Nghệ sĩ Chí Trung: “Tôi, chị Lê Khanh, Vân Dung cát-xê cao nhất cho một đêm diễn sân khấu là 200 nghìn đồng...”

( PHUNUTODAY ) - Kể cả những diễn viên nay đã vụt lên thành “ngôi sao truyền hình” như Bảo Thanh, Thu Quỳnh, mức cát-xê vẫn không có gì cao hơn.

Phim truyền hình ngày càng "lên ngôi", kéo theo cơ hội được nổi tiếng, được khẳng định bản thân của nhiều nghệ sĩ sân khấu, nhất là nghệ sĩ trẻ. Theo NSƯT Chí Trung, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, việc diễn viên kịch tham gia lĩnh vực truyền hình là điều cần thiết để xây dựng "thương hiệu".

Phim truyền hình đang trở thành miền đất hứa với nghệ sĩ sân khấu, ở đó họ vừa được sống với đam mê diễn, vừa có cơ hội tỏa sáng. Không chỉ riêng các nghệ sĩ trẻ, bản thân nghệ sĩ Chí Trung hay Vân Dung cũng tham gia phim truyền hình. Với cương vị là Giám đốc Nhà hát, anh không cấm cản cũng không sợ mất quân.

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Nghệ sĩ Chí Trung

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Nghệ sĩ Chí Trung

Thậm chí anh còn động viên các diễn viên trẻ rằng "anh xuất khẩu diễn viên và nhận về ngôi sao”. “Quan điểm của tôi sân khấu là thánh đường, các bạn có thể đi diễn thoải mái, miễn sao cân đối được lịch làm việc ở nhà hát. Tôi thường lên lịch làm việc trước 3 tháng để mọi người sắp xếp thời gian. Tôi rèn cho các bạn một nguyên tắc là phải đúng giờ, không có chuyện “chạy sô” rồi đến tập muộn, khiến cả đoàn phải chờ đợi.

Ngay cả khi đi làm bên ngoài, các diễn viên nhà hát cũng được tiếng là rất chuẩn giờ, không cao su. Đó là điều khiến tôi tự hào.”, nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ.

Các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ

Các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ

Khi được hỏi về mức cát-xê mà các diễn viên tại Nhà hát Tuổi trẻ nhận được, Chí Trung cho biết những diễn viên đang nổi tiếng nhờ phim truyền hình khi bước qua cửa nhà hát, họ không còn là ngôi sao, mà là một thành viên.

“Ngôi sao của nhà hát là tôi, chị Lê Khanh, Vân Dung còn chẳng có đặc ân gì hơn. Cát-xê cao nhất cho một đêm diễn sân khấu là 200 nghìn đồng, thấp hơn có thể là 180 hoặc 120 nghìn đồng. Ở thị trường Hà Nội, rất ít người bỏ tiền mua vé đi xem kịch dù giá vé chỉ 150-200 nghìn đồng. Đa số gọi điện đến để xin giấy mời.”, nghệ sĩ này chia sẻ thẳng thắn. 

Nghệ sĩ Chí Trung cũng chia sẻ, hầu hết giờ khán giả được xem miễn phí quá nhiều, do đó anh cũng không dám trông chờ vào chuyện bán vé. Nhà hát dựa vào thương hiệu và chính uy tín của bản thân anh để tìm nhà tài trợ, mời những người cần mời. “Đổi lại, mình gắn thương hiệu của họ vào thương hiệu của mình. Bản thân tôi vừa là nhà sản xuất vừa là người bán hàng, tôi hiểu khách của mình lắm.”, người nghệ sĩ này chia sẻ.

"Bản thân tôi vừa là nhà sản xuất vừa là người bán hàng, tôi hiểu khách của mình lắm"

Kể cả đi diễn ở tình lẻ, anh cũng cố gắng tìm kiếm các nguồn tại trợ. Đơn cử, đợt lưu diễn 6 tỉnh miền Trung vừa rồi, nghệ sĩ Chí Trung đã phải liên hệ với lãnh đạo các tập đoàn lớn, doanh nghiệp ở đó để xin tài trợ và ra thẳng quảng trường diễn miễn phí cho bà con xem.

“Chúng tôi không dùng tiền doanh nghiệp để chia nhau, để mưu lợi cá nhân, mà đó chính là xã hội hóa nghệ thuật. Tôi chỉ xin một khoản khiêm tốn, vài chục triệu đồng, 50 triệu đồng, đủ để trang trải tiền đi lại, ăn ở và để các diễn viên có chút cát-xê nhỏ đủ mua quà về nhà...”

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn