Vải
Vải là một loại quả ngon trong hè, giàu chất dinh dưỡng và có thể chế biến thành nước giải khát. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100 g cùi vải có chứa khoảng 15g đường, 36mg vitamin C, ngoài ra còn chứa một số vitamin khác như B1, B2, B6, niacin, folate và chất khoáng quan trọng như magie (10 mg), kali (171 mg), đồng (148 mg), selen (0,6 mg)…
Tuy nhiên, ăn quá nhiều vải có thể gây ra chứng “say vải” với các biểu hiện chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt... Thậm chí có thể bị ngộ độc do quả vải bị nhiễm nấm Candida trophicalis trú ngụ ở núm những quả vải bị giập nát, ủng thối gây ra.
Mỗi khi ăn vải không nên ăn quá 10 quả, ăn nhiều sẽ làm gan sinh hỏa, lưỡi họng đau rát, nghiêm trọng hơn còn dẫn đến buồn nôn, chân tay mỏi rã rời, hoa mắt chóng mặt…. Đặc biệt, trẻ nhỏ chỉ nên ăn 3-4 quả một lần, ăn nhiều sẽ bị nhiệt.
Quả mận
Mận là loại quả được ưa thích vào mùa hè. Theo Đông y, mận có vị chua ngọt tính bình. Tác dụng thanh nhiệt, sinh tân lợi thủy. Chữa chứng hư lao, nóng trong xương, âm hư nội nhiệt, miệng khô khát, tiểu tiện bất lợi.Mận còn được xem là trái cây bổ mát, vị thuốc chữa miệng khô khát.
Mận có tính nóng nên ăn nhiều mận có thể gây ra các hiện tượng nóng trong, nhiệt miệng, mụn nhọt... Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên ăn mận vì dễ bị nóng, phát ban, không tốt cho sức khỏe của mình và thai nhi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù yêu thích quả mận đến đâu, bạn cũng chỉ nên ăn tối đa 10 quả một ngày để tránh những hậu quả cho sức khỏe nói trên. Trước khi ăn mận nên ngâm trong nước muối pha loãng để an toàn hơn. Bà bầu có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận. Người bị bệnh tiểu đường không nên ăn mận đã chín vì chất đường trong mận có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
Chôm chôm
Trong quả chôm chôm có chứa nhiều chất xơ, vitamin C, đồng, mangan, kali, sắt, protein, chất béo, phốt pho… mang nhiều lợi ích cho sức khỏe, ngoài ra chôm chôm còn được biết đến như một loại thảo dược trị bệnh trong Đông y.
Dù bổ dưỡng là thế song chôm chôm vốn là trái cây nhiệt đới, không ít người băn khoăn về tính nóng của loại quả này. Vì lượng đường trong chôm chôm nhiều nên khi ăn vào sẽ gây nóng trong người, nó không phù hợp với những người có cơ thể lúc nào cũng phừng phừng và có cảm giác hay "bốc hỏa" (đặc biệt đối với phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh) vì sẽ làm cho cơ thể thêm bức bối, khó chịu, sinh bệnh.
Mít
Mít không chỉ hấp dẫn bởi hương thơm và vị ngọt của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mít chứa rất nhiều vitamin A, C, canxi, kali, magiê và nhiều chất dinh dưỡng khác rất có lợi cho sức khỏe. Ăn thường xuyên với một liều lượng vừa phải giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh ung thư, duy trì vẻ đẹp cho làn da…
Xoài
Xoài là loại quả đặc trưng cho mùa hè. Chúng không chỉ mang lại hương vị và mùi vị đặc biệt mà còn đem lại nguồn vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, trong khi xoài đã được coi là một trong những loại trái cây lành mạnh thì nhiều người tin rằng chính xoài cũng là nguyên nhân gây nóng và làm tăng nhiệt độ bên trong của cơ thể, có thể gây ra các bệnh như mụn trứng cá, phát ban và thậm chí là tăng acid trong cơ thể.
Tiến sĩ Zamurrud Patel, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện toàn cầu Mumbai, đưa ra lời khuyên: “Xoài chứa các dưỡng chất thiết yếu có thể không làm ảnh hưởng đến cơ thể một cách tiêu cực, tuy nhiên điều này áp dụng khi ăn với số lượng vừa phải, bởi nếu ăn quá nhiều sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau”.
Vì vậy, hãy tiếp tục thêm xoài vào chế độ ăn uống hằng ngày của bạn trong mùa hè này nhưng ăn ở mức độ vừa phải. Các chuyên gia thường khuyên bạn không nên ăn quá hai quả xoài mỗi ngày. Đối với bệnh nhân tiểu đường, thừa cân... hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thưởng thức loại trái cây giàu đường này nhé.
Tác giả: