Bóng đá dù chơi theo kiểu "lãng mạn" hay "thực dụng" cũng đừng bao giờ trở thành một cuộc chiến

( PHUNUTODAY ) - World Cup 2018 đã đi được một chặng đường khá xa với những lời chào tạm biệt của nhiều đội bóng vang danh một thời. Đến thời điểm này, những trận bóng đã diễn ra để lại cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ đọng lại.

Người ta nói World Cup năm nay có quá nhiều bất ngờ, bởi ranh giới giữa các đội bóng mạnh nhất thế giới đã dần bị xóa nhòa. Cũng không còn nhìn thấy hình hài rõ ràng của những cỗ xe tăng, vũ điệu Samba, hay sự khác nhau rõ rệt giữa bóng đá châu Âu bài bản kỷ luật với bóng đá châu Mỹ kỹ thuật, ngẫu hứng đầy đam mê nữa. Tất cả dường như đều được hòa trộn và học hỏi lẫn nhau. Để hiệu quả là thứ được đặt lên hàng đầu chứ không còn là biểu diễn và cống hiến.

Tất nhiên bóng đá cũng phải tiến hóa, thay đổi. Và khó dự đoán cũng là một gia vị mạnh cho người xem bóng đá trung lập trên toàn thế giới. Nhưng chắc chắn nó sẽ để lại sự hụt hẫng, tiếc nuối trong lòng những người hoài cổ, vẫn còn thương nhớ về thứ bóng đá lãng mạn, nghệ thuật và đầy bản sắc khác nhau giữa các đội bóng một thời.

Bóng đá vốn ban đầu là một trò chơi để giải trí, nó có độ khó bởi con người thuận dùng tay hơn dùng chân, nên khiến người xem rất thích thú với những kỹ thuật điêu luyện của người chơi. Nó ẩn chứa những giá trị muôn đời về tinh thần đồng đội, sự nghĩa hiệp hay sức mạnh đoàn kết. Đồng thời luôn hướng tới sự công bằng, chơi đẹp và trượng phu, hào hiệp.

Dù có bao thế hệ đã qua, cùng bao thứ triết lý bóng đá khác nhau, người ta sẽ vẫn luôn ca ngợi những trận cầu đẹp mắt, những cầu thủ biết hy sinh danh tiếng cá nhân vì tập thể, những đường truyền bóng thông minh, những pha dắt bóng đỉnh cao, những màn phối hợp mãn nhãn và cả tinh thần “fair play” tôn trọng đối thủ luôn được khán giả cả hai bên trân trọng.

Cái hấp dẫn ban đầu của bóng đá là ở độ khéo, chứ không phải độ khỏe, độ bài bản, là ở sự cao thượng chứ không phải những màn tiểu xảo diễn hay, là ở tinh thần cống hiến đến cùng chứ không phải làm mọi cách để đạt danh vị.

Có thể mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng hãy làm một chút so sánh để có thêm cái nhìn rộng rãi hơn, để thấy thật ra bóng đá cũng chính là phản ánh xã hội nhân loại.

Bóng đá ngày nay đã mang tính tranh đấu nhiều hơn, người ta chơi bóng đá cũng vì danh vọng và tiền bạc nhiều hơn. Có thể ban đầu bạn đến với bóng đá vì đam mê, nhưng rồi những gì mà bộ máy kinh doanh bóng đá chuyên nghiệp mang tới sẽ khiến bạn rất khó để giữ được mình trước vật chất, mỹ nữ và danh tiếng. Thậm chí khi đại diện cho một quốc gia, một câu lạc bộ có hàng triệu người hâm mộ, thì bạn có thể trở thành anh hùng, hay một “vị thánh” trong lòng ai đó. Bạn sẽ luôn được đặt trong thế phải trinh phục những đỉnh cao liên tục và trở thành nô lệ cho những khát khao chiến thắng.

Bởi những giá trị được công nhận và đánh giá cao ở xã hội đã đảo ngược từ bao giờ. Người có danh vị thì sẽ có tiếng nói, bất kể lý lẽ. Người có tiền thì sẽ có tất cả bất kể có xứng đáng hay không. Người có tài thì sẽ có sự nể phục bất kể nhân phẩm. Nên danh, lợi ngày càng có vị trí cao hơn những giá trị xưa cũ về đam mê, cống hiến một cách trong sáng.

Những cuộc chơi bóng từ đó đã trở thành những cuộc chiến, cầu thủ trở nên thông thạo các tiểu xảo và bạo lực, sân cỏ có thể trở thành một thị trường sôi động, và áp lực tinh thần đôi khi đến mức vô lý từ cổ động viên hoặc từ chính bản thân họ có thể biến ngôi sao thành tội đồ muôn đời bị ghi nhớ.

Hãy bắt đầu bằng lời “tâm sự” của ngôi sao Brazil, hậu vệ Roberto Carlos. Bản thân chơi rất kỹ thuật, nhưng Carlos lại tuyên bố sẵn sàng áp dụng tiểu xảo ngã trong vùng cấm đối phương để kiếm phạt đền. Carlos còn giải thích: Chính nhờ biết dùng tiểu xảo mà Brazil đạt thành tích 4 lần VĐTG!

Thật ra, đã chơi bóng đá ắt khó tránh tiểu xảo. Thế nhưng tuyên bố như Carlos đã vượt xa mọi quy tắc fair – play của thể thao, đạp đổ mọi khuyến cáo của FIFA và những chỉ thị nghiêm khắc nhất yêu cầu trọng tài trừng phạt tiểu xảo. Nếu tất cả cầu thủ suy nghĩ và hành động như Carlos, chắc chắn đó sẽ là thảm họa cho bóng đá, cho trọng tài và cho người hâm mộ vẻ đẹp, sự trung thực trên sân cỏ.

Cùng lúc với lời phát biểu của Carlos là lời thú nhận của tiền vệ kỳ cựu Simeone. Anh thừa nhận đã thêm thắt khá nhiều, giả vờ đau để tác động trọng tài rút thẻ đỏ đuổi Beckham trong trận Anh – Argentina ở France 98. Thế là một trong những trận đấu hay nhất lịch sử Mondial đã bị bóp méo bởi tiểu xảo.

Danh sách những trận như thế vốn rất nhiều, nhiều đến mức khi thống kê, người hâm mộ rùng mình. Nổi tiếng nhất là “bàn tay của Chúa” do kịch sĩ Maradona dàn dựng trong trận Anh – Argentina ở Mexico 86.

Như để bù đắp cho sự công bằng, 4 năm sau Maradona và Argentina đón nhận quả phạt đền gây nhiều tranh cãi trong trận chung kết Argentina – Đức ở Italia 90 để rồi phải chịu nhận ngôi á quân đầy nước mắt. Nhưng khi Maradona khóc, liệu anh có nghĩ  đến sự cay đắng của thủ môn Shilton và đội Anh bốn năm trước hay không?

Có thể bóng đá đã khác, những giá trị đang dần thay đổi, những triết lý ngày càng đơn giản, những chiến thuật ngày càng hiệu quả. Có thể tôi đang tiếc nuối mà chưa nhìn ra được những nét đẹp của bóng đá hiện đại. Thật ra cũng là một sự tiếc nuối cho sự thay đổi theo hướng đi xuống của xã hội biến thiên phức tạp ngoài kia. 

Tác giả:

Tin nên đọc