1. Việc lớn bắt đầu khó, việc nhỏ bắt đầu dễ
Chúng ta biết câu cổ ngữ "Vạn sự khởi đầu nan", nhưng chính xác thì phải là câu "Đại sự khởi đầu nan, tiểu sự khởi đầu dị" của Gia Cát Lượng.
Những việc nhỏ hầu như không phải chuẩn bị nhiều, mà làm liền đạt, dễ như trở bàn tay. Những việc lớn thì trái lại, sẽ gặp muôn vàn trắc trở.
Khi chúng ta gặp khó khăn chồng chất, điều đó có nghĩa việc chúng ta đang làm ắt không phải việc nhỏ, nên cần hun đúc ý chí, kiên định bền lòng, đạp bằng khó khăn, vững bước tiến lên, mới có thể thành đại nghiệp. Hiểu được như vậy chúng ta sẽ không sợ khó khăn, coi khó khăn là cơ hội Trời cho để rèn ý chí, để thành tựu sự nghiệp mai sau.
2. Lười nhác thì không thể tinh thâm, nóng nảy mạo hiểm thì không thể lý tính
Ai cũng có tài năng sở trường cá nhân, nhưng lại rất ít người phát triển tài năng sở trường của mình để trở nên xuất chúng, tất cả cũng bởi Lười nhác.
Khi tự mình bỏ qua cơ hội rèn rũa, tự mình thỏa mãn, tự cho phép tạm nghỉ ngơi, hoặc ưu tiên thời gian cho các hoạt động giải trí, đánh bóng tên tuổi, xã giao… thì đó chính là đang bước trên con đường thất bại.Người nóng nảy, mạo hiểm không giữ được lý tính, sẽ không đủ tỉnh táo đánh giá tình huống và đưa ra quyết định đúng, nên thường sẽ mắc các sai lầm chí mạng dẫn đến thất bại, thậm chí mất đi cả sự nghiệp cất công gầy dựng.
3. Trẻ khỏe không gắng sức, già cả chỉ đau thương
Khi trẻ khỏe, không gắng sức tự cường, đến khi tuổi cao, chỉ có thể tự mình đau buồn hối hận mà thôi.
Biết bao người khi trẻ tuổi lòng ôm chí lớn, thân chứa tài cao, bụng bồ kinh luân, người người khen ngợi, đều cho rằng sau này ắt là bậc hiền tài, công danh rạng rỡ. Nhưng có tài không biết quý tiếc tài năng và thời gian, tuổi trẻ nhiều đam mê, nhiều vui thú, mải mê chìm đắm trong yến tiệc, chén thù chén tạc với bằng hữu, thâu đêm cùng cuộc đỏ đen, lao mình vào chốn hoa thiên tửu địa.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ, bao tài năng hoài bão kia như nước chảy về đông. Ngoảnh lại bỗng thấy đã bạc mái đầu, sức tàn lực kiệt, bệnh tật đầy thân, mà công danh sự nghiệp, một việc cũng không thành. Than ôi, giờ đây ôm hận, muốn lại từ đầu thì đã quá muộn.
4. Kết giao quyền thế, lợi ích, khó mà lâu bền
Xây dựng kết giao dựa trên quyền thế và tài lợi, khó mà lâu dài được.
Câu nói này cũng giống câu châm ngôn của người xưa ‘Tửu nhục bằng hữu’ (bạn rượu thịt), đúng như câu thơ trong bài "Thói đời" của Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Còn bạc, còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu hết ông tôi".
5. Chớ cậy tài mà kiêu ngạo với người, chớ vì được sủng ái mà tác oai tác quái, hống hách ngang ngược
Không được cậy vào tài hoa của mình mà biểu hiện thái độ kiêu ngạo với người khác, không được vì mình được ân sủng mà ép người chế phục người để thể hiện uy phong, ra oai.
Mỗi lời nói, hành động của Gia Cát Lượng đều tinh luyện chắt lọc ra từ chính cuộc đời của ông. Ông một tay gây dựng cơ đồ, đem lại giang sơn cho nhà Thục Hán, thân làm thừa tướng, dưới một người, trên vạn người. Vậy mà vợ con ông vẫn ở vùng núi Long Trung, sống bằng nghề cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải.
Theo lẽ thường tình, chúng ta khi thấy mình có tài năng vượt trội mọi người thì không còn coi ai ra gì, từ hành vi nói năng đi lại nghênh ngang, như đứng trên tất cả, muốn nhất hô bá ứng, muốn mỗi lời nói của mình phải được tung hô, cao ngạo lấn át người khác.
Những người như thế tuy có tài cũng chỉ là kẻ tầm thường, và sẽ dẫn đến thất bại, thậm chí diệt vong mà mất cả sự nghiệp.
6. Chí hướng nên cao xa
Làm người, cần xác lập chí hướng to lớn cao xa.
Câu nói này của Gia Cát Lượng là câu mà cổ nhân đặc biệt coi trọng, vì làm người cần phải xác lập được chí hướng. Chỉ có xác lập được chí hướng to lớn cao xa mới có đủ sức mạnh và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và kiếp nạn, khắc phục các nhược điểm bản thân, đốc thúc mình không ngừng tiến bước hướng tới mục tiêu.
Tác giả: