Cách chăm sóc cho người bị bệnh mạch vành

( PHUNUTODAY ) - Chế độ dinh dưỡng với nhiều rau xanh, hạn chế thực phẩm có chứa cholesterol và một chế độ nghỉ ngơi hợp lý là những điều cơ bản trong việc chăm sóc cho người bị bệnh mạch vành.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành

+ Tuổi càng cao càng có tăng nguy cơ tổn thương và thu hẹp lòng mạch

+ Giới: nam thường có tỉ lệ mắc động mạch vành cao hơn nữ, nguy cơ của phụ nữ gia tăng sau khi mãn kinh.

+ Người thân mắc bệnh tim ở tuổi càng trẻ thì bản thân càng có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành. Nguy cơ càng cao khi cha, anh em trai được chẩn đoán bệnh tim trước 55 tuổi hoặc mẹ, chị em gái được chẩn đoán trước 65 tuổi.

+ Người bị các bệnh mạn tính như: cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol cao, bức xạ trị liệu ung thư… thường dễ bị xơ vữa động mạch dẫn đến bệnh động mạch vành.

+ Một số yếu tố gia tăng nguy cơ là: hút thuốc lá, ít vận động, béo phì, căng thẳng kéo dài… làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch vành lên nhiều lần.

Hướng dẫn cách chăm sóc cho người bị mạch vành

Bệnh suy mạch vành hay thiếu máu cơ tim xảy ra khi cơ tim không được cung cấp đủ máu. Nguyên nhân phần lớn là do xơ vữa động mạch, làm hẹp dần lòng động mạch. Biểu hiện lâm sàng của bệnh suy mạch vành là đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và đột quỵ.

25.cach-cham-soc-cho-nguoi-mach-vanh-phunutoday.vn

Khi chăm sóc cho bệnh nhân bệnh suy mạch vành, chị cần lưu ý một số điều sau:

Về chế độ sinh hoạt

  • Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi thoải mái, tránh các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức như đi bộ nhanh, leo cầu thang…
  • Tránh lạnh, tránh gió lùa và tắm đêm.
  • Giờ giấc sinh hoạt điều độ.

Nếu bệnh nhân có biểu hiện đau thắt ngực, để bệnh nhân nằm yên tại chỗ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh di chuyển. Cần động viên để bệnh nhân yên tâm và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện có phòng khám chuyên khoa tim mạch.

Về chế độ ăn uống

  • Trong thời gian bệnh nặng nên để người bệnh ăn nhẹ, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như sữa, cháo, súp…
  • Hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, da gà, thịt mỡ, bơ…
  • Động viên người bệnh tăng cường ăn rau xanh, trái cây, các loại đậu, sản phẩm được chế biến từ đậu nành, thịt nạc, cá…
  • Hạn chế dùng trà đặc, cà phê đen, rượu bia và tuyệt đối không hút thuốc.
  • Bên cạnh đó người bệnh cũng nên tái khám định kỳ để theo dõi diễn biến của bệnh và có hướng điều trị nếu cần thiết.

Điều trị bệnh mạch vành

Bạn có thể phòng ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh động mạch vành bằng cách cải thiện sức khỏe tim và hệ thống mạch máu.

Điều trị bệnh mạch vành bằng thay đổi lối sống

Bên cạnh điều trị bằng thuốc và các thủ thuật/phẫu thuật, người bệnh mạch vành cần kết hợp với lối sống lành mạnh nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh. Lối sống, chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch là biện pháp điều trị, phòng ngừa lâu dài và tốt nhất đối với bệnh mạch vành. Người bệnh nên ăn uống tăng cường rau quả tươi, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.

Điều trị bệnh mạch vành bằng thuốc

Các nhóm thuốc thường được sử dụng bao gồm:

- Thuốc điều trị các bệnh lý cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường

- Thuốc ngăn ngừa cục máu đông để phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim như aspirin, warfarin…

- Thuốc giãn mạch vành như Nitroglycerin

Người bệnh cần sử dụng thuốc đều đặn theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.

Điều trị bệnh mạch vành bằng can thiệp ngoại khoa

Can thiệp mạch vành qua da

Nong mạch vành và đặt stent mạch vành là can thiệp mạch vành qua da được sử dụng phổ biến để điều trị các trường hợp tắc nghẽn mạch vành nghiêm trọng.

Trong phương pháp điều trị này, bác sỹ sẽ luồn ống thông qua da để đi đến khu vực động mạch vành bị tắc hẹp. Sau đó, quả bóng gắn tại đầu ống thông sẽ được bơm căng để mở rộng lòng mạch. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sỹ có thể đặt stent (ống đỡ động mạch) tại vị trí bị tắc để phòng ngừa tái hẹp mạch vành. Stent mạch vành gồm có hai loại là phủ thuốc và không phủ thuốc.

1

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Nếu can thiệp mạch vành qua da không thể cải thiện tình trạng hẹp mạch vành hoặc gây biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật bắc cầu động mạch.

Bắc cầu động mạch là một phẫu thuật tim mở, tạo con đường dẫn máu mới qua khu vực mạch vành bị tắc hẹp để dòng máu có thể đi qua. Bác sỹ sẽ sử dụng một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch khỏe mạnh của chính người bệnh để tạo thành con đường mới này.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn