"Nói đổng" khi ĐD Lê Hoàng “chửi đổng” cả làng showbiz

( PHUNUTODAY ) - Không chỉ người làm báo hay những người cùng trong giới showbiz mới có phản ứng trước bài viết “vạch áo cho người xem lưng” của Lê Hoàng,

(Phunutoday) - Trong hàng loạt những “sự vụ” khai xuân đầy náo nhiệt của showbiz Việt những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn, có lẽ bài viết của đạo diễn Lê Hoàng trên tờ Đẹp được dư luận và chính giới showbiz quan tâm nhất.

1. Không thế mà hàng loạt các tờ báo khác đã đồng loạt đưa tin, bài xung quanh bài viết này, phần lớn là đăng lại nguyên văn để “mọi người cùng đọc, cùng suy ngẫm”, một số khác thì trích đăng một vài đoạn “hấp dẫn nhất”.

Có lẽ chính nhờ những bài viết đăng lại với những “tít bài” hấp dẫn kiểu “ Lê Hoàng chửi đổng showbiz Việt”, “Lê Hoàng "lì xì" showbiz Việt bằng "hàng độc", hay nhẹ nhàng hơn “Lê Hoàng chửi 'cả làng' showbiz Việt” mà nhiều người chú ý hơn đến bài viết này.

Nhưng rất rất lạ là vấn đề "bức xúc" này lại ít “com-ment”, bình luận, cứ như "chắc nó chừa mình ra" theo kiểu dùng chữ của nhà văn Nam Cao xưa.

Đạo diễn Lê Hoàng
Đạo diễn Lê Hoàng


Trong số ít ỏi những lời bình luận sau bài viết, người ta vẫn thấy những quan điểm trái chiều nhau, người đồng tình ủng hộ, người phản đối đả kích vị đạo diễn này.

Báo xaluan.com đăng bài viết “Đạo diễn Lê Hoàng: Nói giỏi và làm dở” với đoạn mở đầu:

“Sáng nay đọc báo, lại thấy đạo diễn (ĐD) Lê Hoàng "chửi" cả làng showbiz trên một tạp chí thời trang. Chắc chắn khán giả sẽ không lấy gì làm lạ bởi "chửi" gần như là phong cách của "nhà báo" Lê Hoàng. Thậm chí nhiều người khen ông "chửi" rất hay, rất cá tính. Tuy nhiên, gần đây người ta quan tâm đến một vấn đề chính của ĐD Lê Hoàng đó là ông nói thì giỏi lắm nhưng làm thì thật… không xong.”

Và để phân tích cho quan điểm của mình, tác giả bài viết đã đưa ra những dẫn chứng là những bộ  phim của ĐD Lê Hoàng từ những năm 90 trở về trước thì rất hay, nhưng đến những tác phẩm mới nhất gần đây thì “đó là cách làm phim đỉnh cao của sự cẩu thả: kịch bản lỏng lẻo, cũ kỹ, đầy sạn với hàng loạt các chi tiết phi lý, ngớ ngẩn, sượng sùng”.

Bài báo được kết lại “gay gắt” và dường như đang lái theo đúng cái cách mà đạo diễn Lê Hoàng yêu thích khi nói về người khác:

“Dù làm gì đi nữa thì khán giả cũng rất mong ĐD Lê Hoàng nên xem 2 thất bại liên tiếp trong điện ảnh vừa rồi như một cơn “bạo bệnh” của chính mình, “bạo bệnh” ấy có thể giúp ông loại bỏ những “tế bào” yếu ớt, giúp ông có khoảng thời gian đủ dài dừng lại để suy nghĩ và “chữa bệnh”, chữa tư duy và tâm hồn điện ảnh đang ngày càng hư hoại trong ông.”

Không chỉ người làm báo hay những người cùng trong giới showbiz mới có phản ứng trước bài viết “vạch áo cho người xem lưng” của Lê Hoàng, những công chúng bình dân cũng có những nhận định riêng của mình.

Thành viên có nickname SG Chic trên diễn đàn webtretho.com đã nhận xét khá thẳng thắn:

“Chân mình những đốm lê mê

Lại cầm bó đuốc mà rê  chân người.

Cho dù  LH (chỉ đạo diễn Lê  Hoàng) có chửi hay, chửi  đúng, mình vẫn không hề  thích cách chửi ấy. Đơn giản vì LH cũng là người trong showbiz, cũng là một thành phần trong guồng máy đó, nên cũng không tránh khỏi những cái mà LH đã nêu. Những bộ phim của LH cũng không phải dạng nghệ thuật gì để có thể hâm mộ ông mà bỏ ngoài tai được cái tính cách ngông cuồng, ngộ chữ. Mấy em gà của LH thì cũng y như những gì mà LH kể lể thôi. Chửi đổng như thế này, chẳng khác nào tự bôi tro trét trấu vô mặt mình, có chăng là LH không nhận ra điều đó.

Đọc bài này của LH làm mình nhớ  đến mấy ông bố bà mẹ xóm mình, vừa chửi vừa đánh con họ: "Đ.M mày, ai cho mày chửi thề hả?"


Dĩ nhiên, mỗi người có một cách nhìn khách nhau về cùng một vấn đề, kể cả anh em sinh đôi cùng trứng giống nhau như 2 giọt nước thì cách nhìn vẫn chẳng thể giống nhau. Và bài “chửi” của Lê Hoàng rõ ràng nhận được không ít sự đồng tình theo kiểu “xã hội mà... không có lửa sao có khói”.

Bài “chửi” của Lê Hoàng phải công nhận là  khiến người đọc cảm thấy rất thú  vị, nó đã nêu hết  được những vấn đề nổi cộm của showbiz Việt hiện nay. Chắc chắn khi đọc nó, nhiều  “sao”, nhiều “nghệ sĩ” Việt sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng mình trong đó. Tất nhiên chẳng “sao” nào có thể kiện vị đạo diễn này vì ông không “chỉ mặt, nêu tên” cụ thể một người nào... (Trích Muôn kiểu 'khai xuân' của showbiz Việt, baodatviet.vn)

--

2. Sau những “lùm xùm, rùm beng” của câu chuyện showbiz Việt mà đạo diễn Lê Hoàng gợi ra, không ít người có suy nghĩ: Tại sao một người nổi tiếng là nói thẳng, nói thật như đạo diễn Lê Hoàng lại không chỉ đích danh ai đó mà lại phải “chửi đổng”?  Chuyên gia tâm lý Thái Liên đã chia sẻ:

Chị có hay xem phim và có thích phim của đạo diễn Lê  Hoàng không?

- Tôi cũng thiện cảm với ông Lê Hoàng, với một chút sắc sảo, với một chút chua cay, với một chút hóm hỉnh, và thậm chí nhiều lúc nghe cũng nanh nọc ra phết!

Nhận xét này có ứng nghiệm với bài viết mà đạo diễn Lê Hoàng nói về mặt trái của giới showbiz? 

- Tôi thấy người Việt của chúng ta vẫn nặng về ca ngợi. Người ta chỉ muốn nói đến những điều tốt đẹp, thậm chí tô hồng lên thì càng tốt. Mặt trái ở đây là chúng ta bị sống trong ngộ nhận. Và khi mà chúng ta sống trong ngộ nhận rồi thì cuộc sống rất khó mà phát triển được. Cho nên là có lẽ không nhiều lắm những người đã nói và dám nói về những tồn tại, những mặt trái của cuộc sống xã hội, trong đó có làng giải trí Việt. Đấy là lý do khi Lê Hoàng lên tiếng thì có nhiều phản ứng…

Dư luận cho rằng bài viết của đạo diễn Lê Hoàng là “chửi đổng” giới showbiz. Xin hỏi chị khi nào thì người ta mới... chửi đổng?

- Đúng rồi đấy! Tôi nhìn thấy chữ “chửi  đổng” được để trong ngoặc kép. Và chúng ta cũng hình dung ngay đến tác phẩm bất hủ của nhà văn Nam Cao “Hắn vừa đi vừa chửi. Cứ rượu vào là chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Nào trời của riêng ai…” Tức là khi người ta chửi đổng là người ta không nhằm vào riêng ai cả.

Nghĩa là khi người ta sợ hoặc "cùn" thì người ta chửi đồng? Ở trường hợp này, ai sợ ai?

- Nếu Lê Hoàng sợ thì ông đã không dám nói thẳng, và khi ông đã nói thẳng thì có nghĩa ông không sợ, nhưng không có nghĩa rằng vì không sợ nên cái gì cũng nói và nghĩ thế nào nói thế đấy. Chắc chắn rằng ông ấy đủ sâu sắc để hiểu cái gì cần nói và nói cái đó có mục đích gì...

Nói như chị thì chửi đổng hay "nói đổng" cũng có cái gì đó tốt, hữu ích?

- Ở đây thì không thể nói là tốt hay xấu được mà đó là cách thể hiện khác nhau trong cuộc sống của mỗi con người. Nếu như “nói đổng” thì ông Nam Cao quả thật là rất giỏi khi xây dựng lên nhân vật Chí Phèo biết chửi đổng, chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại. Rõ ràng qua nhân vật này, ông Nam Cao ông ấy muốn nói một điều là, nếu ai mà cứ luôn luôn nói đổng chửi đổng thôi thì chắc là anh em với Chí Phèo.

Đây là nói về một giới, nên đôi khi sự tế nhị không cho phép người ta nói thẳng tên nhân vật vì biết đâu đó lại có những sóng gió khác làm phiền. Nhưng đó vẫn là nói về một giới rồi, tức là họ hết sức thẳng thắn và chắc chắn đó là một cái mong muốn là điều chỉnh mọi điều để cuộc đời tốt đẹp hơn, cái đó là tốt. Còn cái từ chửi đổng thì như tôi đã nói, đó là của ai đó, và họ đưa vào “ngoặc kép”… và chắc chắn nếu như là người khác hay là tôi chẳng hạn, tôi sẽ không dùng từ như thế.

  • Khánh Chi (thực hiện)

[links()]
 

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn