Bác sĩ Việt sang Lào cứu trợ: Mổ tay thấy thóc giống nảy mầm

( PHUNUTODAY ) - Sau sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào, một đoàn bác sĩ 18 người của Việt Nam đã sang nước bạn để viện trợ và giúp đỡ các nạn nhân.

Sau khi vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, hàng trăm người dân từ 6 bản vùng hạ du thủy điện đã đổ về trung tâm huyện Sanamsay (Attapeu, Lào) để sống tạm. Theo đó, tại Trường THPT Sanamsay (huyện Sanamsay) có hơn 500 người dân bị trôi mất nhà cửa, tài sản… phải sống tạm ở đây.

Trước tình hình này, một đoàn bác sĩ Việt Nam thuộc Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai đã mang theo nhiều trang thiết bị, thuốc men để cắm chốt điểm Trường Sanamsay để kịp thời khám, chữa bệnh cho người dân gặp nạn.

Đoàn bác sĩ Việt sang Lào thăm khám cho các nạn nhân trong sự cố vỡ đập thủy điện

Bác sĩ Nguyễn Thành Công - Phó giám đốc BV Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời là chỉ huy trưởng đội bác sĩ cho biết, đoàn có 18 người gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng xuất phát theo đường bộ và có mặt tại Attapeu ngày 25/7.

Đoàn bác sĩ Việt Nam đã chủ động mang theo mì tôm, lương khô, nước, đêm về tự trải chiếu, áo mưa ngủ "trực chiến" tại chỗ. Đoàn mang theo 100 liều thuốc tiêu độc khử trùng, 500 cơ số thuốc chủ yếu là thuốc đau bụng, tiêu chảy để hỗ trợ.

Các trẻ nhỏ được ưu tiên và thăm khám tận tình

Đoàn được bố trí ở tại một điểm trường sát trung tâm huyện Sanamsay, nơi tập kết hơn 1.500 người dân Lào bị nạn. Tất cả những trường hợp bị thương có dị vật đều được ưu tiên mổ tại chỗ.

Sau khi thị sát, địa điểm tập trung dân bị nạn không có nước sinh hoạt, không có khu vệ sinh, đoàn đã đề nghị phía bạn cho giãn dân để tránh lây lan dịch bệnh; yêu cầu hỗ trợ tiêu độc khử trùng. Đoàn bác sĩ Việt Nam đã thăm, khám cho hơn 500 người, cấp cứu, mổ cho hơn 30 người bị thương tích trong đợt lũ gây nên.

Lực lượng thăm khám và xử lý các ca nguy hiểm tại chỗ rồi đưa sang BV Đa khoa tỉnh Attapeu

Bác sĩ Công cho biết, tất cả những trường hợp bị thương có dị vật đều được ưu tiên mổ tại chỗ. Trong số những nạn nhân bị thương chủ yếu bị cây đâm vào cơ thể, mưng mủ, nhiễm trùng. Đặc biệt có trường hợp vết thương sưng to, mưng mủ ở cánh tay, khi mổ lấy ra cả hạt thóc đang nảy mầm.

Trong số hơn 30 trường hợp bị thương, được mổ thì có 8 người được chuyển về BV đa khoa tỉnh Attapeu tiếp tục điều trị.

“Có trường hợp người chồng vào cấp cứu với vết thương bị cây sặc đâm vào ngực, sưng mưng mủ. Khi được hỏi, nạn nhân kể, nước đổ về mạnh đã cuốn trôi nhà cửa, vợ con. Người chồng bơi vào dòng nước với tay chụp được vợ con thì bị cây sặc đâm vào ngực”, bác sĩ Công kể.

Thuốc được phát miễn phí cho người dân (ảnh: Vietnamnet)

Túc trực 24/24h tại vùng dã chiến gần 3 ngày, nhóm bác sĩ Việt Nam vẫn tự chủ việc ăn uống để khi người dân cần đến thì bác sĩ sẽ tổ chức thăm khám, cấp cứu ngay. Có những trường hợp người bị nạn bị thương đã được bác sĩ Việt Nam phẫu thuật tại chỗ, kéo dài đến hơn 23h đêm.

Đồng thời, hàng trăm cán bộ nhân viên, các tổ chức đoàn thể, tình nguyện viên… tham gia tiếp nhận, phân phối quần áo, chăn màn, nước lọc, đồ ăn… chất lên xe đưa đi vào các bản làng bị ngập lụt.

Các ca mổ lấy dị vật được thực hiện ngay tại chỗ trong hoàn cảnh thiếu thốn

Đến sáng 27/7, đoàn bác sĩ Việt Nam được Chủ tịch Quốc hội Lào đến thăm đầu tiên và gửi lời cảm ơn về tinh thần hỗ trợ, cứu chữa người dân trong lúc bị nạn.

Dự kiến đến sáng 28/7, đoàn bác sĩ Việt Nam sẽ trở về nước. Trước khi về, đoàn sẽ vào thăm những bệnh nhân bị thương nặng được chuyển lên BV tỉnh Attapeu để đánh giá tình hình và cũng sẽ trao tặng thêm một số thuốc đặc biệt cho bệnh viện.

Tác giả:

Tin nên đọc