Tuổi trẻ đưa tin, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội sáng 13/4, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC) cho biết ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội được phát hiện ngày 6/3. Đến nay đã là 1 tháng 6 ngày. Trong suốt thời gian này công tác phòng chống dịch của Hà Nội luôn cao hơn một bậc.
Theo thống kê, 68% số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội được phát hiện nhưng không có triệu chứng bệnh hoặc triệu chứng chỉ thoáng qua. Như vậy, nếu chỉ dựa vào cá triệu chứng lâm sàng thì đã bỏ sót 2/3 người có thể nhiễm bệnh.
Lao động dẫn lời ông Nguyễn Nhật Cảm nhận định: "Đây là tình chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới, dù không có triệu chứng nhưng khả năng lây lan vẫn còn nguyên. Vì thế việc giám sát, phát hiện dựa vào xét nghiệm vô cùng cần thiết và quan trọng trong công tác phòng COVID-19. Nếu thời gian qua không quyết liệt triển khai những biện pháp giám sát, phát hiện, bao vây, khoanh vùng thì khả năng lây lan bệnh trên diện rộng ở Hà Nội là hoàn toàn có thể".
Theo giám đốc CDC Hà Nội, qua phân tích nhanh 110 trường hợp thì có 67% là nữ, 23% là nam. Sơ bộ nữ chiếm 2/3 và nam chiếm 1/3.
Về công cụ test nhanh, Hà Nội có 14.000 test, đã triển khai được 12.000 mẫu. Ông Cảm cũng cho biết, đã lấy 128 mẫu test nhanh ở Mê Linh, đồng thời cũng lấy mẫu làm RT-PCR, 2 kết quả tương đồng nhau. Cả hai đều cho kết quả 128 mẫu âm tính. Triển khai 277 mẫu test nhanh tại Bệnh viện Thận Hà Nội, và làm cả RT-PCR, tất cả đều âm tính. Tuy nhiên, có triển khai trên một số bệnh nhân dùng RT-PCR dương tính thì test nhanh lại âm tính. Suy ra rằng, những trường hợp này mới mắc nên chưa có kháng thể.
Do vậy, ông Cảm nhận định, test nhanh là công cụ sàng lọc cộng đồng rất cần thiết. Nó cho kết quả nhanh, chi phí thấp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp nghi ngờ vẫn phải làm bằng RT-PCR và căn cứ vào dịch tễ để cho kết quả chính xác.
Tác giả: