1. Người đại thiện như nước, ở chỗ thấp mà không tranh giành
Trong chương 8, Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, ở chỗ mà mọi người đều ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo” (Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố ky ư đạo).
Lão Tử ví người thiện lương như nước, là một hình ảnh rất sinh động, lột tả. Nước vốn nhu hòa, biết cương nhu tùy lúc, nhu thì hiền hòa, róc rách như suối, cương thì ầm ầm lũ cuốn nước trôi. Nước lại rất khiêm nhường, thường chảy về chỗ trũng, luôn nhún nhường, hạ mình, khi chảy thì thành sông, thành suối, bốc lên lại hóa mây mù mưa tuôn, ở đâu cũng là nuôi dưỡng, thấm nhuần vạn vật.
2. Người đại trí giả ngu, không cậy mình thông minh
Lão Tử khuyên: “Kẻ đại trí trông như ngu đần, kẻ đại dũng trông như khiếp sợ, kẻ khôn khéo thì trông như vụng về” (Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp, đại xảo nhược chuyết).
Người có thực tài thì không để lộ tài năng ra bên ngoài. Vẻ ngoài của họ trông như đần độn, ngu tối, vụng về nhưng thực ra chỉ là giả tướng. Phải là người có đức Nhẫn cao, trí huệ cao mới thực hiện nổi điều ấy. Điều đó trái ngược hẳn với con người hiện đại luôn cho rằng tài năng phải xuất lộ ra bên ngoài để mưu cầu tiến thân, được mọi người thừa nhận.
3. Điềm nhiên không màng lợi, tâm sáng lập chí
Trong “Giới tử thư” (Thư dạy con), Gia Cát Lượng căn dặn con trai mình: “Không đạm bạc thì không thể sáng chí, không tĩnh lặng thì không nghĩ được xa xôi” (Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn). Đạm bạc, thanh đạm là đức tính của bậc quân tử. Đạm bạc không phải là sống một đời nghèo khó, kham khổ không miếng ăn. Đạm bạc là thanh bần, vui với đạo Trời, tùy duyên hành xử, xa vòng lợi danh, giữ tròn khí tiết.
4. Nước chảy đá mòn, quý ở kiên trì
Câu này có nguồn gốc từ cuốn “Hạc lâm ngọc lộ” của La Đại Kinh thời Tống: “Nhất nhật nhất tiễn, thiên nhật thiên tiễn, thằng cứ mộc đoạn, thủy tích thạch xuyên” (Một ngày một đồng, nghìn ngày nghìn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn).
5. Tích lũy nhiều dùng ít một, lấy nhu thắng cương
Người xưa nói: “Quân tử thì tích lũy nhiều mà chỉ dùng ít một” (Quân tử hậu tích nhi bạc phát). Sự tích lũy ở đây không chỉ đơn thuần là tài vật, tiền của mà còn là tri thức, kinh nghiệm, đạo học. Người quân tử học rộng, biết nhiều nhưng chẳng mấy khi để hết cái sở học ấy lộ ra ngoài. Họ chỉ vận dụng vừa đủ những gì mình biết, mình hay. Như thế cũng là đạo lý khiêm cung, khiêm nhường, không tự cho mình là nhất.
6. Biển lớn vì dung nạp nước của trăm sông
Biển lớn không phải vì hứng nước trên trời mà là biết dung nạp dòng chảy của trăm nghìn sông suối. Biển lớn và sâu cũng không chê sông cạn, suối khô, đều là khoan hòa.
7. Hàm dưỡng tâm tính, trở về bản tính nguyên sơ
Người ta mới sinh là lương thiện, thuần tịnh. Nhưng theo thời gian dục vọng, cám dỗ không ngừng nảy sinh, hoàn cảnh xã hội cũng liên tục biến đổi, tác động, người ta đã không còn giữ được bản tính nguyên sơ của mình. Sự hấp dẫn của danh, lợi, tình khiến con người càng lún sâu vào một vũng lầy, khó thoát mình ra nổi.
8. Thành tâm thì sẽ linh nghiệm, chỉ có phẩm đức cảm động được Trời
Trong mọi chuyện, dụng tâm, thành tâm đối đãi thì tất được thành công, mọi sự ắt linh nghiệm. Thành tâm ở đây không phải là một mực truy cầu, theo đuổi mà là có niềm tin kiên định, tâm thái đúng đắn, nguyện vọng hợp lý, lại biết nỗ lực hành sự theo niềm tin ấy. Phẩm đức cao thì ngay cả trời xanh cũng cảm động. Giữ gìn sự lương thiện cũng có thể cảm hóa lòng người.
9. Đại đạo là vô cùng đơn giản, thuần phác tự nhiên
Đó là tư tưởng chính của Đạo gia. “Đạo” ở đây chính là khái niệm trọng yếu, mang ý nghĩa là “đạo lý cuối cùng nhất”. Như thế “Đại đạo chí giản” chính là muốn nói rằng đạo lý lớn (nguyên lý, quy luật) là cực kỳ đơn giản, đơn giản đến mức chỉ dùng một, hai câu là nói rõ được. Đại đạo cũng là hàm súc, cô đọng, bề mặt câu chữ tưởng giản đơn mà bên trong ý nghĩa thâm sâu vô cùng.
Ai đó cho rằng, khi chịu tủi nhục, khi bị đối xử bất công, làm người ai mà chẳng có quyền được đi đòi công lý? Đó không chỉ là quyền lợi chính đáng vốn được pháp luật bảo vệ, mà còn là cái lý công bình trong xã hội này.
Thế nhưng, với các bậc thánh hiền xưa nay, hết thảy mọi danh – lợi – tình – thù, hết thảy mọi được – mất ở thế gian, tất cả chỉ nhẹ nhàng như mây khói mà thôi.
Trong cuốn “U song tiểu ký” có câu đối rằng: “Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc; Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”, nghĩa là: ‘Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn; Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan’.
Câu đối này đã nói lên cảnh giới siêu phàm thoát tục của các bậc cao nhân: Nếu có thể xem vinh nhục cũng nhẹ nhàng như đóa hoa sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm được bình lặng.
Và nếu có thể xem công danh lợi lộc đến rồi đi cũng thất thường như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ nội tâm được vô vi thanh tịnh. Do đó, được mà không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh mà không kinh động, nhục cũng không bận lòng.
Tác giả: