1. Uống đủ nước
"Thi thoảng, cơ thể của chúng ta sẽ nhầm lẫn cảm giác đói với mất nước", đầu bếp kiêm chuyên gia ăn kiêng Jess Swift tại Washington cho hay. Vậy nên hiển nhiên, khi dạ dày của bạn bỗng được cung cấp đồ ăn hoặc thức uống, nó sẽ gửi tín hiệu đến bộ não để ngưng cảm giác đói lại. Và tận dụng cơ chế này, bạn nên uống đủ nước, đặc biệt là vào những thời điểm như trước và sau bữa ăn để tránh nạp quá nhiều thức ăn vào cơ thể, gây tăng cân. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước cũng sẽ tăng cường trao đổi chất trong cơ thể - một yếu tố quan trọng giúp tăng hiệu quả giảm cân, giữ dáng.
2. Tự nấu ăn
Hãy luôn nằm lòng câu nói này của chuyên gia ăn kiêng Jenny Markowitz đến từ Pennsylvania: "Giảm cân bền vững bắt đầu từ căn bếp nhà bạn".
Đồ ăn nhà làm nói chung thường ít đường, sodium, chất béo và calo hơn là đồ ăn sẵn, hay ở nhà hàng vì chúng ta có thể kiểm soát được dễ dàng mọi loại thực phẩm, gia vị mình dùng. Hay chuyên gia cũng cho rằng, khi bạn đặt nhiều tâm trí và thời gian cho việc nấu nướng, bạn cũng sẽ tập trung hơn khi ăn uống và tránh được tình trạng ăn quá nhiều.
3. Thay đổi cách dự trữ thực phẩm trong tủ lạnh, tủ bếp
Hãy dự trữ những thực phẩm phù hợp với nhu cầu ăn kiêng của bạn, bởi theo chuyên gia Markowitz: "Rất nhiều đồ ăn nạp vào cơ thể là do sẵn có, tiện lợi và chúng ta vô tình nhìn thấy chứ không hẳn là vì đói, hay thèm ăn". Vậy nên, thay vì chứa trong tủ lạnh, tủ bếp những đồ ăn như bánh kẹo, socola, ô mai, khô gà lá chanh, bim bim… bạn hãy dự trữ các món ăn lành mạnh như: các loại hạt, hoa quả tươi, sữa chua không đường… Vậy là hạn chế được rất nhiều nguy cơ tăng cân rồi.
4. Bổ sung thêm nhiều chất xơ
Chất xơ đã được khoa học công nhận là "vũ khí" giảm cân hữu hiệu; ngoài việc giúp quá trình tiêu hóa diễn ra trơn tru, chất xơ còn mang đến cảm giác no nhanh và no lâu. Hơn thế, việc bổ sung một lượng chất xơ dồi dào còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu, hỗ trợ cực tốt cho kế hoạch giảm cân, giữ dáng lâu dài của bạn.
Vậy nên, hãy chăm cung cấp chất xơ cho cơ thể bằng cách ăn nhiều rau xanh (cải bắp, súp lơ xanh…); hoa quả tươi như táo hay bơ hoặc yến mạch, hạt chia, các loại hạt…
5. Lên thực đơn trước cho các bữa ăn
"Một khi bạn đã lên kế hoạch cho các bữa ăn, thậm chí là đồ ăn vặt mình sẽ dùng, bạn không chỉ tiết kiệm được tiền mà còn duy trì được thói quen ăn uống lành mạnh ngày này qua tháng khác", chuyên gia Jessica Krauss tại New York khẳng định.
Cầu kỳ hơn, bạn hãy viết lại những món ăn mà mình đã dùng mỗi ngày để nếu "trật" ra khỏi kế hoạch ăn uống trước đó, bạn cũng sẽ kịp thời sốc lại tinh thần, quay trở lại với quỹ đạo lành mạnh để duy trì được vóc dáng thon gọn, khỏe khoắn.
6. Ưu tiên thực phẩm giàu protein
Protein sẽ giúp hạn chế cảm giác thèm ăn nhờ vào cơ chế kích thích sản sinh các hormone báo hiệu cảm giác no cho bộ não. Ngoài ra, so sánh với chất béo và carbohydrate, protein đòi hỏi nhiều calo để tiêu hóa và hấp thu hơn hẳn; điều này đồng nghĩa là "nếu bạn theo đuổi chế độ ăn giàu protein, bạn sẽ đốt được nhiều lượng calo hơn", theo chuyên gia Paul Salter tại Arizona. Và thay vì ăn quá nhiều đường cùng chất béo không có lợi, bạn hãy bổ sung những thực phẩm giàu protein nhưng ít béo như: ức gà, cá hồi, trứng, tôm, đậu nành, sữa chua Hy Lạp...
Tác giả: