Vui quá dễ lỡ lời
Chúng ta thường nghe câu “Rượu ngon uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Nói nhiều không chỉ gây cảm giác nhàm chán, khó chịu cho người khác, còn khó tránh khỏi đắc tội với họ vì lỡ lời. Đặc biệt là khi cao hứng lại càng nên kiềm chế bản thân.
Bởi muốn chia sẻ niềm vui nên mới mong lan truyền rộng điều đó. Nhưng cần chú ý rằng, tâm có thể phấn chấn nhưng lời vẫn phải giữ gìn sự trầm tĩnh, bình ổn.
Phẫn nộ dễ thất lễ
Phẫn nộ bắt đầu từ tâm, nếu không kiềm chế thì ngay sau đó con người rất dễ nói những lời gay gắt cho hả giận hay động chân động tay với người khác. Điều này sẽ khiến người ấy quên cả lễ nghĩa trên dưới, trước sau. Cho nên cách tốt nhất là giải quyết tận gốc: Hãy khống chế ngọn lửa giận dữ.
“Giận quá mất khôn”, con người cần có tôn ti, trật tự mới có thể chung sống hòa thuận với nhau. Tôn ti, trật tự ấy gọi là Lễ. Ngày nay chúng ta ít nhiều có thể nghe thấy những câu chuyện người dưới vì giận dữ mà tự cho mình cái quyền thất lễ với bậc bề trên.
Thất kinh dễ mất tâm thái
Người bình thường có thể giữ được mặt không biến sắc dẫu núi Thái Sơn lở ngay trên đầu là điều rất khó. Như khi Tào Tháo và Lưu Bị đàm luận chuyện phân chia thiên hạ, anh hùng Lưu Bị cũng thất kinh mà đánh rơi một chiếc đũa. Bậc đại đức như Lưu Bị còn như vậy, huống hồ là người bình thường chúng ta.
Những khi quá đỗi kinh sợ chúng ta không còn giữ được tâm thái bình thản và trí huệ sáng suốt. Trong lòng nhiều lo lắng thì tâm thường sợ hãi. Nếu có thể học cách sống thuận theo tự nhiên coi nhẹ chuyện Danh, Lợi, Được – Mất trên thế gian thì lo âu chẳng còn. Dẫu xảy ra những chuyện kinh thiên động địa vẫn có thể đối diện một cách thản nhiên.
Tham vọng quá lớn dễ mất mạng
Câu “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn” có nghĩa là một số người tham vọng vô độ thì sẽ “mất mạng”. Phúc báo đều nhờ tu dưỡng tâm tính mà có, chứ không phải giành giật mà nên. Chỉ cần âm thầm nỗ lực không ngừng sẽ có ngày bạn nhận được phúc báo mà chính mình cũng không thể ngờ tới.
Khoác lác dễ thất tín
Con người luôn có khát vọng mãnh liệt về việc thể hiện bản sự của mình. Nếu được người khác đánh giá là người ưu tú thì sẽ vô cùng hãnh diện và mãn nguyện.
Nhưng những người bất tài, không có thực lực vì tài khoác lác mà có thể leo cao lại không thể làm tròn chức trách của mình. Nhẹ thì sẽ gây thất tín với người, nặng thì mang lại họa nạn cho dân, cho nước.
Rượu quá chén dễ mất đức
Rượu nhâm nhi có thể khiến tâm tình hứng khởi, người gần người hơn, tâm hồn gắn kết hơn. Nhưng quá chén đến mức say mềm vừa dễ tổn hại tới thân thể lại mất đức. Bởi lẽ “rượu vào thì lời ra”. Ban đầu chỉ là những lời tâm tình, trêu đùa tếu táo cho vui, nhưng “Nói dai, nói dài, lại thành nói dại”. Khi quá chén đầu óc thường không thanh tỉnh, khí thế bừng bừng, coi trời bằng vung. Những lúc như vậy khó tránh khỏi những lời càn quấy.
Lời nói ra như mũi tên đã phóng, chẳng thể thu lại. Quá chén cũng thường có những hành vi vượt quá chuẩn mực. Nó có thể khiến lòng người tổn thương và tình cảm phai nhạt, thậm chí rạn nứt. Mà người yêu sinh nên phúc, người ghét sinh ra họa. Khi làm tổn hại đến người khác thì người ấy sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Dẫu muốn hay không thì họ cũng sẽ bị tiêu giảm phúc khí.
Lo nghĩ nhiều dễ mất đi tình yêu
Với không ít người, tình yêu đến thật nhanh và đi cũng thật nhanh. Đôi khi bạn không hiểu mình đã làm gì khiến người ấy cất bước rời đi. Lo nghĩ nhiều cũng là một trong các nguyên nhân ấy.
Hai người có duyên mới yêu nhau, có phận mới thành vợ thành chồng. Điều đó trên bề mặt có vẻ là kết quả của ý muốn hay sự lựa chọn của chúng ta. Kỳ thực không phải vậy.
Con người trải qua muôn vàn kiếp luân hồi, ân ân oán oán của đời trước đã kết bao nhiêu mối chúng ta không còn nhớ nữa. Nhưng sợi nhân duyên đó sẽ xuyên suốt và theo chúng ta mãi tới tận kiếp này.
Vậy nên vạn sự cứ để tùy duyên. Bạn lo trước tính sau, suy nghĩ quá phức tạp chỉ khiến tình cảm đôi bên nhạt nhòa, sớm ngày cách xa. Đã có duyên gặp mặt thì cứ đối xử với nhau bằng trái tim chân thành. Đừng e ngại khi phải cho đi, cũng đừng mong cầu người ấy sẽ đền đáp lại tình cảm của bạn như bạn mong muốn.
Quá sợ hãi dễ thất tiết
Phàm là con người ai nấy đều lo lắng, sợ hãi Danh, Lợi, Tình của bản thân sẽ bị tổn hại. Nên khi đứng trước những cám dỗ hoặc sự đe dọa họ có thể sinh ra khiếp sợ mà khom lưng, cúi đầu khuất phục trước cường quyền và lợi ích vật chất.
Những người có chuẩn mực đạo đức và cảnh giới tinh thần cao thường biết cách coi nhẹ những điều này. Họ hiểu rõ rằng “Dù cho giàu có tới đâu, cũng như nước chảy qua cầu tràn đi”. Tiền tài, hư vinh và ái tình chỉ gói gọn trong một đời mà thôi.
Vui quá dễ mất cảnh giác
Khi đang cao hứng con người rất dễ cảm thấy mọi chuyện đều vô cùng thuận lợi. Vậy nên lúc này khả năng phân biệt không còn nhạy bén như trước. Tư duy lô-gic cũng sẽ mờ nhạt và mất đi năng lực quan sát.
Chúng ta cần nhớ rằng chẳng ai có thể cười cả ngày từ sáng đến tối. Hoa đẹp đến mấy rồi cũng sẽ tàn úa. Vinh quanh đến đâu rồi cũng có người khác thay thế. Tình cảm nồng đượm nhường nào thì con người cũng sẽ phải chia xa, âm dương cách biệt. Khi ấy chúng ta có thể nhớ đến câu: “Mọi chuyện rồi sẽ qua đi”.
Quá buồn đau vẻ mặt dễ sinh rầu rĩ
“Người buồn cảnh có vui đây bao giờ”. Khi tâm trạng buồn chán chiếm hữu trái tim con người, thì nỗi buồn ấy không chỉ lan tỏa ra vạn vật xung quanh, mà còn hiển hiện ngay trên nét mặt ủ ê.
Cuộc sống có 10 phần thì đến 8, 9 phần không như ý. Bởi lẽ chuyện vui của người này có thể lại là nỗi buồn của người khác. Vậy nên khi phải đối mặt với những nỗi bi ai, buồn thương hãy tìm cách giải tỏa chúng, đừng kìm nén trong lòng. Bạn có thể trốn vào một góc chỉ có riêng mình và khóc một trận thỏa thích cho vơi đi cõi lòng.
Tác giả: Minh Ngọc
-
Những câu nói của Thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp bạn sống hạnh phúc hơn
-
3 loại người ảnh hưởng nhất tới cuộc đời bạn
-
Triết lý sống của người Paris: Người hạnh phúc là người không có quá nhiều ham muốn
-
Muốn biết đàn ông tốt với vợ hay không thì hãy nhìn vào lúc anh ta gặp GÁI XINH và TIỀN
-
Cách chăm sóc da của 6 công nương nổi tiếng thế giới