6 thời điểm cha mẹ phải lạnh lùng "nói không" với yêu cầu của con cái

( PHUNUTODAY ) - “Trẻ em không được đá vào ghế ở trước mặt, không được nghịch khay bàn ăn vì có thể làm phiền đến người ngồi cạnh, hoặc không được làm ồn trên máy bay. Đó là không gian công cộng”, Tiến sĩ Markham nhấn mạnh.

Theo chuyên gia tâm lý trẻ em từ Mỹ – Laura Markham, tác giả cuốn “Peaceful Parent, Happy Kids” (Tạm dịch là Bố mẹ bình tĩnh, con cái vui vẻ), đồng thời là người sáng lập trang web dạy con mang tên Aha! Parenting chia sẻ: Việc nói “không” với trẻ em khiến tư duy của chúng bị bó hẹp trong một không gian nhỏ. “Đứa trẻ như đang ‘đóng lại’. Chúng cảm thấy những sáng kiến của chúng bị đóng lại”, tác giả Laura nhận định.  

Cũng là phụ huynh, tôi luôn muốn đồng ý với con trai mình. Thậm chí là khi cần phải nói “không”, tôi cũng cố gắng cho thằng bé một sự khẳng định nào đó. Song việc nghe thấy từ “không” cũng rất quan trọng.

Tiến sĩ Markham nói rằng, việc từ chối con trẻ giúp thiết lập các ranh giới, giới hạn và có thể hỗ trợ sự phát triển của chúng cả về mặt thể chất và tinh thần, cảm xúc.

Chuyên gia tâm lý trẻ em từ Mỹ – Laura Markham

Bà nhấn mạnh rằng, việc không bao giờ từ chối con có thể khiến bọn trẻ không biết cách đối mặt với thế giới thực ra sao. Nhưng khi nào thì chúng ta nên từ chối con? Theo Tiến sĩ Markham, có 9 thời điểm các bậc cha mẹ nhất định phải nói “không” với con mình.

1. Tham gia vào việc bắt nạt người khác

Điều này giống như một bài kiểm tra đạo đức của một đứa trẻ. “Nếu ai đó hành động xấu xí với một đứa trẻ khác, dù người này có là bạn tốt của con còn đứa trẻ bị bắt nạt là người con không quen biết hoặc không thích đi chăng nữa thì con cũng không được tham gia vào việc bắt nạt này”, Tiến sĩ Markham hướng dẫn cha mẹ cách nói với con mình.

2. Làm hỏng tài sản của người khác

Dù có tức giận với anh mình thì con cũng không được đi vào phòng của anh con và làm hỏng đồ đạc của anh ấy. Chúng ta cần tôn trọng tài sản cá nhân của người khác”, Tiến sĩ Markham gợi ý một trong số nhiều cách nói với con mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo.

3. Cởi đồ ở nơi công cộng

Theo tiến sĩ Markham, trẻ em từ 4 tuổi trở lên thì không nên cởi đồ ở nơi công cộng nữa. Đây gần như là một quy tắc mà các bậc cha mẹ cần phải ghi nhớ để bảo vệ con mình.

Do đó, khi trẻ đòi cởi đồ ở nơi có nhiều người qua lại, bố mẹ hãy từ chối và nói với con kiểu như: “Cơ thể con người rất tuyệt vời. Chúng cường tráng, đẹp đẽ và đặc biệt, nhưng có một số bộ phận rất riêng tư và con không thể chia sẻ chúng cho tất cả mọi người”.

4. Trên máy bay

Các hãng hàng không luôn có những quy tắc nhất định cần phải tuân theo dù bạn bao nhiêu tuổi đi chăng nữa và do đó, nếu con bạn định “làm loạn” ở trên máy bay thì bạn cần phải lập tức nói “không” với con để tránh gặp rắc rối.

Trẻ em không được đá vào ghế ở trước mặt, không được nghịch khay bàn ăn vì có thể làm phiền đến người ngồi cạnh, hoặc không được làm ồn trên máy bay. Đó là không gian công cộng”, Tiến sĩ Markham nhấn mạnh. 

Trẻ nghịch ngợm trên máy bay. (Ảnh minh họa)

5. Đi theo người lạ

Tiến sĩ Markham nhận định: “Đa số người lạ mà bọn trẻ gặp là người tốt, thế nhưng, chúng vẫn nên được dạy rằng trong bất kỳ tình huống nào cũng không được đi theo người mà chúng không quen biết”.

Do đó, cha mẹ nên nói chuyện rõ ràng để con mình hiểu được điều đó, rằng bố mẹ không đồng ý cho chúng được đi theo hay nhận bất kỳ thứ gì từ những người lạ để tránh tự đưa mình vào những tình huống nguy hiểm.

6. Không giữ lời hứa với bạn

Một quy tắc trong gia đình Tiến sĩ Markham chính là “Con không được phá bỏ lời hứa với một người bạn chỉ vì con vừa mới có một lựa chọn hấp dẫn hơn. Đó chính là sự thấu hiểu và tôn trọng người bạn kia”.

Tiến sĩ Markham cho biết, giả dụ con bạn đã có kế hoạch đi chơi ở đâu đó với một người bạn sau giờ học, nhưng một người bạn khác lại bảo: “Đi ăn kem với bọn tớ đi” chẳng hạn. Trong tình huống đó, nếu con bạn muốn “vẹn cả đôi đường” thì có thể hỏi người bạn thứ 2 xem có thể mang theo người bạn thứ nhất không.

Nếu điều đó là không được thì con bạn nên từ chối lời mời này và đi với người bạn thứ nhất. Nó cho thấy con bạn là đứa trẻ có trách nhiệm, biết giữ lời hứa và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của chúng về sau.

Tác giả: Dương Ngọc