Bà mẹ vùng cao nghèo 10 lần tự "vượt cạn" tại nhà

( PHUNUTODAY ) - 41 tuổi, 10 người con, bà mẹ ở xã nghèo vùng cao Quảng Ngãi đã tự vượt cạn tại nhà, đối đầu với tử thần không biết bao nhiêu lần mà

Ở tuổi 41, bà Đinh Thị Xê (ngụ huyện vùng cao Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã trải qua 10 lần "vượt cạn" tại nhà trong điều kiện đói nghèo, túng quẫn. 10 đứa con gồm 4 gái, 6 trai đã chết mất hai con gái vì thiếu sữa và ốm đau. 

Xê chào đời trong gia đình nghèo ở thôn Tà Lương (xã Sơn Bao, huyện vùng cao Sơn Hà). Lớn lên, Xê theo chân cha, mẹ lên núi phát nương, làm rẫy. 17 tuổi, trong một lần thu hoạch keo thuê cho dân làng, Xê tình cờ gặp gỡ rồi nảy sinh tình cảm với chàng trai trẻ cùng thôn. Kết quả của mối tình là sinh linh hoài thai trong bụng.

Chưa kịp biết nên vui hay buồn thì người yêu bỏ đi biền biệt để lại cô gái một mình ở làng "vượt cạn" trong điều kiện thiếu thốn, cơ cực trăm bề. Dằn vặt nỗi đau mối tình đầu, cô gái bươn chải mưu sinh đi làm thuê khắp nơi.

Căn nhà với 7-8 đứa con nheo nhóc

22 tuổi. Cô sơn nữ lần nữa mở lòng yêu thương, gắn kết đời mình với anh Đinh Văn Hành (ngụ xã Sơn Thượng, cùng huyện Sơn Hà). "Thấy anh ấy ăn nói hiền lành, chịu khó nên tôi ưng cái bụng rồi tự nguyện ghép đôi lại với nhau thành vợ chồng", bà Xê thổ lộ. 

Hai vợ chồng đều mù chữ, quanh năm suốt tháng làm thuê khắp nơi nhưng không xoay sở đủ tiền mua gạo, quần áo cho những đứa trẻ và rượu để uống.

Bà Xê cho hay mỗi lần chồng đi làm ăn xa về thăm, vui vẻ uống rượu, quan hệ tình cảm rồi mình... "dính bầu" mang thai. Trung bình, khoảng hơn 3 năm, bà Xê hạ sinh 2 người con.

Trải qua 10 lần "vượt cạn", bà mụ vườn ở làng hỗ trợ đỡ đẻ tại nhà và sử dụng con dao nhỏ (dùng bổ trái cau ăn trầu) cắt rốn cho con. Sau mỗi lần sinh con khoảng 20 ngày, bà tắm suối trở lại công việc nương rẫy, lao động bình thường.

10 lần sinh con là 10 lần bà mẹ nghèo tự thân vượt cạn, không đến trạm y tế

Người mẹ H're kể thời gian "ở cữ", bà ăn cơm nấu bằng gạo rẫy với rau rừng. Hôm nào chồng ở nhà thì có thêm món nhái bắt được trên núi kho mặn để ăn qua ngày.

Hoàn cảnh kinh tế gia đình khốn khó, hai con trai lớn theo cha đi làm thuê ở các tỉnh Tây Nguyên. Trong khi đó, những đứa con còn lại ở làng với mẹ đến lớp học tập trong tình trạng "giã gạo" (mỗi tuần chỉ học vài buổi) và đi làm thuê cho dân làng xung quanh. 

Hàng ngày những đứa trẻ này phải lên núi hái rau, nhặt củi hoặc đi chăn bò thuê cho dân làng để kiếm tiền mua gạo ăn. Sau mỗi buổi tối, những đứa trẻ đốt lốp xe đi soi bắt nhái núi ngoài rẫy về cải thiện bữa ăn cho gia đình...

Ông Đinh Văn Phên, Trưởng thôn Tà Lương, gia đình bà Xê có nhiều con nhất ở địa phương. Hai vợ chồng mù chữ, thường xuyên uống rượu, cuộc sống đói nghèo triền miên. "Chúng tôi khuyên họ đừng sinh con nữa nhưng họ không chịu đến Trạm y tế để kế hoạch hóa gia đình", vị Trưởng thôn lắc đầu.

Bà Nguyễn Thị Thùy, cán bộ phụ trách Dân số Kế hoạch hóa gia đình xã Sơn Bao, cho hay bản thân bà đã nhiều lần đến bản làng tuyên truyền, vận động nhưng vợ chồng bà Xê chỉ ừ ừ, dạ dạ, sau đó không thực hiện các biện pháp tránh thai. 

Anh Đinh Văn Hành (43 tuổi, chồng bà Xê) cùng hai đứa con lớn đi thu hoạch keo thuê kiếm tiền mua gạo lo "cái ăn, cái mặc" cho cả gia đình.

Gặng hỏi nguyên nhân thì bà Xê cho rằng "đặt vòng tránh thai dễ gây sốt, mệt mỏi không lao động được" nên e ngại không đến Trạm y tế.

Nhiều hôm vượt đường đèo dốc đến nhà nhưng người mẹ này uống rượu ngủ say nên tổ công tác đành quay về. "Không chỉ sinh 10 con, chị Xê từng ba lần sẩy thai và một số lần phá thai nữa. Những đứa trẻ sinh ra trong điều kiện thiếu thốn đã mắc bệnh vàng da, thấp còi, suy dinh dưỡng", bà Thùy cho hay.

Ông Đinh Văn Phèng, Chủ tịch UBND xã Sơn Bao, xác nhận vợ chồng bà Xê thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn.

"Dù điều kiện kinh tế gia đình nghèo khó nhưng hai vợ chồng thường xuyên uống rượu, sinh đến 10 con. Cuộc sống túng thiếu, những đứa trẻ lớn lên lần lượt nghỉ học sớm làm thuê kiếm sống khó thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo", vị Chủ tịch xã nói.

Thống kê sơ bộ của huyện Sơn Hà, địa phương này có hàng chục phụ nữ sinh 4 con trở lên. Theo các cán bộ phụ trách dân số, nhiều lần đến bản làng tư vấn biện pháp tránh thai thì những cặp vợ chồng đều tỏ ý đồng tình nghe theo. Nhưng chỉ một thời gian sau, họ lại đâu vào đó, không thực hiện thậm chí là áp dụng khác với biện pháp tư vấn tránh thai (uống lá, rễ cây rừng) nên xảy ra tình trạng "vỡ kế hoạch" khó thể kiểm soát.

Bên cạnh đó, một số gia đình sinh con "một bề", mong mỏi đẻ thêm con trai với quan niệm vừa nối dõi dòng họ vừa có sức khỏe để làm nương rẫy nên càng đẻ nhiều, mong đến ngày có một đứa con trai mới dừng lại.

Tác giả:

Tin nên đọc