Bà nội rất yêu cháu, thường hay dẫn cháu tới quán mì bò ăn sáng. Mỗi lần tới quán ăn, bà đều gọi hai bát mì bò. Hơn nữa, trước lúc ăn bà đều dùng đũa gắp hết phần thịt bò trong bát mì của mình sang cho đứa cháu trai yêu quý. Sau đó hai bà cháu mới bắt đầu ăn. Cậu bé mỗi lần ăn đều được ăn hết phần thịt bò của bà nên rất vui vẻ. Bà nội nhìn thấy cháu ăn ngon cũng nở nụ cười và thấy ấm áp trong lòng.
Quán mì đều là do ông chủ nấu, lại không có nhiều người phục vụ nên thường là khách sẽ tự tới quầy bê bát về bàn ăn.
Một hôm, vẫn như thường ngày, bà nội lại dẫn cháu trai tới quán ăn mì bò. Trước lúc bà bê hai bát mì về bàn ăn thì thuận tiện gắp luôn phần thịt bò ở bát của mình sang cho cháu. Ông chủ nhìn thấy cảnh tượng như vậy cũng định nói gì đó nhưng lại chỉ lắc đầu ái ngại rồi thôi.
Không ngờ, khi bà nội bê hai bát mì về bàn, vừa đặt xuống thì đứa cháu trai ngó sang bát của bà nội rồi nhíu mày nói: “Bà nội! Hôm nay bà không gắp thịt bò của bà sang cho cháu à?”
Bà nội nói: “Có mà, trước khi bê bát về bàn là bà đã gắp phần thịt bò từ bát của bà sang cho cháu rồi.”
Cậu bé một mực không tin và bắt đầu gào thét: “Bà gạt cháu! Nhất định là bà đã đem thịt bò giấu đi rồi!” Cậu bé vừa kêu gào vừa dùng đũa bới bát mì của bà nội để tìm thịt bò.
Bà nội vừa ái ngại vừa nói: “Bảo bối của bà! Sao cháu không nghe lời bà à!”
Cậu bé lại vừa giãy giụa vừa nói: “Nhất định là bà đã ăn vụng rồi, đấy là thịt bò của cháu mà, sao bà lại ăn của cháu. Cháu không ăn nữa! Không ăn nữa…!” Cậu bé làm náo động cả quán mì, mọi người xung quanh đều nhìn bà với ánh mắt ái ngại.
Bà nội ngượng ngùng nói: “Cháu ăn đi, không ăn sẽ đói bụng đấy! Hay bà mua cho cháu một bát nữa nhé?”
Bà nội đang định mở miệng nói, thì ông chủ quán lạnh lùng nói: “Xin lỗi, tôi không bán cho hai người nữa!”
Bà nội bất đắc dĩ đành ngồi xuống bên cạnh cháu trai và nói: “Bà thực sự không ăn vụng đâu, thịt bò của bà đều đã gắp cho cháu cả rồi!”
Cậu bé lúc này càng làm ầm thêm, vung tay ra và gân cổ nhìn bà. Sau đó cậu đổ cả hai bát mì xuống sàn nhà, đùng đùng bỏ chạy ra khỏi quán. Bà nội trả tiền cho chủ quán và không ngớt nói lời xin lỗi rồi dùng hết sức lực đuổi theo đứa cháu trai.
Mọi người xung quanh nhìn hai bà cháu với ánh mắt vừa thương hại vừa khiển trách.
Chúng ta quá yêu trẻ, quá quan tâm và chiều chuộng trẻ, lâu ngày trẻ sẽ dưỡng thành thói quen và cảm thấy đó là việc đương nhiên. Trẻ sẽ luôn hy vọng người khác không ngừng cho, không ngừng cho và đến lúc chúng sẽ nghĩ rằng việc người lớn cho mình là bổn phận của họ. Cho nên, trong nhà hay bên ngoài bất kể là ăn thứ gì, tốt nhất là hãy để cho trẻ và người lớn đều có phần công bằng như nhau, thậm chí còn nên khuyến khích trẻ tự động lấy đồ ăn của mình cho người lớn thưởng thức trước.
Suy ngẫm
Không ít gia đình rất thương yêu con, trong nhà có gì ngon sẽ dành cho con đầu tiên, cháu thích ăn gì thì đều sẵn sàng nhịn để cho bé ăn. Trông thì là yêu con nhưng thực ra là hại con. Tại sao lại vậy?
Đứa trẻ thường xuyên được nuông chiều quá mức sẽ nghĩ rằng tất cả những gì người lớn làm là chuyện đương nhiên.
Chúng không biết nghĩ cho người khác, cũng không hiểu được nỗi khó khăn và sự hy sinh của bố mẹ , ông bà.
Trẻ coi mình là trung tâm, tính cách ích kỷ, ngang ngược, không biết khoan dung, càng không chịu nổi ấm ức.
Thậm chí các bé đó không hiểu lễ phép, không coi người lớn ra gì, nói năng hỗn xược.
Đây hoàn toàn là lỗi của con trẻ sao? Đừng chỉ kêu than tại sao con nhà người ta lại hiểu chuyện như thế mà con nhà mình lại ngang ngược vậy.
Trẻ từ không hiểu, không biết đến trở nên ngang ngược không phải chỉ sau một ngày.
Khi bé quen đòi hỏi, chúng sẽ quên mất cảm ơn, luôn muốn người khác không ngừng đáp ứng, cũng không nghĩ đến sẽ làm việc gì đó cho bố mẹ, ông bà.
Thế nên, yêu con thì dạy bé biết chia sẻ, yêu con thì dạy trẻ biết cảm ơn.
Tác giả: