Gia đình hạnh phúc của nhà thiết kế Lan Hương

( PHUNUTODAY ) - Hạnh phúc không ai mang đến đặt vào tay mình mà tự hai người phải ươm mầm và chăm bón cho nó. Vợ chồng không phải chỉ là cái nghĩa mà còn là sự tri ân lẫn nhau.

Là một trong những nhà thiết kế áo dài hàng đầu của Việt Nam, Lan Hương không chỉ được biết đến bởi tài năng trong chuyên môn mà còn bởi chị đẹp và khéo. Có lẽ, đẹp và khéo chính là bí quyết để nhà thiết kế này đạt được thành công lớn và giữ được cho riêng mình một mái ấm hạnh phúc khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.
[links()]
Sự hi sinh là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc

Gặp Lan Hương lần đầu cách đây cũng đã vài năm, khi theo chân một người bạn đến tham dự một cuộc thi nhan sắc, tôi đã bị ấn tượng bởi giọng nói và nụ cười của chị.

Giữa một rừng những người đẹp xung quanh, ở chị vẫn toát lên một vẻ đẹp sâu lắng và đằm thắm của một người phụ nữ từng trải và đã đạt đến độ chín của sự nghiệp lẫn tình yêu. Khi nói về chồng, về các con thì tình yêu và sự trìu mến ở chị không thể giấu đi được khiến tôi cũng bị “lây” theo cái cảm giác đó.

Anh chị quen nhau khi chị còn là một cô sinh viên ở trường văn hóa. Lúc bấy giờ, chỉ có một thân một mình ở Hà Nội, bố mẹ anh chị em đều ở dưới Hòa Bình, chị phải thật sư nỗ lực để có thể cân bằng cuộc sống và học tập.

Nhà thiết kế Lan Hương
Nhà thiết kế Lan Hương

Những cảm xúc đầu đời hồi đó còn trong veo lắm. Anh là bộ đội, hiền khô  và thật tính, bị cuốn hút bởi đam mê với cây kéo và những tà áo của chị. Hồi ấy, chị đã làm thêm, dành dụm, chắt bóp để có thể mua cho mình một chiếc máy khâu.

Nhắc tới chuyện cũ, chị lại cười: “Hồi đó, nếu như không có anh ấy xuất hiện thì mình cũng chỉ biết có mỗi cắt và may làm niềm vui thôi”.

Những cuộc hẹn hò, những buổi chở nhau đi chơi loanh quanh trong khuôn viên kí túc xá trường, cả hai có thời gian tìm hiểu nhau hơn. Những chuyện trên trời dưới đất, chuyện sách vở, chuyện ước mơ,... cứ thế dệt cho nhau những hi vọng về tương lai.

Chị mơ ước một ngày sẽ có thể tự tay may lên những tà áo dài khiến người khác phải ngưỡng mộ. Với người khác, khi nghe mơ ước này thì chỉ cười, bởi chị chỉ là một cô sinh viên văn hóa, không có một chuyên môn nào về thiết kế, không có thầy thợ nào, chỉ là thích thì làm thế thôi.

Nhưng anh thì khác, khi nghe những điều chị kể, chính anh lại khuyến khích và động viên, thậm chí hướng chị tới một mục tiêu lớn hơn: một thương hiệu dành cho riêng mình. Điều này khiến chị cảm thấy ngạc nhiên và yêu anh hơn.

Tốt nghiệp, ra trường thì họ tổ chức đám cưới. Vẫn chỉ có hai bàn tay trắng, thuê một căn nhà nho nhỏ chỉ 5 đến 7 mét vuông, hai gia đình nội ngoại cũng không có điều kiện nên không giúp đỡ được nhiều, hai vợ chồng trẻ xác định trước những khó khăn sắp tới để khi đối mặt đỡ bất ngờ.

Nhưng không ngờ khó khăn lại nhiều đến thế. Hà Nội những năm 90 vẫn chưa cởi mở như bây giờ, cơ hội về việc làm còn rất nhiều hạn chế nhưng cũng ngày đó, cũng chưa có nhiều người chuyên về làm áo dài.

Vợ chồng Lan Hương mỗi ngày đều cảm thấy được yêu thương nhiều hơn
Vợ chồng Lan Hương mỗi ngày đều cảm thấy được yêu thương nhiều hơn

Với chiếc máy khâu ban đầu của mình, chị mở một cửa hàng may nhỏ để trang trải cuộc sống gia đình, cũng là để thực hiện đam mê của mình. Khách hàng vốn quen với những quần áo đơn giản có bán sẵn, giờ thấy được những mẫu áo, quần đẹp được thiết kế công phu của cô thợ trẻ thì thích lắm, cứ truyền tai nhau mà đến.

Dần dần, cửa hàng cũng đông khách hơn, một mình chị vừa là thợ chính, vừa là thợ phụ, suốt từ sáng đến tối không lúc nào nghỉ tay. Chồng là bộ đội, hay phải đi xa nên thương vợ một mình tất tả nhiều hơn.

Tình yêu và thương của anh với chị như một liều thuốc giảm bớt những mệt mỏi và căng thẳng của công việc và áp lực của cuộc sống, tiếp thêm cho chị sức mạnh để vượt qua.

Đến khi đứa con đầu ra đời, đúng lúc kinh tế khó khăn, có khi bữa cơm cũng chỉ đạm bạc rau dưa, tiền hai vợ chồng làm được chỉ tích cóp dành mua sữa cho con. Những khi gia đình có việc, lại phải xoay ngược xoay xuôi để có chút ít đi về thăm viếng.

Khó khăn là vậy nhưng lúc nào cả hai cũng luôn động viên lẫn nhau. Hay đi xa, nhưng cứ có mặt ở nhà, anh luôn tạo cho chị điều kiện tốt nhất để làm việc, không nề việc nhà, chăm con, giặt giũ, kệ cho những lời khích bác của xung quanh là “chiều vợ quá”.

Cùng nắm tay nhau bước qua thời gian khó, thương hiệu áo dài Lan Hương được nhiều người biết đến. Điều này đồng nghĩa với áp lực công việc cũng nhiều hơn, không chỉ thiết kế, may mà còn phải quảng bá thêm ra bên ngoài.

Gia đình hạnh phúc của Nhà thiết kế Lan Hương
Gia đình hạnh phúc của Nhà thiết kế Lan Hương

Chị có thêm thợ, thêm khách nhưng vẫn còn thiếu người đỡ đần mình trong việc giám sát chuyên môn. Thương vợ, anh quyết định từ bỏ công việc của mình để xắn tay vào làm cùng. Anh phải suy nghĩ lắm, bởi lẽ việc ra quân cũng không phải đơn giản, và đã rời quân ngũ rồi thì khó có thể trở lại.

Anh trở thành “chàng nhiếp ảnh gia” cho những bộ trang phục của chị. Cũng là người có mắt nghệ thuật nên những bức ảnh anh chụp bao giờ cũng có hồn, không những khiến chị thấy yên tâm mà còn làm tôn lên nét duyên dáng của mỗi tà áo.

Khi khách hàng nhìn vào cũng đủ tò mò để muốn đến, chứng kiến tận mắt những đường nét, những hoa văn cách điệu và đường kim mũi chỉ của chị.

Chị càng thương anh nhiều hơn, bởi lẽ trong cuộc sống vợ chồng, vợ thường là người phải chăm lo cho chồng nhiều hơn thì với gia đình chị ngược lại. Nhiều khi, trong những chuyến đi xa, vợ chồng cứ “dắt dây” nhau, chị lao vào công việc nhiều khi quên ăn, quên ngủ, lúc bấy giờ luôn có anh ở bên để nhắc nhủ, chu đáo, giữ gìn cho vợ.

Người ta nói này nói nọ, anh cũng bỏ ngoài tai. Chị vừa ức cho chồng, vừa thấy tự hào bởi lẽ chị biết mình có cái hơn người đó là lấy được một người chồng thực tốt.

Chị khẳng định, nếu không có một anh Hoàng Hiệp bản lĩnh và thương và luôn hi sinh cho vợ như thế thì không thể có một Lan hương của ngày hôm nay. Với chị không chỉ là tình yêu, tình thương mà còn là sự biết ơn lớn đối với người đàn ông đã đầu ấp tay gối suốt hơn 20 năm qua.

Mỗi ngày đều cảm thấy được yêu thương nhiều hơn

Là một người phụ nữ tự cho mình là truyền thống, Lan Hương quan niệm quan trọng nhất của một người phụ nữ là gia đình chứ không phải sự nghiệp. Bản thân kinh tế giờ cũng đã có thể nói là có điều kiện nhưng chị vẫn tự tay làm tất cả những công việc của phụ nữ trong gia đình, đưa đón con đi học, chợ búa, bếp núc, chăm sóc chồng con...

Dù công việc bận rộn đến đâu thì khi đã bước chân vào cánh cửa nhà, chị đều gác lại. Cùng chồng con ăn một bữa cơm ngon, xem một bộ phim truyện và bàn luận về những vấn đề cả gia đình cùng quan tâm là cách mà chị luôn cố gắng duy trì để bảo vệ hạnh phúc của mình.

Hai con trai chị cũng đã lớn, thông minh, thương bố mẹ và cũng khá “đẹp trai”. Cậu lớn đã là sinh viên năm nhất nhưng vẫn là một người bạn của mẹ, có thể chia sẻ tất cả những điều về tâm sinh lý, giới tính cho đến chuyện thầm thương trộm nhớ một ai đó.

Cậu bé hơn thì cũng chuẩn bị bước vào cấp 3, bài vở và những vấn đề của tuổi mới lớn khiến chị càng phải quan tâm đặc biệt hơn tới con. Khi có bất kì vấn đề nào xảy ra trong nhà, mọi người lại cùng nhau ngồi bàn bạc.

Anh chị muốn dạy cho các con mình tư duy độc lập và ý thức trách nhiệm của mình với xung quanh. Cuộc đời các con là do các con tự quyết, cha mẹ chỉ chuẩn bị những thứ tốt đẹp nhất làm nền tảng. Chị không quan trọng việc các con làm gì, chỉ cần tâm huyết và làm tốt công việc của mình là được.

Không bao giờ lấy bản thân ra như một tấm gương nhưng chính việc làm tốt công việc của mình: từ một cô thợ may không thầy không thợ có được ngày hôm nay đã là bài học lớn nhất chị giành cho các con mình.

Khi nghe tôi vặn vẹo hỏi thêm bí quyết, chị cứ tủm tỉm cười: “Một món quà nho nhỏ nhưng ý nghĩa”. Rồi chị kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa của mình. Hồi còn yêu nhau, anh chẳng bao giờ tặng quà cho chị, không phải vì không có tiền mà nghĩ là không cần thiết.

Đến khi lấy nhau rồi, anh chỉ bảo: “Giờ mình đã là vợ chồng rồi, vợ cần gì thì anh sẽ cố gắng hết sức để vợ có thể yên tâm”. Một đôi dép lê thôi, nhưng món quà đó chị vẫn nhớ tới tận bây giờ. Cuộc sống vợ chồng có nhiều khúc nhưng chính những điều giản dị dành cho nhau lại làm chất gia vị tốt nhất để gắn kết.

Một đôi tay dính dầu mỡ không thể nói lên hạnh phúc nhưng là cách để duy trì nó. Để những người mình yêu thương cảm nhận được sự chăm lo dành cho họ. Một căn phòng ngủ luôn được chăm chút tốt nhất, từng bức rèm, từng khuôn cửa kính đến cái lọ hoa,... đủ để chồng biết rằng: với mình, anh vẫn là thứ nhất.

Mỗi ngày, chị đều cảm thấy được yêu nhiều hơn. Chỉ cần nhìn ánh mắt rạng ngời của chị khi nói về mái ấm gia đình của mình, hạnh phúc viên mãn và sự trìu mến trong từng tiếng nói, tôi biết chị không hề đánh bóng hạnh phúc của mình lên.

Chị cho tôi cái định nghĩa về tình yêu của mình: không có thứ gì gọi là quá dễ dàng, cái gì đơn giản thì kết quả của nó cũng tương ứng. Một tình yêu đã cùng nhau bước qua những thời khốn khó nhất thì càng phải biết trân trọng nhau hơn.

Hạnh phúc không ai mang đến đặt vào tay mình mà tự hai người phải ươm mầm và chăm bón cho nó. Vợ chồng không phải chỉ là cái nghĩa mà còn là sự tri ân lẫn nhau. Tình thương lại càng không thể thiếu.

Nếu như tình yêu là những cảm xúc rung động nhất thời thì tình thương là liều thuốc bổ có thể hàn gắn lại những vết thương khó lành nhất.

Tạm biệt Lan Hương, tôi có chút cảm thấy ghen tị với hạnh phúc mà chị đang nắm giữ. Hạnh phúc ấy có được, cũng phải qua bao khó khăn thử thách tôi luyện mà thành.

  • Đỗ Huệ
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn