1. Đức Phật không có thật
Trong tâm thức tâm linh của nhiều người Việt, Đức Phật giống như các vị thần thánh khác, là đấng siêu nhiên không tồn tại hữu hình. Nhưng nếu tìm hiểu Phật giáo, là một tín đồ của Phật giáo, thì chắc hẳn không thể không biết, Đức Phật vốn xuất thân là một người trần mắt thịt.
Trải qua quá trình tu luyện, Người trở thành Phật và đi truyền đạo khắp nơi, cứu khổ chúng sinh. Đời sau để tưởng nhớ công đức và tôn vinh những giá trị nhân sinh tốt đẹp mà Ngài mang lại nên thờ cúng.
2. Theo Phật giáo để được đến Cực Lạc
Đây là suy nghĩ sai lầm về Phật giáo mà nhiều người mắc phải. Mục tiêu của việc tu tập theo đạo Phật không phải là được tới thiên đường hay Cực Lạc, mà là quá trình con người rũ bỏ sự đau khổ nơi trần thế, tìm tới một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Cuộc sống hạnh phúc ấy phải trải qua quá trình học tập, tu dưỡng bản thân. Có thể là hạnh phúc ở kiếp sau, cũng có thể là ngay kiếp này nếu tu thành chính quả, giác ngộ sâu sắc những chân, thiện, mĩ của cuộc đời.
3. Triết luận
Đạo Phật có tuệ giác để thấy rõ Cái Thực chứ không sử dụng lý trí phân tích, lý luận. Còn triết, còn luận là vì chưa thấy rõ Cái Thực.
Đạo Phật là đạo như chơn, như thực. Kinh giáo của đức Phật luôn đi từ cái thực cụ thể để hướng dẫn mọi người tu tập, nó không có triết, có luận đâu. Ngay “thiền” mà còn “luận” (thiền luận) là đã đánh mất thiền rồi.
4. Đạo Phật không phải là tôn giáo
Đạo Phật có những sinh hoạt về tôn giáo nhưng đạo Phật không phải là tôn giáo, vì đạo Phật không có một vị thượng đế tối cao hóa sinh muôn loài và có quyền ban thưởng, phạt ác.
5. Khấn Phật để xin tài lộc
Phật dạy chúng sinh rũ bỏ tham, sân, si, sống bình yên và giản dị nên không có lý gì mà khấn Ngài để xin vàng, xin bạc. Hơn thế nữa, triết lý cơ bản của Phật giáo là thuyết nhân quả, gieo nhân nào gặt quả ấy, nên việc cầu cúng hoàn toàn không có tác dụng.
Tin Phật, theo Phật tức là phải học Phật, tu dưỡng bản thân theo lối sống của Phật để đạt tới cảnh giới của sự hạnh phúc. Nếu sống thiện thì sẽ gặp được điều thiện, sống ác phải chịu quả báo, đối với tài lộc cũng vậy, không tự dưng mà có.
6. Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật
Tụng kinh, niệm Phật không phải để cầu cúng hay học thuộc lòng, đọc lên là sẽ được Phật chứng cho. Mục đích lớn nhất của việc này là để chúng đệ tử ghi nhớ lời Phật dạy, soi sáng bản thân, giác ngộ Phật pháp và hành động theo. Vừa tụng niệm, vừa thấm nhuần và ghi nhớ, làm theo, ấy mới là niệm Phật chân chính.
7. Định mệnh
Đạo Phật có nói đến nghiệp, đến nhân quả nghiệp báo chứ không hề nói đến định mệnh.
Theo đó, gây nhân xấu ác thì gặt quả đau khổ, gây nhân lành tốt thì gặt quả an vui – chứ không phải “cái tơ cái tóc cũng do trời định” như định mệnh thuyết của Khổng Nho hoặc định mệnh 4 giai cấp của Bà-la-môn giáo.
Tác giả: