Hé lộ nguyên nhân cái chết của cháu trai Mao Trạch Đông

( PHUNUTODAY ) - Trong suốt gần 20 năm sau đó, Quốc dân Đảng luôn miệng phủ nhận việc sát hại Mao Sở Hùng và đoàn đàm phán, khiến nguyên nhân cái chết của đứa cháu trai của Mao Trạch Đông trở thành một bí ẩnhellip;

Được đổi tên và trở thành một đại biểu của đoàn đàm phán hòa bình, với hy vọng có thể thoát khỏi vòng vây của quân Quốc dân Đảng, thế nhưng, cuối cùng, Mao Sở Hùng bị mất tích trên đường đi. Phe Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, Mao Sở Hùng cùng đoàn đàm phán đã bị phía Quốc dân Đảng sát hại.

 

Tuy nhiên, trong suốt gần 20 năm sau đó, Quốc dân Đảng luôn miệng phủ nhận việc sát hại Mao Sở Hùng và đoàn đàm phán, khiến nguyên nhân cái chết của đứa cháu trai của Mao Trạch Đông trở thành một bí ẩn…

Ngày 26/6/1946, Tưởng Giới Thạch phá bỏ hiệp định đình chiến, sai quân tấn công “khu giải phóng” của Đảng Cộng sản tại Trung Nguyên, phát động cuộc nội chiến kéo dài 4 năm. Lý Tiên Niệm, Vương Chấn chỉ huy quân khu Trung Nguyên đột phá vòng vây, chống lại quân Quốc dân đảng, mở màn cho “cuộc cách mạng lần thứ 3” tại Trung Quốc.

Lúc bây giờ, quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc được chia làm hai lộ, một Nam, một Bắc. Bắc lộ quân do Lý Tiên Niệm chỉ huy, phá vòng vây của quân Quốc dân Đảng hướng về phía Bắc. Sau khi tới Hà Nam, Bắc lộ quân lại chia làm hai: Lý Tiên Niệm dẫn theo các cơ quan ở Trung Nguyên hình thành một hướng còn Vương Chấn dẫn đầu lữ đoàn 359 hình thành một hướng khác.

Hạ tuần tháng 7, Vương Chấn đột phá vòng vây của quân Quốc dân đảng, tiến vào Thiểm Nam. Sau khi quân Cộng sản vào được Thiểm Nam, quân Quốc dân Dảng dùng máy bay phát tán truyền đơn, nói rằng, quân Cộng sản phái người tới tiến để tiến hành đàm phán.

Mao Sở Hùng sinh năm 1927 tại Trường Sa, là con trai của Mao Trạch Đàm, em trai thứ 3 của Mao Trạch Đông.
Mao Sở Hùng sinh năm 1927 tại Trường Sa, là con trai của Mao Trạch Đàm, em trai thứ 3 của Mao Trạch Đông.

Để tránh có thêm thương vong, được sự đồng ý của trung ương, Vương Chấn quyết định phái lữ đoàn trưởng Trương Văn Luật, chính ủy Ngô Tổ Di và cảnh vệ viên Lý Tín Sinh tới Tây An tiến hành đàm phán.

Ngày 7/8, tổ đàm phán gồm Trương Văn Luật, Ngô Tổ di và Lý Tín Sinh cùng nhau đi về Tây An. Lý Tín Sinh chính là Mao Sở Hùng, cháu trai của Mao Trạch Đông.

Mao Sở Hùng sinh năm 1927 tại Trường Sa, là con trai của Mao Trạch Đàm, em trai thứ 3 của Mao Trạch Đông. Vào năm 1934, sau khi hồng quân Trung Quốc rời khỏi khu Xô Viết lên đường trường chinh, Mao Trạch Đàm được Mao Trạch Đông để lại ở quê nhà.

Sáu tháng sau, Mao Trạch Đàm tử trận khi đang chiến đấu ở núi Hồng Lâm. Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, Mao Sở Hùng đã được đưa về nhà bà ngoại nuôi dưỡng. Tới tháng 7/1945, khi Vương Chấn dẫn lữ đoàn 359 kéo xuống phía nam, Mao Trạch Đông đã gửi gắm Mao Sở Hùng cho Vương.

Vì thế, trong lúc cả lữ đoàn đang bị bao vây ở Thiểm Nam, lo rằng, sẽ nguy hiểm tới tính mạng của Mao Sở Hùng, do vậy, Vương Chấn đã đề nghị Mao Sở Hùng dùng thân phận thành viên của đoàn đàm phán thoát ra khỏi vòng vây của quân Quốc dân đảng.

Từ Thiểm Nam tới Tây An, phải đi qua núi Tần Lĩnh, trên đường đi tất cả đều là rừng rậm, nhiều nơi còn thấy cả dấu vết của sói và hổ. Lại thêm những đội quân địa phương của bọn cường hào rất hung hăng, ngang ngược, các chòi canh của quân Quốc dân đảng mọc lên khắp nơi.

Vì thế, hành trình của tổ đàm phán không nói cũng đủ biết khó khăn vất vả tới mức nào. Tuy nhiên, sau khi Mao Sở Hùng theo Trương Văn Luật và Ngô Tổ Di không bao lâu, tới trấn Đông Giang ở huyện Ninh Hiệp Hùng cả nhóm bị quân lính của Hồ Tông Nam bắt giữ.

Việc đoàn đàm phán đột nhiên “mất tích” trở thành sự kiện rúng động cả nước. Lý Tiên Niệm và Vương Chấn nghe tin, lập tức xin chỉ thị của trung ương tìm cách cứu nhóm đàm phán. Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh cùng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ liên tiếp gửi kiến nghị tới các cơ quan của Quốc dân đảng ở Bắc Bình và Nam Kinh, yêu cầu thả nhóm đàm phán.

Tuy nhiên, chính quyền Quốc dân Đảng luôn miệng phủ nhận việc bắt giữ Trương Văn Luật, Ngô Tổ Di và Mao Sở Hùng, đồng thời tìm mọi cách ngăn trở quá trình điều tra của phía Đảng Cộng sản, khiến vụ mất tích của đoàn đàm phán trở nên bí ẩn.

Trong nhiều chục năm sau đó, người ta chỉ biết rằng, Mao Sở Hùng, cháu trai của Mao Trạch Đông bị hại ở núi Tần Lĩnh, tuy nhiên, không ai biết Mao Sở Hùng chết ra sao và ai là kẻ chủ mưu sát hại.

Có thuyết nói rằng, Mao Sở Hùng đúng là chết trong núi Tần Lĩnh, tuy nhiên, không phải là với thân phận của một đại biểu đi đàm phán. Theo giả thuyết này thì vào đầu tháng 8/1946, Mao Sở Hùng theo Vương Chấn tới huyện Trấn An, Thiểm Tây.

Lúc bấy giờ, lữ đoàn 359 quyết định vận động một bộ phận lữ đoàn hóa trang thành dân thường, rồi phân tán ra để tiến quân. Vương Chấn giao Mao Sở Hùng vào nhóm do Ngô Tiên Vân dẫn đầu.

Khi nhóm của Mao Sở Hùng gồm 5 người tới Văn Gia Miếu của Trấn An thì bị bọn thổ phỉ nơi đây phát hiện. Một tên thổ phỉ vung rìu chém thẳng vào Mao Sở Hùng. Tiếp đó, cũng chiếc rìu ấy, tên thổ phỉ giết luôn hai cán bộ trung niên. Ngô Tiên Vân và vợ sau đó bị bọn thổ phỉ chôn sống trong lò vôi.

Sau năm 1949, người dân Văn Gia Hương phát hiện ra ba cái xác vô chủ. Vì vậy, mọi người đều tin rằng đây chính là 3 người Trương Văn Luật, Ngô Tổ Di và Mao Sở Hùng. Câu chuyện này sau đó đã được nhiều người sử dụng.

Ngay cả những người thân của Mao Sở Hùng như Lý Nạp và Khổng Đông Mai trong những cuốn hồi ký của mình cũng viết như vậy. Tuy nhiên, kết quả điều tra sau đó chứng minh rằng, ba bộ hài cốt kia là của  một nhóm cán bộ đang trên đường đi Diên An thì gặp thổ phỉ và tử nạn.

Tông tích của Mao Sở Hùng và nhóm đàm phán một lần nữa lại bị chiếc màn bí mật phủ kín.

Việc điều tra về cái chết của Mao Sở Hùng cùng đội đàm phán tiếp tục được triển khai. Cho tới năm 1976, một người dân tại trấn Đông Giang khi xây dựng nhà ở đã phát hiện ba bộ xương bí ẩn.

Khi tổ điều tra tới trấn Đông Giang được một người đàn ông tên là Đăng Huy Tuấn, từng làm chức phó hương trưởng dưới thời Quốc dân Đảng nói rằng, một người bạn của ông ta là Đường Tiến Ngọc từng nói với ông ta rằng:

“Lúc đó, hương trưởng là Thạch Tinh nhận mệnh lệnh của cấp trên đem chôn sống 3 người thuộc nhóm đàm phán ở phía sau miếu thành hoàng…”

Một người khác từng tham gia quân địa phương của cường hào tên là Thạch Hữu Thành nói rằng: “Vào tháng 8/1946, trấn Đông Giang xuất hiện 3 người của quân giải phóng Trung Quốc. Nghe nói, họ là đoàn đại biểu được phái đến để tiến hành đàm phán với quân Quốc dân Đảng.

Lúc bấy giờ, Lý Thanh Nhuận, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 181, thuộc Sư đoàn 61 của Hồ Tông Nam còn mở tiệc đón 3 người ở nhà hàng Khôi Tinh. Tuy nhiên, qua được 2 hôm, tôi gặp khu trưởng của khu Giang Khẩu là Khương Tiệp Tam, tiện miệng nói với ông ta rằng:

"Lần này thì tốt rồi, đàm phán thành công, từ nay không phải đánh nhau nữa rồi!" Không ngờ, ông ta nói với tôi: "Đàm phán thành công cái cục c…!’ Nói xong, họ Khương dùng tay đưa lên ngang cổ rồi làm động tác cắt một cái, hàm ý rằng, ba người của nhóm đàm phán đã bị giết chết.

Ngoài ra, tôi cũng nghe Đường Tiến Ngọc nói rằng, những người bị chôn ở phía sau miếu thành hoàng chính là 3 người của tổ đàm phán”.

Hóa ra, sau khi Hồ Tông Nam biết rằng, tổ đàm phán của quân Cộng sản đã tới trấn Đông Giang lập tức ra lệnh giữ lại và báo cáo tình hình cho Tưởng Giới Thạch. Tưởng Giới Thạch đương nhiên không muốn nhìn thấy đại diện của Đảng Cộng sản xuất hiện trên bàn đàm phán ở Tây An, do vậy, đã ngấm ngầm ra lệnh cho Hồ Tông Nam bí mật sát hại cả 3 người.

Ngày 10/8/1946, Lý Thanh Nhuận nhận được mệnh lệnh của Hồ Tông Nam. Ngay đêm hôm đó, Lý Thanh Nhuận sai người đào bốn cái hố ở ngay phía sau miếu thành hoàng của trấn Đông Giang rồi đang đêm đem 3 người thuộc tổ đàm phán và người nông dân dẫn đường tới chôn sống tại đây.

  • Hà Phương
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn