Trong tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 700 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, số trường hợp nhập viện là 593 trường hợp. So với tuần 12, số ca mắc giảm 15%, so với cùng kỳ năm 2017 (1.381 trường hợp) số mắc giảm 45,2%. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.079 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước và Cà Mau.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay ghi nhận 456 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận ca tử vong. Trong tuần, có thêm 2 ca mắc mới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, các ca mắc SXH đang có xu hướng giảm trong mấy tuần gần đây. So với cùng kỳ 2017 (22.416 mắc) số mắc cả nước giảm 37,2%, không có tỉnh nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến trong 13 tuần đầu năm 2018".
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc do biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý,... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý.
Trước đó, năm 2017 dịch SXH diễn biến bất thường với gần 190.000 ca mắc, 32 người tử vong, đặc biệt số mắc tập trung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Để phòng SXH, Bộ Y tế khuyến cáo diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. - Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
Tác giả: