Khi bị người khác nói xấu: Đừng chửi bới hay thù hằn
1. Khi bạn chọn mua một chiếc váy, mặc nó lên người thì hãy luôn tự tin rằng bạn đang mặc thứ mình thích, nó giúp bạn xinh đẹp và rạng rỡ. Bộ quần áo không thể làm nên cốt cách con người, nhưng chính cốt cách làm nên thần thái cho bộ quần áo. Nếu người khác chê bai chiếc váy, đôi giày của bạn thì bạn đừng vội buồn. Họ có quyền không thích chúng, mỗi người có một gu thẩm mỹ khác nhau, miễn bạn thích là được.
2. Thay vì hâm hực, tức giận đòi ba mặt một lời với những kẻ chuyên đi nói xấu sau lưng mình bạn nên học cách làm ngơ trước những lời lẽ xấu xí. Lời qua tiếng lại sẽ không giúp bạn an yên hơn, nó chỉ khiến bạn rước bực dọc vào người.
3. Khi bị những người bạn mình tin tưởng, thân thiết trở mặt ai cũng tổn thương, dằn vặt. Thế nhưng, bạn đừng bao giờ tự trách mình, mắng chửi hay căm ghét đối phương, cũng đừng hối hận vì đã chân thành trong mối quan hệ ấy. Nếu không thể thứ tha hay bỏ qua những lỗi lầm bạn cũng đừng thù ghét đối phương, đấy là cách để cuộc sống này nhẹ nhàng, an yên hơn.
4. Là người, hãy luôn sống thật với chính mình, đừng nép mình sống khác đi chỉ vì sợ thiên hạ đánh giá. Hãy mạnh mẽ khi cần, yếu đuối khi muốn và khóc lóc thảm thương khi buồn nhưng ngay sau đó hãy nhanh chóng xốc lại tinh thần.
5. Đời người có người thương sẽ có người ghét, có người sẵn lòng bên ta những khi khốn khó cũng có những người luôn lăm le đâm thọc mỗi khi ta sa cơ lỡ vận. Thế nên, thay vì ngã gục đầu hàng số phận bạn hãy mạnh mẽ lên để kẻ xấu muốn cười vào mặt bạn cũng không được.
6. Nếu người khác làm bạn buồn, đừng mãi chìm sâu trong tủi hờn oán than. Hãy sống vui vẻ, yêu đời và thật hạnh phúc bởi đây là cách “trả thù” ngọt ngào nhất.
7. Thay vì chửi qua mắng lại những khi xảy ra tranh cãi bạn hãy im lặng. Im lặng để nghe đối phương trút hết nỗi lòng, để bạn có đủ sự bình tĩnh để phân định đúng sai, để cả hai có thời gian nhìn lại mọi chuyện.
8. Sống ở đời, đừng bao giờ quên nói xin chào để bắt đầu mối quan hệ mới, tạm biệt để tránh xa những người bạn xấu. Chỉ như thế bạn mới có cho mình những người bạn tốt, thanh lọc được những nguồn năng lượng tiêu cực khỏi đời mình.
Những kẻ nói xấu sau lưng người khác là những kẻ luôn luôn ở phía sau
Thực chất, nói xấu sau lưng chỉ là hành động của những kẻ yếu kém bất lực. Người sống có mục đích, có ước mơ sẽ không có thời gian để soi mói xét nét người khác. Người quân tử biết phân biệt đúng sai, biết nhìn vào điểm mạnh của mọi người để soi xét bản thân, học tập và tiến bộ. Kẻ tiểu nhân chỉ nhìn thấy điểm yếu, lỗi sai, bới lông tìm vết mọi đối tượng để phán xét, tự đề cao bản thân mình.
Cách bạn nhìn người cũng có thể chứng tỏ bạn là ai. Đề cao, tôn trọng và thừa nhận điểm mạnh của người khác không làm ta thụt lùi hơn họ mà chính là thể hiện thiện chí học hỏi, ý thức cầu tiến, biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Ngược lại, moi móc, hạ bệ, coi thường người khác chẳng khác nào tự đóng chặt mọi cơ hội tiến bộ của bản thân, sống trong ảo tưởng, ếch ngồi đáy giếng.
Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học xã hội, nói xấu sau lưng đã có một hình thức khác – tưởng rằng công khai nhưng thực chất vẫn là đâm chọt đằng sau thành công của người khác – hành vi lăng nhục qua mạng. Lợi dụng không gian ảo internet, núp sau màn hình máy tính, không ít kẻ tự cho mình quyền được "nhân danh công lý" để sỉ nhục, nói xấu người khác một cách công khai.
Tuy nhiên, công khai nói xấu trên mạng không có nghĩa là quang minh chính đại, vì bất cứ ai cũng biết rằng, danh tính của kẻ đứng sau những phát ngôn cay nghiệt ấy rất ít khi bị đưa ra ánh sáng. Thói tọc mạch, ghen tị ngày càng lớn và khát vọng làm tổn thương người khác của những kẻ độc địa đã và đang trở thành vấn đề lớn của nền văn hóa mọi quốc gia.
Có thể thấy rằng, việc thể hiện thái độ bất mãn trước người giỏi hơn mình (hoặc chưa biết có giỏi hơn mình hay không?) bằng cách đâm sau lưng chẳng khác nào tự thừa nhận ta yếu kém, sợ hãi và không dám đương đầu một cách công bằng. Chỉ những kẻ không có tiếng nói, không có năng lực mới dung đến cách này để hạ bệ, "dìm hàng" người khác.
Con người là một sinh vật không toàn thiện. Ai cũng có những nhược điểm, sở đoản, ai cũng sẽ mắc sai lầm. Tuy nhiên, người sáng suốt sẽ không nhìn vào đó để coi thường đối phương mà luôn lấy đó là bài học cho chính mình. Lòng khoan dung không bao giờ là thừa. Nó giúp ta có thêm niềm tin vào con người, đẩy lùi sự ích kỉ, nhỏ nhen hay những suy tính hẹp hòi tủn mủn.
Hơn nữa, thái độ của ta đối với lỗi lầm của người khác không chỉ ảnh hưởng đến bản thân ta mà còn ảnh hưởng đến chính họ. Nếu ta luôn mang con mắt định kiến với mọi người, vô hình trung ta đã phần nào lấy đi tự tin của người đó về bản thân họ, tước đi cơ hội học tập và tỏa sáng của một tài năng. Ngược lại, nếu ta khoan dung, rộng lượng, góp ý bằng tấm lòng chân thành, tinh thần xây dựng, họ sẽ có động lực để vượt lên chính mình. Mối quan hệ giữa người với người, sự phát triển của toàn xã hội cũng từ đó mà đi lên.
Tác giả: