Trung Quốc mạo hiểm khi “chơi rắn” với Nhật Bản

( PHUNUTODAY ) - Vậy Trung Quốc sẽ làm gì? Có dám coi tồn tại tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư như là “một vết ngứa” bằng sự giải thích như “nho hãy còn xanh” để tập trung về hướng Nam (biển Đông)?

Cách đánh)- Nếu như trước đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc biểu hiện bằng hàng loạt các hành động quả quyết trên biển Đông và sự không minh bạch khi tăng cường tiềm lực quân sự khiến Nhật Bản cảm thấy lo lắng, bất an, thì giờ đây đã ngược lại. Sự trở lại cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đứng đầu là ông Shinzo Abe lại khiến cho Trung Quốc lo lắng, bất an.

[links()]

Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản đã khép lại với chiến thắng ngoạn mục thuộc về đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, chính thức đưa đảng này trở lại nắm quyền sau 3 năm gián đoạn và đưa ông Abe quay lại cương vị thủ tướng của đất nước Mặt Trời Mọc.

Việc một đảng này hay đảng khác dành thắng lợi trong bầu cử của một quốc gia dân chủ không có gì là bất ngờ hay đáng ngạc nhiên, nhưng cái cách giành được thắng lợi và bị thất bại trong bối cảnh trong nước, khu vực diễn ra nóng bỏng, thách thức lớn đến an ninh, kinh tế của Nhật Bản là điều dư luận hết sức quan tâm, chú ý.

Trong 3 năm cầm quyền của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), nền kinh tế Nhật Bản đã bị Trung Quốc vượt mặt.

Nhật Bản không những ảnh hưởng bởi sự suy thoái chung của kinh tế toàn cầu mà còn bị tàn phá nặng nề bởi động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân khiến cho nền kinh tế Nhật lao đao, “hụt hơi” khi bị đè nặng bởi món nợ khổng lồ,  tương đương 236% tổng sản phẩm quốc nội.

Sức mạnh của Nhật Bản chỉ là ở kinh tế, nhưng khi nền kinh tế trong tình trạng như vậy thì đương nhiên “tiếng nói Nhật Bản trên trường quốc tế” trọng lượng giảm đi đáng kể.

Về đối ngoại, đặc biệt quan hệ với đồng minh Mỹ, DPJ đã thiếu quan tâm, chú trọng để tăng cường củng cố. Nếu không có sự kiện Bắc Triều phóng tên lửa, không có vụ tranh chấp quần đảo Senkaku thì mối quan hệ này đã nguội lạnh, càng xấu thêm.

Cho nên, Mỹ thì một mặt tuyên bố bảo vệ Nhật Bản, nhưng mặt khác lại khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền khiến Nhật Bản thiếu điểm tựa để đáp trả tương xứng.

 Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt lên, họ không những có sức mạnh kinh tế mà còn cả sức mạnh quân sự. Hai lần Trung Quốc “chơi rắn” trong vụ Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản “chùn chân”. Thủ tường Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda đã phải thốt lên “không ngờ Trung Quốc phản ứng mạnh như vậy” (biểu tình, bài Nhật trên  80 thành phố Trung Quốc).

Có thể nói, vị thế Nhật Bản đã yếu đi rất nhiều trong vụ tranh chấp Senkaku với Trung Quốc.

Rõ ràng người Nhật không bao giờ muốn có một đảng cầm quyền như vậy và thất bại thảm hại, tồi tệ trong cuộc bầu cử vừa qua của DPJ nói lên điều đó. Vì vậy, Đảng Dân chủ Tự do LDP theo đường lối dân tộc chủ nghĩa thắng lợi là điều tất yếu.

Có điều, làn sóng chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản dâng cao từ vụ tranh chấp Senkaku với Trung Quốc, đưa LDP lên cầm quyền thì cũng sẽ dìm LDP nếu như không đáp ứng yêu cầu của làn sóng đó.

Do vậy, tuyên bố của ông Shinzo Abe, chủ tịch LDP rất cứng rắn không có gì là ngạc nhiên.

Vụ tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku vừa qua, Nhật Bản đã nhận được 2 bài học giá trị.

Một là, một quốc gia giàu có chỉ là nhất thời, mạnh về quân sự mới là vĩnh viễn, giàu mà không mạnh thì bị đe dọa hay trấn lột bất cứ lúc nào.

Chẳng thể nói là Nhật Bản nghèo hơn Trung Quốc nhưng sức mạnh răn đe về quân sự của Trung Quốc mạnh hơn Nhật Bản. Trang bị vũ khí của Trung Quốc là tấn công (tên lửa, máy bay ném bom, tầm xa, vũ khí hạt nhân…) trong khi của Nhật chỉ là phòng vệ, ỷ lại cái ô của Mỹ nên Trung Quốc cứ vậy lấn lướt, đe dọa.

Nước Nga là điển hình. Nga chưa thể nói là giàu có. Họ từng bị chính biến làm cho nền kinh tế kiệt quệ, nhưng sức mạnh quân sự thì không mất đi mà vẫn đủ sức răn đe bất cứ kẻ thù nào. Chính vì thế Nga rất rắn và quyết liệt trong bảo vệ chủ quyền. Trừng trị tàu cá Trung Quốc là ví dụ.

Chỉ có sức mạnh quân sự của quốc gia mới bảo đảm tính ổn định, bền vững và phát triển của nền kinh tế. Quyền lợi kinh tế quốc gia bị xâm hại nếu như không có sức mạnh quân sự.

Hai là, chơi với Trung Quốc thì như chơi với dao.

Với Trung Quốc, Nhật Bản luôn bị coi là mối thù quốc nhục 100 năm chưa trả hận, cho nên Trung Quốc không phải là đối tác tin cậy của Nhật Bản.

Phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc chừng nào thì điều đó cứ như con dao dí vào cổ, bất cứ khi nào, ở đâu, đều được Trung Quốc sử dụng. Cắt nguồn cung đất hiếm, biểu tình bài Nhật ở Trung Quốc mới chỉ là chiêu đầu.

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Shinzo Abe chắc chắn nhận thức sâu sắc 2 vấn đề này và do đó, chiến lược đối ngoại đối nội của Nhật Bản cũng bắt đầu từ đây.

Về đối ngoại. Nếu như củng cố và tăng cường liên minh quân sự Nhật-Mỹ là nhu cầu tất yếu, là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của Nhật, thì xây dựng mối quan hệ với Nga là sự chuyển hướng mang tính đột phá, là nhu cầu cần thiết cho cả đôi bên, là sự bổ sung cho nhau. (không bàn đến các mối quan hệ khác như với Ấn Độ, Úc….)

 


Chiến lược hướng đông của Nga, để bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển khu vực Xibêri, vùng Viễn Đông, Nga đang rất cảnh giác với Trung Quốc, chính vậy mà Nhật Bản là một đối tác tự nhiên có đủ điều kiện, năng lực, độ tin cậy để hợp tác của Nga. Do đó, tồn tại giữa Nga-Nhật về vấn đề quần đảo nam Curil chỉ là “một vết ngứa” mà thôi.

Nếu Nga, Nhật Bản hợp tác chiến lược với nhau thì rất đáng giá để kiềm chế Trung Quốc.

Về đối nội. Thay đổi Hiến pháp, tái vũ trang, xây dựng một sức mạnh quân sự đủ sức răn đe Trung Quốc, chia xẻ trách nhiệm với Mỹ ở châu A-TBD là không thể tránh khỏi.

Sự hung hăng, bất chấp của Trung Quốc trên biển Đông, Hoa Đông đã khiến cho Nhật Bản phải lựa chọn. Đã đến lúc không “hoàn toàn nghe Mỹ trong chiến tranh lạnh” mà Nhật phải có chiến lược của riêng mình.

Việc các quốc gia trong khu vực “quên hình ảnh quân phiệt Nhật Bản trong thế chiến lần 2”, thậm chí Philipines còn khuyến khích Nhật sửa Hiến pháp, tái vũ trang để đối trọng với Trung Quốc…thì không lý gì một đảng cầm quyền được coi là theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, dưới lãnh đạo của vị Thủ tướng “diều hâu”…lại không tiến hành một cách “danh chính ngôn thuận”?

Nếu như ông Shinzo Abe làm như những gì ông ấy đã nói thì Trung Quốc đã quá sai lầm khi “chơi rắn” trong vụ Senkaku/ Điếu Ngư. Chính “chơi rắn” nên ông Shinzo Abe và LDP đã thắng lợi vang dội, điều mà Trung Quốc không muốn. Và cũng từ đó Nhật Bản mới đủ điều kiện để phá bỏ “vòng kim cô”, điều mà Trung Quốc rất lo ngại, bất an.

 Vậy Trung Quốc sẽ làm gì? Có dám coi tồn tại tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư như là “một vết ngứa” bằng sự giải thích như “nho hãy còn xanh” để tập trung về hướng Nam (biển Đông)?
 

  • Lê Ngọc Thống
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT