1. Nhìn nhân phẩm: Quân tử cầu mình, tiểu nhân cầu người
Người quân tử yêu cầu chính mình, kẻ tiểu nhân lại yêu cầu người khác. Người quân tử cảnh tỉnh chính mình, thời thời khắc khắc xem xét bản thân, có tính cách độc lập, tự cường, tìm chỗ thiếu sót của bản thân để từ đó thay đổi, không ngừng cải thiện. Còn tiểu nhân thì không xem xét chính mình, thường đem sai lầm trách nhiệm đổ lên người khác để rồi cả đời không thể tiến bộ.
2. Nhìn chọn lựa: Quân tử kiên định, tiểu nhân biến loạn
Người quân tử cho dù gặp cảnh khốn cùng hay tuyệt lộ thì vẫn ung dung đĩnh đạc, kiên trì với nguyên tắc làm người của mình. Kẻ tiểu nhân khi gặp khốn cùng thì thường bất chấp quy tắc, lấy lợi làm trọng. Vậy nên có thể giữ vững được bản thân mình trong lúc bần cùng hay không chính là giới hạn để phân biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân.
3. Nhìn bạn bè kết giao: Quân tử không so bì, tiểu nhân chọn người so sánh
Quân tử đoàn kết mà không cấu kết, tiểu nhân cấu kết lại không đoàn kết. Người quân tử khi kết giao bạn bè, bất luận đối với ai cũng là công chính vô tư mà đối đãi với mọi người, không kết bè tạo phái. Tiểu nhân thì thích tiếp cận với những người tương đồng với mình, chọn bạn kết giao, bài xích những người không hợp, lấy tư lợi làm trọng.
4. Nhìn vào lợi ích: Quân tử trọng nghĩa, tiểu nhân trọng lợi
Bậc quân tử xem trọng đạo nghĩa, còn tiểu nhân xem trọng lợi ích được mất trước mắt. Khi gặp phải vấn đề hoặc khi phải đối diện với lựa chọn, bậc quân tử trước tiên lấy đạo nghĩa đo lường, tiểu nhân thì lại lấy lợi ích để mà cân nhắc. Đây chính là chỗ khác biệt lớn nhất.
5. Xem thị phi: Quân tử giúp người, tiểu nhân ngược lại
Bậc quân tử thành tựu cho người khác, kẻ tiểu nhân thì ngược lại. Phẩm đức cao sang của người quân tử mang trái tim nhân ái, vì người. Phàm gặp bất cứ việc gì, chỉ cần hợp với đạo nghĩa, họ không chỉ vui vẻ tác thành, mà còn nguyện ý giúp đỡ người khác sớm ngày thành tựu. Còn nếu như là việc không hợp đạo nghĩa, bậc quân tử tuyệt đối không làm những việc giúp người hành ác.
6. Khí chất
Khí chất của người quân tử lâu nay vẫn là vấn đề nhiều người bàn luận. Nhưng khái quát lại, thì khí chất ấy có thể tóm lại trong mấy câu: Không sợ kẻ mạnh, chở che kẻ yếu, uy vũ không khuất phục, giàu sang không tha hóa, bần hàn không chuyển lay.
Người ta thường nhầm tưởng người quân tử thì phải có khí chất kiêu ngạo, coi mình là độc nhất giữa đất trời. Nhưng kỳ thực đó chỉ là cái khí độ của kẻ thất phu, coi trời bằng vung. Người quân tử ung dung, bình thản, sống hợp đạo Trời, thuận theo lòng người mà vẫn nhận được sự tôn kính tột bậc.
Người quân tử trang trọng trong ăn mặc, bình thản trong tâm hồn, không làm chuyện thất thố, thái quá. Còn kẻ tiểu nhân thì khoe mẽ, thùng rỗng kêu to, tâm hồn xáo động như khỉ nhảy nhót, như ngựa chạy rông, chẳng lúc nào yên.
7. Tu dưỡng
Người quân tử luôn lấy tu dưỡng bản thân làm trọng yếu, không hề buông lơi. Sự tu luyện ấy thể hiện là trong khi mâu thuẫn, va chạm, họ có thể hướng nội tìm sai, xét lại chính mình, thấy được sai sót bản thân từ đó không ngừng tu sửa.
Kẻ tiểu nhân ngược lại luôn hướng ánh mắt phán xét vào người khác, cứ không chịu nhìn lại chính mình. Họ yêu cầu người khác rất cao nhưng lại tự buông lơi bản thân, không ước thúc dục vọng của mình. Họ không bao giờ tìm lỗi sai ở chính mình, luôn quy chụp cho người khác. Bởi thế trước những rắc rối, bản thân họ rất lúng túng, thay vì quang minh chính đại hành xử lại lén lén lút lút giở ra thủ đoạn thấp hèn.
Tác giả: