7 trường hợp bị hủy Sổ đỏ
Theo quy định tại khoản 6 Điều 152 Luật Đất đai 2024, nếu bị thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp theo khoản 2, khoản 5 Điều 152 của Luật này mà người dân cố tình không giao nộp lại giấy chứng nhận thì cơ quan có thẩm quyền được quyền hủy Sổ đỏ đã cấp đó.
Theo đó, 7 trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận bao gồm:
- Bị thu hồi toàn bộ diện tích đất được ghi trên Sổ đỏ, Sổ hồng.
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận.
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà bắt buộc cần phải cấp mới Giấy chứng nhận.
- Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận đã cấp không đúng các thông tin về: Thẩm quyền; Đối tượng sử dụng đất; Diện tích đất; Mục đích sử dụng đất; Thời hạn sử dụng đất; Nguồn gốc sử dụng đất; Đất không đủ điều kiện được cấp Sổ.
- Giấy chứng nhận đã cấp bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy.
- Thực hiện đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan thi hành án mà người thi hành án lại không nộp lại Giấy chứng nhận đã cấp.
- Có bản án, quyết định của Tòa án đã được thi hành hoặc văn bản kiến nghị về việc thi hành bản án của cơ quan thi hành án quyết định theo quy định có nội dung yêu cầu thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp.
Lưu ý: Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đã cấp là cơ quan thực hiện cấp Giấy chứng nhận được quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2024.
3 trường hợp sẽ hủy kết quả đăng ký biến động trên sổ đỏ đã cấp
Sau khi người dân có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thì họ chính thức trở thành chủ nhân của ngôi nhà, mảnh đất hay căn hộ đó.
Tuy nhiên, có 3 trường hợp này dù có sổ đỏ nhưng vẫn bị hủy kết quả đăng ký biến động đất đai- tức là Sổ đỏ không có giá trị sử dụng.
Theo khoản 1 Điều 47 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, kết quả đăng ký biến động đất đai đã được Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đúng quy định của pháp luật chỉ được hủy khi Văn phòng đăng ký đất đai nhận được văn bản của các cơ quan có thẩm quyền sau đây:
- Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật có quyết định về việc đăng ký biến động đất đai phải bị hủy toàn bộ hoặc một phần;
- Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai có nội dung phải hủy toàn bộ hoặc một phần kết quả đăng ký biến động đất đai;
- Quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam về giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai có nội dung phải hủy toàn bộ hoặc một phần kết quả đăng ký biến động đất đai.
Thủ tục hủy kết quả đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận đã cấp
Theo khoản 2 Điều 47 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện:
1. Thông báo bằng văn bản về việc hủy đăng ký cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và các bên có liên quan. Văn bản thông báo phải nêu rõ căn cứ hủy kết quả đăng ký và thể hiện nội dung yêu cầu người đang giữ Giấy chứng nhận nộp lại giấy này để Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc hủy kết quả đăng ký biến động.
Trường hợp Giấy chứng nhận không được nộp lại thì việc hủy kết quả đăng ký đất đai vẫn có hiệu lực;
2. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo nội dung hủy kết quả đăng ký biến động;
3. Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.
Trường hợp kết quả đăng ký biến động đất đai đã bị hủy mà Văn phòng đăng ký đất đai nhận được văn bản của các cơ quan có thẩm quyền về việc khôi phục lại kết quả đăng ký biến động đất đai đã bị hủy thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
- Thông báo bằng văn bản về việc khôi phục kết quả đăng ký cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và các bên có liên quan; văn bản thông báo phải nêu rõ căn cứ khôi phục kết quả đăng ký và thể hiện nội dung yêu cầu người đang giữ Giấy chứng nhận nộp lại giấy này để Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc khôi phục kết quả đăng ký biến động.
Trường hợp Giấy chứng nhận không được nộp lại thì việc khôi phục kết quả đăng ký đất đai vẫn có hiệu lực;
- Thực hiện các công việc 2 và 3 ở trên.
Trường hợp thực hiện việc hủy đăng ký biến động đất đai mà nội dung bị hủy chưa được xác nhận trên Giấy chứng nhận và Văn phòng đăng ký đất đai nhận được văn bản của các cơ quan có thẩm quyền về việc khôi phục lại kết quả đăng ký biến động đất đai, thì Văn phòng đăng ký đất đai thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người đang giữ Giấy chứng nhận và các bên liên quan biết về việc kết quả đăng ký biến động đất đai ghi trên Giấy chứng nhận không bị thay đổi hoặc không bị chấm dứt hiệu lực của đăng ký.
Tác giả: Mộc
-
Tin vui từ 10/10: Thêm 8 quyền cho người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định mới
-
Từ nay tới 1/1/2025: 4 trường hợp bị khóa SIM và thu hồi số điện thoại, người dân nên biết sớm kẻo thiệt thòi
-
Có được dùng song song thẻ Căn cước công dân khi đổi sang Căn cước, số thẻ giữ nguyên không?
-
Ở Hà Nội, phố và đường khác nhau như thế nào? Khi nào gọi là phố, khi nào gọi là đường?
-
Người dân không đăng ký đất đai có bị phạt đến mức 10 triệu?