Bé trai 9 tuổi nguy kịch nhập viện, suýt bị cưa chân vì dùng lưỡi lam "cắt lể" ở chân

( PHUNUTODAY ) - Sau khi rạch da trên xương chày bệnh nhi thì rất nhiều mủ trắng đục trào ra, nhiều mô đã hoại tử. Các bác sĩ phải cắt lọc, nạo viêm khoang xương, tháo mủ, dẫn lưu liên tục để thoát mủ và giảm áp lực trong tủy xương.

Ngày 2/12, bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á TP.HCM cho biết vừa phẫu thuật khoan xương, tháo mủ chân trái cho bệnh nhi M.T. (9 tuổi, ngụ tại Trảng Bàng, Tây Ninh).

Thời điểm nhập viện, bé M.T ở trong tình trạng sốt cao, chân trái sưng to, căng cứng, đau dữ dội và có dấu hiệu hoại tử và không thể tự đứng hay di chuyển được.

Bác sĩ Phan Văn Tiếp (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Xuyên Á) nhận định tình trạng của bệnh nhân T. nếu không mổ kịp thời sẽ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, xuất huyết não gây tử vong. Do đó, các sĩ ở đây đã tiến hành phẫu thuật ngay.

E-kip phẫu thuật đã sử dụng nhiều phương pháp như rạch da từ cổ chân đến đầu gối, nơi tụ mủ nhiều. Sau khi rạch da trên xương chày thì rất nhiều mủ trắng đục trào ra kèm nhiều mô đã hoại tử. Các bác sĩ phải tiếp tục cắt lọc, nạo viêm khoang xương, tháo mủ, dẫn lưu liên tục để thoát mủ và giảm áp lực trong tủy xương. 

cat-le-bang-dao-lam-1

Sau khi bác sĩ rạch da, rất nhiều mủ trào ra từ cẳng chân bệnh nhi

Gần 1 tuần sau khi được can thiệp, sức khỏe bệnh nhi đã bình phục tốt. Cho tới thời điểm hiện tại, sức khỏe của M.T đã dần ổn định. Bé có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Gia đình bệnh nhi cho biết, trong lúc đang chơi với bạn bè, M.T bất ngờ thấy chân trái bị sưng, đau nhức và sau đó thì sốt. Thấy vậy, người nhà liền đưa em đến một thầy lang "cắt lể" ở địa phương.

cat-le-bang-dao-lam-2

Chữa trị không đúng cách gây ra hậu quả nghiêm trọng

Tại đây, thầy lang dùng lưỡi lam "cắt lể" và cho rằng “nặn máu độc ra như thế chân cháu sẽ hết sưng và đau nhức”. Tuy nhiên, sau nhiều ngày điều trị bằng phương pháp trên, tình trạng bệnh nhi ngày một trầm trọng hơn và được nhập viện cấp cứu trong trạng nguy kịch vào ngày 27/11.

Theo bác sĩ Phan Văn Tiếp, hiện nay ở một số địa phương người dân vẫn còn áp dụng phương pháp "cắt lể" (véo lên chỗ da cần lể rồi dùng dao hoặc kim, mảnh thủy tinh để rạch một vết nhỏ và nặn máu vài lần) hoặc đắp thuốc không quy ước để chữa bệnh. Việc làm hết sức nguy hiểm vì nó tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm gan, HIV và còn gây chảy máu không cầm; nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử chi, xuất huyết não… nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời.

“Việc "cắt lể" cho trẻ để điều trị đau nhức theo dân gian rất dễ dẫn đến nhiễm trùng máu. Khi điều trị sai cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí để lại những biến chứng nặng nề. Cách tốt nhất nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị”, bác sĩ Tiếp khuyến cáo.

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn