Cô gái từng 3 lần lên xe hoa với chồng Đài Loan nhưng vẫn sống cô đơn

( PHUNUTODAY ) - Thông tin sơ sài về một cô gái từng 3 lần lấy chồng Đài Loan và trở về Việt Nam với chứng bệnh tâm thần ở Sóc Trăng khiến chúng tôi cảm thấy hết sức ray rứt. Sau mấy ngày dò la, người viết bài tìm được danh tính và địa chỉ của cô gái có cái tên Nguyễn Thị Thúy Em.


Giấc mơ đổi đời từ “chồng ngoại”

Sóc Trăng là một trong những địa phương có nhiều xóm được gọi là “xóm Đài Loan”, vì có quá nhiều cô gái trẻ đua nhau lấy chồng ngoại.

Thống kê của ngành chức năng, từ năm 1999 đến 2010, tỉnh có trên 7.000 phụ nữ lấy chồng ngoại, trong đó có đến 70% lấy chồng Đài. Trong số này có rất nhiều người gặp trắc trở về tình duyên do bất đồng ngôn ngữ, bị cha mẹ chồng và cả chồng đánh đập nên trốn về Việt Nam trong sự tủi nhục, lỡ làng đời con gái.

Khoảng 3 năm trở về trước, xã Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) bị đặt “chết” tên là “xóm Đài Loan” vì hiện tượng các cô gái tại đây ồ ạt lấy chồng xứ Đài. Chỉ trong mấy năm, vùng quê hiền hòa thưa thớt dân cư này có hơn 220 cô gái đi lấy chồng nước ngoài. Nhờ chính quyền ra sức tuyên truyền, vận động, tình trạng lấy chồng nước ngoài ở vùng quê này gần như không còn.

Tuy nhiên, hệ lụy phát sinh khi các cô dâu Việt bị bạo hành nơi xứ người phải quay về Việt Nam. Trong hơn 20 cô gái quay về Đại Ngãi – trường hợp cô gái Nguyễn Thị Thúy Em là đáng thương hơn cả: Trải qua 3 lần lấy chồng Đài Loan, cô trở về quê và mắc bệnh tâm thần. Chúng tôi đã tìm về căn nhà cấp 4 mái tôn vách hỗ của Thúy Em trong một con đường làng nhỏ xíu ở ấp Ngãi Hội, xã Đại Ngãi.

Chị Nguyễn Thị Tím Em – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đại Ngãi cho biết, Thúy em bây giờ so với ngày mới về đã tỉnh táo hơn rất nhiều. Cô nhận biết được sự vật và đã có thể phụ giúp gia đình những công việc đơn giản.

Trong căn nhà đơn sơ, bà Nguyễn Thị Chịch, mẹ ruột của Thúy Em ngồi một chỗ trên giường. Bà Chịch đã 68 tuổi, bị tai biến lại mang trong mình nỗi buồn vì bi kịch của cô con gái nên đã yếu càng thêm yếu. Dù vậy, thấy có khách lạ đi cùng vị trưởng ấp tên Hồng, bà Chịch cũng cố ngồi dậy trò chuyện với khách.
Theo lời kể của bà Chịch, từ ngày con gái bà trở về Việt Nam thì các cán bộ ở ấp, xã liên tục tới nhà động viên giúp đỡ về mặt vật chất lẫn tinh thần giúp con gái bà chữa bệnh. Anh Hồng trưởng ấp Ngãi Hội cứ cách vài ngày lại ghé thăm một lần để theo dõi tình bệnh tình của Thúy Em.

Ở địa phương, anh Hồng vừa là trưởng ấp vừa là thành viên của mô hình “Can thiệp giảm thiểu tiêu cực phụ nữ kết hôn với người nước ngoài” nên Thúy Em là người nằm trong sách mà các cán bộ phải ưu tiên hàng đầu. Tuy thể trạng khá yếu nhưng bà Chịch vẫn rất minh mẫn.

Thấy cô con gái thập thò phía sau tấm màn cửa, bà đưa tay ngoắc con: “Ra tiếp khách đi Thúy Em, có chú Hồng với anh nhà báo ở tỉnh ghé thăm nè”. Lúc này, Thúy Em mới bước ra ngoài. Qua câu chuyện, Thúy Em đã tỉnh táo và khỏe hơn rất nhiều so với thời gian mới quay về Việt Nam. Cô gái trẻ đi tìm các cuốn album ảnh cưới và hồn nhiên kể về những lần kết hôn đầy nước mắt của đời mình.

Lần giở cuốn album có bìa màu đỏ, Thúy Em kể về lần kết hôn đầu tiên. Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 2001, khi Thúy Em vừa tròn 18 tuổi. Thời điểm này, Thúy Em là một cô gái mới lớn dáng cao dong dỏng, làn da trắng hồng và nụ cười rất tươi, được xem là hoa khôi của xóm. Thanh niên trong làng ai cũng nghèo, khi thấy họ để ý mình trái tim cô gái mới lớn cũng có những rung động đầu đời nhưng cô không dám yêu ai.
1
 

Theo Thúy Em, cha cô chết sớm trong khi mẹ cô phải làm quần quật để nuôi các con nhưng gia cảnh cũng rất khó khăn. Thúy Em tâm niệm phải làm việc gì đó kiếm được nhiều tiền để báo hiếu cho mẹ.

Trong xóm Thúy Em, một số cô gái trẻ nhờ dịch vụ mai mối bắt đầu đi lấy chồng Đài Loan. Một số người còn gửi tiền về giúp gia đình xây dựng lại nhà cửa khang trang nên trong đầu Thúy Em suy nghĩ sẽ kiếm một người chồng giàu có.

Cô quyết sẽ hy sinh hạnh phúc của mình để mẹ già ở quê nhà sung sướng hạnh phúc. “Dịp mai” đã đến khi vùng quê nghèo bỗng xôn xao khi xuất hiện những phụ nữ phốp pháp ăn mặc sang trọng vòng vàng đeo đầy người tìm về để tuyển vợ cho những người đàn ông Đài Loan. Một “bà mai” phát hiện ra Thúy Em và nhanh chóng giao kết “hợp đồng” với cô.

Theo lời hứa hẹn của “bà mai”, Thúy Em và nhiều phụ nữ khác sẽ được đưa lên “trung tâm môi giới” ở thành phố Hồ Chí Minh để “chồng ngoại” xem mắt. Các cô sẽ không phải tốn bất kỳ khoản chi phí nào, bù lại khoản tiền do các ông chồng chi trả phía môi giới sẽ hưởng trọn.

Theo lý giải của bà này, chồng nước ngoài rất giàu, chỉ cần sang được Đài Loan là các cô gái đổi đời nên khoản ít ỏi này bà sẽ hưởng trọn. Sau khi lên danh sách các cô gái đủ một chuyến xe, “bà Mai” bao xe chở các cô gái lên thẳng thành phố Hồ Chí Minh rồi đưa thẳng vào một khách sạn ở quận 11. Sau khi được ăn uống nghỉ ngơi khoảng 2 ngày, “bà mai” bắt đầu thực hiện “công nghệ” “tút” lại nhan sắc cho từng cô.

Bà yêu cầu công đoạn này không được làm hiện đại quá mà phải “giữ lại những nét chân quê cho chồng ngoại nó nhìn nó thích”.

Sau vài nhát kéo rất đơn giản của người thợ làm tóc chuyên nghiệp, Thúy Em thử soi gương và mỉm cười khi phát hiện mình đẹp hơn hẳn. Đến ngày thứ 3, “bà mai” đưa các cô gái đi siêu thị mua sắm một số vật dụng cá nhân và quần áo đẹp. Mặc vào người cái quần bò và chiếc áo thun, Thúy Em hết sức ngạc nhiên khi phát hiện ra bề ngoài của mình không thua gì các cô gái sinh ra ở thành thị.

Thôn nữ tuổi 18 ba lần lấy chồng

Ngày thứ 4, việc thi tuyển được bắt đầu. Một người đàn ông tên là A Nhựt ở Đài Bắc trạc 40 tuổi chọn ngay Thúy Em ở lần ra mắt lần đầu tiên mà không muốn phải chọn thêm ở lượt thứ 2. Ngày “thi tuyển” được coi là ngày “coi mắt”, chú rể chung tiền cho “bà Mai” và đám cưới được ấn định chỉ 3 ngày sau đó tại công viên Đầm Sen. Đám cưới này “bà mai” nhận 4000USD nhưng chỉ tiết kiệm ở mức 2 bàn tiệc cho chú rể và gia đình cô dâu và 1 album ảnh cưới.

Bà còn tỏ ra hào phóng khi chi cho Thúy Em 1,5 triệu đồng để cô thuê xe cho người thân dưới quê lên dự lễ cưới. Sau lễ cưới, chú rể cùng cô dâu thuê một căn hộ chung cư để hưởng tuần trăng mật. Hàng ngày Thúy Em học tiếng Hoa, còn anh chồng thì đi đâu không rõ nhưng cứ buổi tối là có mặt đều đặn ở nhà.

d
 

Người chồng của Thúy Em hứa hẹn khi nào cô thông thạo tiếng Hoa sẽ làm thủ tục bảo lãnh. Thế nhưng, cuộc hôn nhân này kéo dài khoảng 2 tháng thì chú rể… biến mất. Thúy Em như người từ cung trăng té xuống mặt đất khi những lời hứa đưa cô sang Đài Loan định cư của người chồng tan thành mây khói.

Thúy Em lật tiếp những hình ảnh trong cuốn album màu tím: Đám cưới lần 2 với người chồng Đài Loan. Sau khi chia tay với A Nhựt, thấy Thúy Em như người mất hồn, “bà mai” lại xuất hiện và an ủi, bảo sẽ lo cho cô một tấm chồng khác đàng hoàng và giàu có hơn người chồng bội bạc trước kia.

Do đám cưới với A Nhựt chưa làm hôn thú nên Thúy Em không phải ra toà làm các thủ tục ly hôn phiền phức. Sau khi A Nhựt bỏ đi chừng 2 tháng, “bà mai” lại lấy 4000USD của một người đàn ông tên là A Lu, 36 tuổi – cũng ngụ tại Đài Bắc để môi giới cho người này kết hôn cùng Thúy Em.

 Sau lần “coi mắt” diễn ra tại một khách sạn, 3 ngày sau thì Thúy Em lại được “bà mai’ tổ chức lễ cưới ở công viên Đầm Sen. Như lần trước, “bà mai” cũng chỉ chi 1,5 triệu đồng cho gia đình Thúy Em. Trừ hết các chi phí, bà này vẫn còn bỏ túi gần 50 triệu đồng. Thế nhưng, ông trời lại trêu ngươi khi cảnh cũ tái diễn: Sau 2 tháng gối chăn mặn nồng hương lửa, ông chồng A Lu lại xách gói ra đi mà không một lời từ biệt!

Dù đã qua “2 lần đò” nhưng ở lứa tuổi 18 tràn đầy sắc xuân, Thúy Em vẫn có thể làm lại cuộc đời ở quê nhà. Thế nhưng, “bà mai” lại xuất hiện và hứa hẹn sẽ tìm cho Thúy Em người đàn ông tốt nhất.

“Bà ta nói quá tam ba bận, không có gì phải lo” – Thúy Em vừa nói vừa lật cuốn album ảnh màu xanh nước biển. Đây là cuốn ảnh cưới lần 3 mà “bà mai” đã tổ chức vào đầu năm 2002 – chỉ vài tháng sau khi Thúy Em chia tay với A Lu. Lần này, để đảm bảo lời hứa của mình là thật, “bà mai” hứa sẽ làm đăng ký kết hôn trước khi tổ chức lễ cưới. Lần này, đám cưới lại diễn ra ở Đầm Sen và “bà mai” bỏ túi 4000USD mà chú rể chi ra.

Sau đám cưới, người chồng ở Đài Trung tên A Nhân làm thủ tục bảo lãnh cho cô sang Đài Loan. Sau một thời gian sống cùng chồng, Thúy Em mang thai. Ban đầu những người trong gia đình ra sức cưng chìu vì Thúy Em đang mang trong mình giọt máu của họ.

Đến khi Thúy Em sinh con, mọi bất hạnh bắt đầu đổ dồn xuống vai cô. Những người trong nhà Thúy Em không cho cô chơi đùa với con mà muốn tách riêng ra. Những bà chị trong nhà thường chửi mắng làm cô bị ức chế nặng nề.

Thúy Em cũng không hiểu bằng cách nào mà chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh con, cô phát bệnh tâm thần và gia đình chồng buộc cô phải quay về Việt Nam.
ư
 

“Bây giờ em đã tương đối tỉnh táo rồi. Theo trí nhớ của em, một bà chị chồng đã mua vé và đưa em ra sân bay để đẩy về Việt Nam. Em bảo không thể xa con thì họ nói họ không đủ chi phí để nuôi một người bệnh tâm thần. Nếu em cố ở lại họ sẽ đánh và bỏ đói”, Thúy Em bùi ngùi kể lại.

 Theo lời kể của Thúy Em, từ ngày cô trở về Việt Nam từ năm 2008 đến nay, người chồng chưa một lần quay về Việt Nam tìm vợ. Tuy nhiên, anh ta cũng nhân đạo khi thỉnh thoảng vẫn gửi hình đứa con chung kháu khỉnh của họ về Việt Nam cho Thúy Em.

 “Khi tỉnh trí, em thường rất buồn vì nhớ thương con. Nếu mình tâm thần luôn thì có lẽ cuộc đời sẽ hết buồn, nhưng như vậy thì tội nghiệp cho mẹ của em lắm”, Thúy Em bùi ngùi tâm sự.

Phương Dung
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn