Hé mở về vợ yêu của nhạc sĩ Lê Minh Sơn

( PHUNUTODAY ) - Có người từng hỏi anh, khi viết nhạc có nghĩ đến tiền không? Anh bảo, nếu nghĩ đến tiền thì dù là 500 đồng thôi cũng không còn cảm xúc mà sáng tác...

Tác giả “Bên bờ ao nhà mình” là một người đàn ông bình dị đầy cá tính - không chỉ trong phong cách sáng tác, mà còn trong cả cách sống, cách nghĩ và cách anh “chạy trốn” báo giới để giữ cho mình một cuộc sống yên ả trong giới showbiz xô bồ.
[links()]
Có người từng hỏi anh, khi viết nhạc có nghĩ đến tiền không? Anh bảo, nếu nghĩ đến tiền thì dù là 500 đồng thôi cũng không còn cảm xúc mà sáng tác...

“Mắm tôm... hàng hiệu”

Từng gây sốc với nhiều phát ngôn táo bạo nhưng không thể phủ nhận những phần chân thật trong những phát ngôn ấy của Lê Minh Sơn. Anh bảo: “Âm nhạc và bản chất của Lê Minh Sơn giống như mắm tôm, ai ăn được thì mê tít”.

Làm việc điên cuồng, phong cách nhạc tưng tửng đầy đam mê, Lê Minh Sơn khiến thiên hạ không thể không chú ý đến anh – kể cả những người ghét nhạc của anh, ghét cái “ngông” của Lê Minh Sơn “như nhà nông ghét cỏ”.

Là con trai nhạc sĩ Lê Minh Châu, Lê Minh Sơn được sống trong môi trường âm nhạc từ nhỏ.

 Nhạc sĩ Lê Minh Châu cũng là người đầu tiên nhận ra năng khiếu âm nhạc thực sự của cậu con trai Minh Sơn và ông là người thầy đầu tiên dạy anh những nốt nhạc "vỡ lòng" khi anh mới lên 3 tuổi.  

Lúc lên 5 tuổi, cậu bé Sơn đã biết chơi đàn guitar và bắt đầu chính thức trở thành học viên của Nhạc viện Hà Nội khi mới lên 8. Ba năm sau đó, học viên Lê Minh Sơn đã bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tay.

Năm 1999, Lê Minh Sơn tốt nghiệp hạng xuất sắc tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) và đi tu nghiệp tại Pháp.

Sau khi trở về Việt Nam, làm giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, anh bắt đầu nổi lên với những sáng tác thuộc dòng nhạc dân gian gần gũi mà đầy sáng tạo, hiện đại mà đầy ắp những nỗi niềm hoài cổ của mình.

Các tác phẩm của anh luôn mang âm hưởng của ruộng, vườn, ao, chuôm, của cánh cò trên đồng lúa... qua phong cách đậm chất hiện đại. Vậy nên, khi nghe những ca từ trong sáng tác của Lê Minh Sơn, người nghe những âm hưởng hương đồng gió nội của anh còn "sang" hơn cả chất phố, dễ cảm mà khó nhàm.

Trong bất kỳ lao động nào, sự cẩu thả thật khó chấp nhận, đặc biệt là trong sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, trong công việc, nguyên tắc làm việc của nhạc sĩ “Ôi, quê tôi” là không cho phép mình dễ dãi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn


Anh chia sẻ: "Tôi nhớ năm 19 tuổi khi viết ca khúc đầu tay, nhạc sĩ Dương Thụ có nói với tôi rằng trước khi đặt bút, phải biết mình viết cho đối tượng nào. Đó vẫn là bài học theo tôi đến tận giờ".

Điều đó đòi hỏi người nhạc sĩ phải thực sự hiểu ca sĩ thể hiện, biết được họ cao nhất là nốt gì, thấp nhất là nốt gì và đẹp nhất là nốt gì... Tự tạo cho mình một cách làm chuyên nghiệp, chứ không phải sáng tác dựa vào ngẫu hứng”.

Anh quan niệm, thiên chức của mỗi người nhạc sĩ là sáng tác, ngay bản thân từ sáng tác đã nói lên tất cả, viết để tìm ra phong cách của mình đã khó, không lặp lại mình còn khó hơn nhiều.

Để có những tác phẩm mang những thông điệp xuất phát từ chính con tim người nghệ sĩ, Lê Minh Sơn đã dấn thân vào những trải nghiệm theo cách riêng của mình.

Lê Minh Sơn kể lại, trước khi cho ra đời CD "Giếng Làng", anh đã dành một tháng ròng đi dọc miền Trung, đã cùng ăn, cùng ở và cùng vật lộn với thiên tai. "Có chứng kiến cảnh người dân ngập lụt trong nước, những mái nhà rách nát, những con đường bị "chém" ngang dọc mới cảm hết nỗi khổ của họ.

Sau chuyến đi, anh đã cho ra đời ca khúc “Sau bão” với tất cả sự đồng cảm, chia sẻ của bản thân.

 Với ý tưởng “Một khúc sông Hồng” được thai nghén trong suốt 3 năm, Lê Minh Sơn đã bỏ thời gian ngồi bên bờ sông Hồng từ 6h sáng đến 6h tối chỉ để nhìn ngắm những mảng bèo trôi, trôi mãi... và cảm xúc sáng tác bất chợt dội về.

Anh bảo: “Đành rằng tôi không được học một chữ về sáng tác, nhưng đấy lại là đam mê máu thịt của tôi. Hơn nữa, nhạc tôi viết không phải là tình hờ mà là những điều rất mộc mạc, giản dị, gần gũi, "rất con người Việt Nam" nên dù có lắp lời Anh, lời Tàu thì vẫn ra nhạc Việt Nam. Bởi vậy, sẽ rất "oan" nếu không được nhiều người Việt Nam đón nhận”.

Năm nào Sơn cũng làm live show – dù nhạc của anh, không phải ai cũng cảm được. Để có tấm vé vào nghe nhạc của anh, người nghe nhạc phải móc hầu bao với cái giá không hề mềm.

Nhiều người nói Lê Minh Sơn chơi ngông, nhưng dường như anh chẳng hề quan tâm đến chuyện tầm phào của thiên hạ. Đến liveshow của Lê Minh Sơn là để được nghe nhạc một cách thực sự.

Nhạc của anh giống như “hàng hiệu” - để mỗi lần cho ra đời một tác phẩm, tác giả của nó cũng phải có những trải nghiệm lớn lao mới có thể chắt lọc được từng ấy tinh tuý – không hề dễ dàng và vì thế cũng không thể mang bán rẻ.

Anh chia sẻ: “Tôi đánh guitar ở quán bar từ năm 16 tuổi, mua một mảnh đất bằng tiền đánh đàn đó, đi ô tô cũng bằng tiền đánh đàn... Đừng tưởng đi học nước ngoài là văn minh, nếu không có cái nền văn hóa... Và hơn hết, hãy thấm đủ chất Việt đã, trước khi muốn đi tới bất kỳ đâu”.

Là người “bán hàng” đắt xắt ra miếng nhưng quan điểm về tiền bạc của tác giả “Chuồn chuồn ớt” rất rõ ràng. Đã viết nhạc thì không thể không đem bán, vì không bán được thì sống bằng gì? Sơn là một mẫu hình “khách thơ” thực tế trong chuyện “giá áo túi cơm”.

Có thể mục đích viết nhạc của Lê Minh Sơn, ngoài lòng đam mê lớn lao dành cho nghệ thuật, đó còn là kế  mưu sinh. Nhưng động lực để anh viết nhạc thì lại hoàn toàn không phải vì tiền.

Anh bảo: “Nếu nghĩ đến tiền, dù chỉ là đồng 500 thôi thì tôi không thể có cảm xúc, chứ đừng nói là ôm đàn sáng tác. Bây giờ mọi thứ đều quy ra đồng tiền.

 Nhưng tôi có thể tự tin nói rằng: Trong âm nhạc, tôi là người rất trong sáng. Nếu nghĩ đến tiền thì tôi đi buôn đất rồi, ông cha tổ tiên để lại cho tôi hàng trăm mét đất. Nói chung, tôi không cần một cuộc sống vương giả. Vợ con đủ ăn, đủ mặc là hạnh phúc lắm rồi.

Người chồng, người cha ưu tú

Âm nhạc không chỉ mang đến cho Lê Minh Sơn một đời sống tinh thần vương giả, mà có lẽ còn phần nào là sợi chỉ hồng se duyên cho anh với một người phụ nữ - mà đến nay vẫn gần như là điều bí ẩn với công chúng.

Người ta chỉ biết người phụ nữ hạnh phúc ấy tên là Tâm và hiện đang làm việc trong lĩnh vực thời trang, là mẹ của cu Nồi – cậu con trai cưng mà Lê Minh Sơn đã từng lấy làm cảm hứng để cho ra đời hàng loạt tác phẩm.

Chị cũng là người phụ nữ gắn bó với nhạc phẩm đình đám của Lê Minh Sơn: “Đến bên anh dịu dàng”.

Những năm 90 của thế kỷ 20, đó là thời kỳ khủng hoảng của guitar và lúc đó, Minh Sơn đang học trung cấp Nhạc viện. Guitar bế tắc khiến anh cũng bế tắc và đã từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

Đúng vào lúc anh định chuyển hướng sang học xây dựng thì người con gái tên Tâm xinh đẹp bỗng dưng xuất hiện trong đời anh, dịu dàng đến bên anh mà nói rằng: “Anh hãy yêu em đi, việc gì phải nghĩ nhiều nữa...”.

Lê Minh Sơn: Nếu nghĩ đến tiền thì không còn cảm xúc mà sáng tác
Lê Minh Sơn: Nếu nghĩ đến tiền thì không còn cảm xúc mà sáng tác


Thế rồi, chị trở thành cảm hứng mãnh liệt để Lê Minh Sơn cho ra đời ca khúc mang tựa đề đầy giản dị ấy, và trở thành vợ của anh và là mẹ của con trai anh.

Khi con trai anh chị lên 3 tuổi – anh quyết định đảm nhiệm vai “gà trống nuôi con” để chị yên tâm sang Pháp học.

 Chứng kiến Lê Minh Sơn cặm cụi “gà trống nuôi con” để vợ yên tâm đi học – nhiều người thường đùa rằng, nếu có danh hiệu “người cha ưu tú” hay “người bố nhân dân” thì chắc chắn Lê Minh Sơn nên được trao tặng.

Có lẽ, đánh giá đó quả không ngoa khi nhìn tác giả “À í a” lúc nào cũng đầy sung sức, làm việc điên cuồng và rất hào hứng khi nói về công việc, về vợ con và... tình yêu.

Động viên vợ đi du học đúng vào lúc con trai ở vào độ tuổi cần mẹ nhất – Lê Minh Sơn vừa gồng lên làm việc, vừa làm tốt vai trò người mẹ thứ hai của con. Cu Nồi nhớ mẹ, gặp ai cũng gọi là mẹ, gọi cả bố là mẹ luôn.

Thương con, nhớ vợ - đó cũng lại trở thành nguồn cảm hứng để anh sáng tác “Ru mẹ”, “Ru cha”, rồi “Gà trống nuôi con”... – đầy da diết và thương cảm. Nhưng rồi, 2 năm cũng qua nhanh và tự Sơn cũng thấy là “mọi việc đều ổn”.

 Chuyến du học của bà xã dường như mang đến cho Lê Minh Sơn nhiều thứ - và quan trọng nhất trong số đó là sự trải nghiệm. Người nghệ sĩ đích thực luôn cảm thấy hạnh phúc với những trải nghiệm, dù đó là những trải nghiệm không hề dễ dàng.

Không chỉ đam mê phụ nữ đẹp và luôn lấy đó là cảm hứng sáng tác, Lê Minh Sơn là người đam mê thể thao.

Anh chia sẻ: “Với tôi, thể thao là công việc quan trọng nhất trong một ngày, thậm chí quan trọng hơn cả âm nhạc. Bởi vì không phải ngày nào mình cũng tập đàn. Làm nghệ thuật tinh thần quan trọng.

Tinh thần của một ngày luyện tập khác với ngày không luyện tập, nó cho mình sung mãn trong cuộc sống, người lúc nào cũng cuồng nhiệt lắm nên cảm nhận cuộc sống rất tốt. Và tôi không tin người nào ốm yếu, thở chẳng ra hơi nói: "Sơn ơi! Tao đi sáng tác đây".

Hiếm nghệ sĩ nào đều đặn làm liveshow hằng năm như Lê Minh Sơn mà lần nào cũng “cháy vé”.

Đó cũng là một cách sống: Sống gấp, đầy đam mê, cuồng nhiệt. Rất nghệ sĩ mà lại thực tế. Lao động nghệ thuật nghiêm túc của Lê Minh Sơn mang đến cho công chúng những tác phẩm mà với nhiều người, nghe lần đầu thật khó “cảm” được ngay – nhưng đã thích thì nghe mãi không thấy chán.

Có thể nói, âm nhạc của Lê Minh Sơn không hề có tuổi – vài chục, thậm chí vài trăm năm sau, vẫn là những âm hưởng không hề mai một.
 

  • Liên Châu
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn