Những người phụ nữ đẹp nhất phủ đầu rồng

( PHUNUTODAY ) - #160; (Phunutoday) - Có thể vì những kỷ niệm đẹp với người chồng nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ, nên dù đã chia tay nhau, Tuyết Mai không có bất cứ oán hờn nào. Những câu chuyện tình được bà kể lại trong hồi ký luôn thấm đẫm ngọt ngào, đắm đuối và thủy chung khiến người đọc mềm lòng và chia sẻ.

 

(Phunutoday) - Có thể vì những kỷ niệm đẹp với người chồng nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ, nên dù đã chia tay nhau, Tuyết Mai không có bất cứ oán hờn nào. Những câu chuyện tình được bà kể lại trong hồi ký luôn thấm đẫm ngọt ngào, đắm đuối và thủy chung khiến người đọc mềm lòng và chia sẻ.

Tuyết Mai luôn đứng ở vị trí người nhận tình yêu nhiều nhất, ngây ngất đến mê ly. Một tình yêu bùng nổ trong trái tim cô chiêu đãi viên hàng không còn rất trẻ, nồng nàn, không hoàn toàn bắt đầu bằng sự vô tư, sét đánh mà khởi đầu rung động tình yêu là một ý thức tiềm tàng, cố hữu của một cô gái trẻ có tâm hồn đã lớn trước tuổi.

Cho đến thời điểm tháng 9/1964, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã qua một đời vợ người Pháp, có 5 người con riêng. Còn Tuyết Mai… chỉ có trái tim yêu và yêu. Đúng hơn là cô cũng có một chút cảm tình với một chàng phi công không quân dưới trướng của Tướng Kỳ, nhưng chưa đủ nồng nàn, chưa đủ những ràng buộc, đắm đuối.

Nhưng hình như chưa sâu lắm, chưa đậm đà ngoài mối tình lãng mạn vu vơ tuổi học trò, tuổi mới vào đời nên khoảng trống ấy của trái tim Tuyết Mai đã bị Tướng Kỳ - một nghệ sĩ giang hồ, một mãnh tướng trên bầu trời và trên tình trường phát hiện từ cuộc gặp gỡ đầu tiên trên chuyến bay từ Manila về. Và cơ hội gặp lại trong lần sang Bangkok cũng do Tướng Kỳ sắp đặt, điều động để cơ hội gần hơn, rút ngắn khoảng cách hai trái tim.

Dùng trực thăng đến nơi hẹn hò để tỏ lời cầu hôn

Câu chuyện “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ dùng máy bay trực thăng riêng đậu trên sân thượng khách sạn Carvelle để tỏ tình, cầu hôn cô tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai năm xưa, hay như chuyện Tướng Kỳ mời Tuyết Mai  đi ăn cơm tối ở Singapore, rồi lấy máy bay đi Ðà Lạt ăn sáng, rằm tháng 8 thì đem nước trà sen và bánh trái lên máy bay lên tận gần mặt trăng để mà thưởng trăng… mà báo chí Sài Gòn rùm beng loan tin là có thật. Nhưng lại không thật vì nội dung không giống như mọi người biết do thêu dệt, đồn đại như vẽ rắn thêm chân.

Không ai lạ gì, Tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ là một tướng ngông, ngang tàng chẳng vị nể ai. Hàng ngày đi làm ông vẫn dùng trực thăng bay từ nhà riêng trong Bộ Tổng Tham mưu đáp xuống bãi cỏ trong Dinh Độc Lập. Chưa kể có nhiều lần tướng kỳ đậu trên nóc Dinh ngay phía dưới là phòng ngủ của vợ chồng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khiến bà Mai Anh phiền hà lên tiếng.

Cũng không ai lạ gì việc đi thăm, làm việc của Tướng Kỳ với các lực lượng không quân trong phạm vi miền Nam, Nguyễn Cao Kỳ đều sử dụng máy bay  riêng tự mình lái đi, thay vì đi ô tô, không an toàn.

Nhắc lại chuyện phái đoàn không quân của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đang dẫn đầu thăm Thái Lan, đang tưng bừng khí thế vui vẻ, tràn đầy. Đặng Tuyết Mai đang rạo rực trái tim với ánh mắt và những lời ngọt ngào, âu yếm người hùng Nguyễn Cao Kỳ tỏ tình, trao duyên rất lãng mạn.

Buổi sáng cả đoàn dạo chơi, ăn vặt cười nói vui vẻ, cùng nhau bàn bạc tối nay sẽ đi vũ trường nào, thăm viếng chùa nào ngày mai, ăn món đặc sản gì, mua quà gì về nhà tặng người thân… Trong lúc cả hội bàn tán xôm tụ, Tướng Kỳ xuất hiện vẻ mặt rất nghiêm nghị, dõng dạc nói như ra lệnh: “Không đi đâu cả. Về ngay khách sạn thu dọn hành lý về. Sài Gòn đang xảy ra đảo chánh”. Mọi nụ cười tắt lịm trên môi, không ai biết điều gì đang xảy ra ở Sài Gòn, không ai biết những gì sắp xảy ra.
 
Suốt ba giờ trên máy bay từ Bangkok về Tân Sơn Nhất, cô không cần trang phục Air Vietnam vì Tướng Kỳ cho biết: bay đêm, đáp sân không quân nên không cần câu nệ nghi thức. Nhờ ngồi bên cạnh Tướng Kỳ suốt chuyến bay nên cô nắm bắt một số tình hình chiến sự đang diễn ra tại Sài Gòn và chia sẻ vài thông tin với người hùng Nguyễn Cao Kỳ khiến ông “Tướng râu kẽm” này cảm phục và khen ngợi hết lời.

Đáp xuống sân bay quân sự Không quân, cả Tuyết Mai và Cao Kỳ được xe đón về tư dinh của Tướng Kỳ trong Bộ Tổng Tham mưu. Đây là cuộc đảo chánh lần thứ 2 trong năm 1964 bất thành. Ngày 13/9/1964 được coi là sự biểu dương lực lượng của các tướng lĩnh đe dọa đến cái ghế Trung tướng Nguyễn Khánh.

Rất tỉnh táo, Tướng Kỳ ngồi trong tư dinh tán tỉnh, trấn an người đẹp Tuyết Mai, một mặt ra lệnh cho máy bay ném bom bay sát sạt khu vực trung tâm Sài Gòn nơi đang có hàng trăm xe tăng lúc nhúc như bầy ruồi trên các đại lộ để răn đe, cảnh cáo. Sự đe dọa này lập tức có hiệu quả, các phe đảo chánh trật tự vãn hồi trở lại, không hề có máu đổ. Tất cả thừa biết rằng, Không quân của Tướng Kỳ có thể san bằng tất cả nếu họ nghiêng về một phe nào đó.

Sau một đêm tá túc nhà Tướng Kỳ, Tuyết Mai quay về nhà với một tâm trạng vui như trẩy hội vì cô đã có thêm dịp chứng kiến quan điểm chính trị, sự tỉnh táo, khôn ngoan của người hùng trong mộng trong khi xử lý tình huống đảo chánh.

Hôm sau, thức giấc sau một đêm nhiều mộng đẹp, Tuyết Mai được người nhà cho biết, sáng sớm đã có một viên sĩ quan đến nhà gởi tặng hoa hồng phấn - loại hoa mà cô yêu thích nhất cùng một bì thơ. Linh tính mách bảo cho cô biết rằng, sự lãng mạn trong buổi sáng tinh mơ không ai khác người hùng rất lãng mạn trong tim cô: “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ.

Trong thư, Tướng Kỳ ngỏ lời mời Tuyết Mai ăn cơm trưa tại nhà hàng Caravelle, với “hy vọng những bông hồng này sẽ đem lại chút hạnh phúc nhỏ bé khi đánh thức cô dậy”.

Lúc đầu, Tuyết Mai có hàng ngàn lý do để chối từ lời mời đi ăn chung với Tướng Kỳ, ngại người ta nhìn ngó rồi bàn tán, dị nghị; ngại Tướng Kỳ đã có vợ con, là quan chức quân đội… Suy nghĩ đắn đo hồi lâu, cuối cùng trái tim mách bảo cô, hãy giả vờ từ chối thôi, và cô nhận lời tự đến nơi hẹn mà không cần xe đón đưa. Tướng Kỳ cười sảng khoái: “Cô Mai không phải lo. Tôi đến nơi hẹn bằng máy bay. Chúng ta gặp nhau tại cửa thang máy phòng ăn riêng không có ai trên thế gian này nhìn thấy đâu”.

Tuyết Mai trang điểm nhẹ, không kỹ lưỡng như những chuyến bay thường nhật, cô muốn giữ những nét thật nhất trên khuôn mặt, làn da và sự tươi trẻ hồn nhiên để đến nơi hẹn nhân tình mà trái tim rạo rực của cô thao thức không cưỡng lại nổi… Tướng Kỳ đã đậu trực thăng trên nóc khách sạn, ngồi đợi cô trong phòng ăn đặc biệt khá lâu.

Giữa không gian ấm cúng và lý tưởng có một không hai của đất Sài Gòn, nơi phóng tầm mắt nhìn thấy bốn phía Hòn ngọc Viễn Đông, men rượu vang tái tê đầu lưỡi và tiếng nhạc thính phòng du dương như ru hồn vào cõi mộng mơ, lãng mạn nhất trên đời. Tướng Kỳ đã tỏ tình cầu hôn Tuyết Mai khi lời mật ngọt thấm vào tận trái tim yêu, cô còn ngây ngất tưởng chừng như đang trong cõi mơ không phải đời thực.

Sau này nhớ lại, cô không thể diễn tả được cảm giác rất đặc biệt và thiêng liêng khi ấy. Cảm giác ấm nóng của bàn tay, của làn môi mọng hay cảm giác của lời nói ấm ngọt, nồng nàn, đan xen với ánh mắt rất sâu, rất đa tình của viên tướng cao bồi đã làm cô như lịm người đi vì say đắm, hạnh phúc. 
f
Nguyễn Cao Kỳ và bà Tuyết Mai

Đám cưới của “Tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ và cô chiêu đãi viên Hàng không Air Vietnam tổ chức tại khách sạn Caravelle vào tháng 11/1964 được coi là sự kiện tâm điểm của báo giới và dư luận Sài Gòn khi ấy. Một đám cưới tổ chức lớn nhất, đông đúc khách mời nhất và tốn kém nhất.

Thế là từ ấy, cô tiếp viên hàng không hoa khôi Sài Gòn nhí nhảnh, hồn nhiên yêu đời trở thành “Bà Kỳ”, một bước có kẻ hầu, người hạ. Thế rồi từ ấy, cô giã từ những chuyến bay của Air Vietnam trong vai trò chiêu đãi viên vì mỗi lần bay, tốp cận vệ luôn kè kè bảo vệ, giã từ mọi thứ đam mê thời con gái để học làm một “đệ nhị phu nhân” của Việt Nam Cộng hòa.

Cho đến 11 năm sau vào ngày 28/4/1975, hai mẹ con di tản sang Mỹ, lúc đó Kỳ Duyên mới 6 tuổi. Còn Tướng Kỳ, ngày 29/4/1975, một mình lái trực thăng bay ra hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đậu ngoài khơi đón người di tản, sang Philippines một thời gian… Họ thất lạc nhau.

Khi tìm gặp lại nhau nơi đất khách quê người với nhiều đổi thay, dâu bể của thời cuộc, họ đã chia tay nhau sau 25 năm chung sống với cô con gái chung là Nguyễn Cao Kỳ Duyên.



Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, bà Đặng Tuyết Mai đã hé lộ thông tin: nếu không làm vợ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, có lẽ bà chọn con đường làm ca sĩ. Bà từng hát trên sân khấu giao lưu được mọi người nhận xét: cả nhan sắc và giọng ca đều hơn con gái Kỳ Duyên.

Thời những năm 60 của thế kỷ 20, Sài Gòn đang mùa nở rộ những ngôi sao điện ảnh, ca nhạc, sân khấu như cỏ mọc dưới mưa xuân. Những mỹ nhân “nghiêng nước nghiêng thành” lớp trước, lớp sau đã tạo cho Sài Gòn hoa lệ luôn tỏa sáng lấp lánh.

Những Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh, Mộng Tuyền, Thanh Nga, Kim Loan, Minh Hiếu, Thanh Tuyền, Giao Linh, Khánh Hà, Ngân Hà… xiêm y rỡ ràng, đêm đêm tỏa sáng trên sân khấu đèn màu và màn bạc điện ảnh. Sự hấp dẫn nổi tiếng như một ma lực của nam châm hút hồn những cô gái đẹp đất Sài Gòn. Vì vậy, có thể hiểu tâm hồn rất đa cảm, nghệ sĩ của Tuyết Mai mà không phải đợi đến ngày hôm nay đọc hồi ký Tuyết Mai gởi con gái Kỳ Duyên người đời mới biết. 

Trong hồi ký của mình, Tuyết Mai kể lại vài mẩu chuyện liên quan đến cố nhạc sĩ  tài hoa Trịnh Công Sơn. Bà Đặng Tuyết Mai kể lại, với bà, cảm tình đối với anh Trịnh Công Sơn còn có một tí tình cảm rất là… trái cấm. Trái cấm đây không có nghĩa là có tình cảm gì đặc biệt giữa đàn ông đàn bà. Nhưng thời kỳ đó, anh Trịnh Công Sơn viết những bài hát phản chiến. Anh Kỳ, đã một lần chê trách anh Sơn đã viết những bài nhạc như thế.

Theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh không nghĩ đến phản chiến là gì, mà chỉ là một nghệ sĩ viết lên niềm đau của dân tộc, những điều mắt thấy tai nghe. Anh là người đứng giữa, một chứng nhân trong hai chiến tuyến đang đánh nhau, nên anh sẽ bị trúng đạn của cả hai bên.

Hoàn cảnh ra đời của những bản nhạc của Trịnh đều có những đặc trưng riêng biệt mà sách báo nói đến rất nhiều. Trịnh Công Sơn nhiều lần, thích bắt tay Tuyết Mai khi bàn đến một lời ca nào của anh vừa sáng tác. 

Mà ca từ của Trịnh Công Sơn vô cùng tuyệt vời. Tuyết Mai say sưa kể: trong câu, “Em đi về, cầu mưa ướt áo.” Tuyết Mai đã hỏi Trịnh Công Sơn là “Ai là người cầu mưa ướt áo?”. Có nguồn dư luận nói là “Em đi qua cầu, rồi trời mưa ướt áo”. Cũng có người khác lại nói rằng là “Anh là người cầu mưa ướt áo, vì các em Đồng Khánh mặc áo trắng, mà trời mưa, tất nhiên là có good view”.

Nhưng Tuyết Mai nói suy nghĩ của cô, “người cầu mưa ướt áo” chính là người con gái, nhân vật trong mưa đó. Vì người con gái Huế rất lãng mạn. Bây giờ, người phụ nữ được quyền ăn mặc hở hang để khoe nét đẹp, nhưng ngày xưa, sự nghiêm khắc e dè của người Huế và của đất nước không cho phép người phụ nữ được phô bày.

Thành ra “Em đi về, em cầu cho mưa ướt áo, để em được chính thức khoe vẻ đẹp của mình”. Do vậy mà cô nghĩ chính người con gái cầu cho mưa ướt áo. Khi nói thế, Trịnh Công Sơn vỗ bàn và nhổm người lên bắt tay chị, thích thú vô cùng vì cô đã nhìn ra được trong sâu thẳm của ca từ đầy tâm sự gởi gấm của Trịnh Công Sơn.

Trong bài “Cát bụi tình xa” có câu “vết mực nào xóa bỏ không hay.” Tuyết Mai hỏi tại sao có câu đó? Trịnh Công Sơn nói rằng, ngày xưa những làng ở Huế rất nhỏ, khi trong gia đình có người chết, người nhà phải đi khai tử. Ông xã trưởng già nua mở cuốn sổ hộ tịch ra, ông đeo kiếng và tra tên và chấm mực, xóa tên người chết. Đó là ý tưởng để anh viết câu “vết mực nào xóa bỏ không hay.”

Ngày dài trên đất Mỹ của Đặng Tuyết Mai- Nguyễn Cao Kỳ

Nhắc lại sự kiện di tản ngày 28/4/1975, bà Tuyết Mai kể lại rằng: hai mẹ con ra đi chỉ có 10.000 đô-la, là số tiền dành dụm trước đó, trong những chuyến công du dè sẻn tiền chi tiêu theo tiêu chuẩn Chính phủ cấp lúc đó.

Lúc mới chân ướt, chân ráo đến đất Mỹ, chỉ có mấy người bạn thân ra đón trong tâm trạng thương hại và tội nghiệp khác hẳn với những gì trước đây vài tháng. Họ tốt bụng, có ý định cưu mang giúp đỡ, nhưng nhà họ quá chật chội, làm sao chứa nổi 14 người chúng tôi, nên chúng tôi thuê 3 phòng trong cái hotel rẻ tiền.

Mẹ tôi là người rất tằn tiện mua mỗi ngày 2 ổ sandwich với một ít "ham" gì đó mà ăn cho hết 3 tuần lễ. Chúng tôi chỉ có 10.000 đô-la thôi không nhà không cửa, không một phương tiện gì hết, không có ai giúp đỡ gì hết và sau cùng phải nói dối chỉ có 5 người thôi mới thuê được một căn nhà.
Bà Đặng Tuyết Mai
Bà Đặng Tuyết Mai

Sau đó, bỏ tiền túi ra mua được một cái xe spacer chở khoảng 10 người, và bạn bè người cho cái nệm, cái sofa, cái tủ lạnh cũ. Mà lúc đó các cháu đi học cũng không biết xin tiền grant hay là cái gì hết. Anh Kỳ ở đâu chúng tôi cũng mất liên lạc luôn. Mẹ con chúng tôi cũng nhào vô, tôi cũng đi làm các việc lao động để mà kiếm tiền, các em tôi cũng làm busboy, các con cũng nhào vào làm hết để mà sinh tồn, chẳng có cái gì đặc biệt hết”.

Theo lời tự thuật của ông Nguyễn Cao Kỳ với báo chí trong lần trở về Việt Nam gần đây, ông cho biết về việc rời khỏi Việt Nam ngay trước biến cố lịch sử 30/4/1975 rằng, ông chỉ kịp mang theo vài va-li nhỏ đựng vật dụng cá nhân và phải bỏ lại toàn bộ gia sản của ông, bao gồm một số lớn bất động sản, trang trại, máy móc, xe ủi tại Đà Lạt. Ông kiếm sống bằng cách đi làm thuê trong hơn 10 năm đầu sống trên đất Mỹ.

Cũng theo tự thuật của Nguyễn Cao Kỳ, ông phải chịu nhiều châm biếm và dè bỉu từ người khác khi họ cho rằng ông chỉ làm bộ như vậy để che giấu món tài sản lớn mà ông đã mang theo trên thực tế. Những người cho rằng khi ông thật sự nghèo khó nhất (có tài liệu nói rằng tướng Kỳ phải lái taxi kiếm sống) thì cũng là lúc họ so sánh ông với Nguyễn Văn Thiệu - người được đồn đại là đã mang nhiều của cải khi rời khỏi Việt Nam. Nhưng ông Kỳ tự nhận xét về mình, trong một giai đoạn dài, ông không nhận được thiện cảm của bất cứ ai cả.

Nhớ lại ngày vợ chồng Kỳ - Mai mới cưới nhau, bà Tuyết Mai đã kể : “Thấy cuộc sống vật chất của vợ chồng còn thiếu thốn, Đại tướng Nguyễn Khánh ký tặng anh Kỳ tấm ngân phiếu một triệu đồng. Giữ trong túi ít hôm, anh Kỳ cầm ra lại đút vào nói “Không ngờ đời Nguyễn Cao Kỳ lại có ngày thành triệu phú” rút cục lại đưa tấm ngân phiếu đó cho Đại tá Hà Dương Hoán - sĩ quan tài chánh Bộ Tư lệnh - để sung vào quỹ Xã hội Không Quân

Một đại gia người Hoa ở Chợ Lớn mang 200 triệu đồng tiền mặt vào tận tư dinh trong căn cứ Tân Sơn Nhất để xin anh Kỳ tha mạng Tạ Vinh bị kết án tử hình vì tội tham nhũng, anh Kỳ đã thẳng thừng từ chối. Bà còn nhớ mấy đêm trước khi quyết định, anh Kỳ ngồi ưu phiền như tượng gỗ.

Anh tâm sự, “người lãnh đạo bao giờ cũng cô đơn”, bởi lạnh lùng quyết định sẽ xử chết một người nào, dù người đó có tội, không phải là dễ! Cuối cùng chị đã góp ý kiến là anh nên chuyển qua Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và để Tướng Thiệu quyết định tối hậu cũng là hợp tình hợp lý thôi. Thế là nhẹ được trách nhiệm đè nặng trong tim”.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn, hồng nhan trên cõi đời thường bạc mệnh. Bà Tuyết Mai và Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã li dị nhau sau 25 năm vợ chồng mà đến nay bà chưa một lời nói xấu về người chồng nổi tiếng đào hoa của bà một lời.

Bà Mai bồi hồi nhớ lại: “Những ngày sống ở Mỹ không có người giúp việc, tôi tự làm việc nhà, nấu ăn cho gia đình, lái xe đưa con đi học... Cuộc sống tự lập nhiều vất vả nhưng rất hạnh phúc. Tôi bằng lòng với sự lựa chọn của mình. Khi Kỳ Duyên lớn hơn, cháu có ý định hàn gắn tình cảm của bố mẹ. Thương con và cũng muốn con có một gia đình trọn vẹn nhưng tôi hiểu duyên số giữa tôi và anh Kỳ chỉ đến thế thôi, có níu kéo cũng không được”.

Lần đầu tiên trở về quê hương năm 1998 cùng một nhóm bạn. Lúc máy bay sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Tuyết Mai thấy sống mũi cay cay và nước mắt cứ thế rơi ướt đẫm gò má khi nhận ra một cách đầy đủ nhất, đây chính là quê hương của mình. Niềm tự hào về một quê hương Việt Nam yêu dấu, sau hai mươi mấy năm ở nước ngoài, vẫn nằm trọn một góc trong trái tim bé nhỏ.

Bà Mai tự nhận mình sống một khoảng đời ẩn dật ở Mỹ hơn 30 năm, quãng thời gian đủ dài để khiến hoa khôi Hàng không một thời trở thành bà ngoại của hai đứa cháu. Khi bắt tay làm lại từ đầu ở cái tuổi không còn trẻ nữa, bà ngỡ ngàng với những thách thức. Nhất là bà chưa từng trải qua công việc kinh doanh nào. Vượt qua những khó khăn, bà trở thành chủ quán Phở Ta hạng sang trên đường Lê Qúy Đôn - Quận 3 – TP. HCM ngày nay.
 
Có một động lực vô hình nào đó đã làm cho tinh thần bà Tuyết Mai trở nên hào hứng hơn trong kinh doanh và cuộc sống mới. Bà Mai nói, có lẽ đó là tình người. “Tôi vô cùng cảm động trước sự đón tiếp của mọi người. Họ mở rộng vòng tay chào đón tôi. Nhiều người vào Phở Ta tò mò muốn xem thử tôi giờ ra sao...”, bà Mai thổ lộ. Nhưng còn một lý do khác nữa, bà Tuyết Mai đã tìm được hạnh phúc mới và được sẻ chia vui buồn nồng nàn như ngày xưa thân ái.

Người bạn đời bây giờ của Tuyết Mai là ông Bùi Xuân Hiến. Một người đàn ông đã mang lại cho Tuyết Mai hạnh phúc tràn đầy như bà tâm sự : “Ðến cái tuổi này thì tôi coi như là đã trưởng thành, tôi đã tìm ra chính mình”.

Với con gái rượu, M.C Luật sư Nguyễn Cao Kỳ Duyên, bà tuyết Mai rất tự hào kể chuyện: “Mẹ con chúng tôi bây giờ trở thành như hai người bạn, hai mẹ con rất thân với nhau. Mẹ cũng yêu con và con cũng chiều mẹ.

Ngày xưa mình cấm đoán cổ cái gì thì bây giờ cổ nói: "Ôi giời ơi! có một bà mẹ teenager, mẹ đi đâu nhớ 12 giờ curfew mẹ về nhé". Hoặc là chẳng hạn bây giờ có những chuyện xích mích giữa tôi và anh Hiến thì Kỳ Duyên lên mặt bắt chước giọng mẹ tôi bảo: "Cậu Hiến à, nếu mà cậu không thương em Mai nữa thì cậu viết cho mấy chữ nhé". Ở nhà mẹ con vẫn đùa với nhau như thế”.

Sau vụ ly hôn giữa Kỳ Duyên với Trịnh Hội, người đời có dịp nhìn thấy một mẹ vợ Tuyết Mai “bênh chầm chập con rể” như con ruột vì hơn ai hết, bà đã từng trải qua cuộc chia tay, từng tan vỡ hạnh phúc, từng tận hưởng những ngày tháng đầy hạnh phúc thăng hoa và cay đắng, buồn bã. Có hoa nào mà không tàn… Những người khách lạ tò mò đến quán Phở Ta không phải chỉ để ăn món phở ngon có giá từ 40 ngàn đến 65 ngàn đồng/tô, mà muốn gặp Hoa khôi Tiếp viên Hàng không Đặng Tuyết Mai. Người phụ nữ đẹp nhất trong Phủ Đầu Rồng, nguyên là đệ nhị phu nhân của Cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ ngày xưa.

Nam Yên
 [links()]
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn