện chữ cho giáo viên, sinh viên, nhiều người còn gọi tiếng là chữ, rồi không phân biệt được chữ với âm. Đó cũng chính là một trong những thiếu sót của chương trình sách giáo khoa hiện hành”, cô giáo này phân tích.

Đánh giá về hiệu quả của phương pháp học tiếng theo chương trình công nghệ, cô giáo Mai cho biết: “Không chỉ tôi mà nhiều giáo viên khác cũng thấy rõ được hiệu quả của cách dạy và học này. Học sinh đọc rất tốt, học xong học kỳ 1 có thể đọc được sách báo bình thường. Đối với học sinh yếu hơn thì cũng nắm vững về âm vần chứ không như chương trình cũ”.

Cũng lên tiếng về phương pháp dạy học này, thầy giáo Nguyễn Thành Nam cho biết, khác với chương trình hiện hành là dạy ký hiệu (nghĩa là các chữ cái như A, B, C, mỗi chữ cái là một ký hiệu), thì chương trình Công nghệ giáo dục dạy trực tiếp vào các Âm và Tiếng. 

"Các bạn học chương trình hiện hành thì khi các bạn nhìn thấy con chữ này các bạn đọc được luôn. Nhưng mà các bạn học theo chương trình Công nghệ giáo dục thì các bạn hiểu rõ chữ ấy ghi cái âm gì. Các em tưởng tượng là hai đứa bé đi trong rừng, tự nhiên nó nghe một âm thanh rất lạ. Đứa học Công nghệ giáo dục có thể tự phân tách âm thanh đó ra và ghi lại. Còn những đứa học chương trình cũ nếu chưa từng học âm thanh đó trên lớp thì không ghi lại được, không biết xử lý làm sao". 

Thầy Nam nói thêm, học theo chương trình Công nghệ giáo dục trẻ sẽ hiểu được bản chất nên nhớ rất lâu và không bị tái mù chữ. Và sau 3 tháng, trẻ con có thể tự đọc và ghi lại rất chắc chắn, hầu như các em không quên. 

Ngoài thầy Nguyễn Thành Nam, nhiều giáo viên khác cũng đồng loạt lên tiếng trước cách giảng dạy mới. Cô giáo Phạm Duyên chia sẻ, bài này đánh vần theo hình khối chỉ đơn giản là cách nhớ số lượng tiếng để phát ra miệng chứ không phải là học tiếng sẵn. Tức là dạy các em nhớ quy tắc có bao nhiêu chữ là có bấy nhiêu tiếng phải được phát ra miệng. Với người lớn cái này là điều dễ dàng, hiển nhiên rồi nhưng với trẻ nhỏ các bé rất hay bị nhầm lẫn mặt chữ. 

"Mọi người nhớ lại lúc nhỏ xem, chắc chắn sẽ có những người phải dùng tay dò chữ thậm chí là cả bây giờ thấy nhiều bé đọc nhưng tay phải chỉ từng chữ thì bé mới đọc được đủ chữ. Nếu không đọc bằng mắt bé ngay lập tức sẽ thiếu chữ dẫn đến tình trạng đọc sai câu từ, ở sách cũ lại không thể giải quyết vấn đề này từ đầu. 

Để các bé dễ nhớ quy tắc bất di bất dịch đó, họ nghĩ ra cách từng chữ là các ô hình mô phỏng. Cứ mỗi hình ứng với một chữ bắt buộc phải được phát ra miệng. Bài này là học số lượng tiếng đương nhiên là phải học vẹt câu thơ rồi và chỉ có 1-2 tiết thôi là hết. Xong các bé chuyển sang học chữ cái - âm vần, thanh... như bình thường, chứ không phải là nhìn hình đoán chữ học đi học lại cả năm như mọi người tưởng, càng không phải dạy các bé học vẹt. Chỉ là muốn các bé nhớ quy tắc kia thôi rồi sẽ học âm vần thanh điệu sau, đến lúc đó các bé sẽ không đọc thiếu chữ, bỏ chữ nữa. 

Phương pháp dạy học này đã được áp dụng trên thế giới

Phương pháp dạy học này đã được áp dụng trên thế giới

Hãy thử đặt mình vào vị trí đầu óc của một đứa trẻ. Sau khi nó hiểu à cái chữ này là một tiếng chữ tiếp theo là một tiếng khác để phát ra bằng miệng thì đương nhiên nó sẽ ghi nhớ vào não. Càng sau này đọc câu dài hay câu ngắn sẽ không nhìn thiếu, đọc thiếu chữ nữa".  

Là một trong những người giảng dạy tại trường Thực nghiệm, nơi đầu tiên áp dụng phương pháp dạy học đang gây tranh cãi, thầy Đặng Bảo Hiếu chia sẻ, "Cái nhân văn nhất của phương pháp này là coi trẻ là trung tâm, phát triển nhận thức của chúng quyết định nội dung và phương pháp dạy, giáo dục cảm xúc giai đoạn đầu đến trường của trẻ rất được coi trọng.

Chính vì thế mà từ lớp 1 chúng đã làm quen với thơ lục bát, ngoài những bài học đánh vần, cảm nhận âm vựng của trẻ về thơ lục bát, đồng dao gắn với âm, các từ vựng, các con chữ chứ không phải là các kỹ tự đơn lẻ.".

Thầy Đặng Bảo Hiếu vừa là người dạy theo phương pháp mới, vừa là phụ huynh của học sinh học theo phương pháp này

Thầy Đặng Bảo Hiếu vừa là người dạy theo phương pháp mới, vừa là phụ huynh của học sinh học theo phương pháp này

Không chỉ là người dạy, chính thầy Hiếu cũng là một phụ huynh có con theo học phương pháp này ở trường Thực nghiệm. Ông cho biết, phương pháp dạy học của thầy Đại bắt nguồn từ việc coi trẻ - học sinh là trung tâm của việc học. 

"Đối với trẻ mỗi ngày đến trường phải là một ngày vui, trẻ phải được tự nhiên phát triển theo đúng các quy luật của phát triển nhận thức, tư duy logic, tư duy trừu tượng có thể hình thành ngay từ khi còn nhỏ để sau này khi lớn lên các tư duy đó phát triển trở thành những trí tuệ hoàn chỉnh.

Trong khi đó, những khuôn mẫu tồn tại từ thế hệ này đến thế hệ khác dần trói buộc trẻ em, ngăn cản mọi sự phát triển bình thường theo quy luật phát triển nhận thức của trẻ phù hợp với mỗi gian đoạn phát triển của lịch sử xã hội.", thầy Hiếu nói.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn