Viêm amidan là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh rất dễ bị nhầm lẫn sang cảm cúm thông thường. Viêm amidan được chia thành 2 thể, đó là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính, quá phát. Viêm amidan cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm amidan mạn tính, trong đó viêm amidan hốc mủ là một dạng của viêm amidan mạn tính thường hay gặp.
Triệu chứng của bệnh viêm amidan
Các triệu chứng chính của viêm amidan là viêm và sưng amidan, đôi khi rất nghiêm trọng có thể gây nghẹt đường thở. Các triệu chứng khác bao gồm:
Đau họng; Amidan đỏ tấy; Có một lớp phủ màu trắng hoặc vàng trên amidan; Vết lở hoặc loét trên cổ họng; Đau đầu; Ăn mất ngon; Đau tai; Khó nuốt hoặc phải thở bằng miệng; Sưng các tuyến trong vùng cổ hoặc cằm; Sốt, ớn lạnh; Hơi thở khác lạ; Buồn nôn; Đau bụng.
Điều trị viêm amidan
Chia sẻ về căn bệnh này PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện An Việt - Nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng nhi bệnh viện Tai mũi họng TW cho biết viêm amidan thường bị nhầm lẫn với cảm cúm do triệu chứng của chúng khá giống nhau. Viêm amidan vốn là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, do virus, điều kiện thời tiết tiêu cực, môi trường ô nhiễm... gây ra. Bệnh vốn không khó để điều trị nhưng việc để lâu khiến bệnh thành mãn tính.
Theo PGS.TS Hoài An, việc điều trị viêm amidan không tốt không chỉ khiến bệnh thành mãn tính mà con có thể gây nhiều biến chứng khác như viêm áp xe quanh amidan, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh - khí - quản, hay thậm chí biến chứng xa có thể là viêm cơ tim, viêm cầu thận... Chính vì vậy, để tránh những biến chứng cho trẻ khi bị viêm amidan cần đưa trẻ tới các các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị dứt điểm.
Trẻ có nên cắt amidan hay không?
Nói về việc có nên cắt amidan cho trẻ nhỏ hay không, bác sĩ Hoài An giải thích, amidan là một trong những bộ phận bảo vệ cơ thể, nếu nó không bị “bệnh” thì không nên cắt, nhưng nếu nó viêm đi viêm lại nhiều lần (5 lần/ năm), gây sốt liên tục, làm suy giảm sức đề kháng của trẻ thì không cần thiết giữ lại, phải loại bỏ ngay.
Nếu amidan tái phát nhiều lần, cơ thể sẽ hình thành các kháng thể và những kháng thể này chạy đến máu, tích tụ lại trong các khớp ở tim, thận, gây ra những biến chứng như tiểu ra máu, viêm cầu thận cấp, hở van tim, suy tim, thấp khớp... rất nguy hiểm.
PGS.TS Hoài An cho biết, hiện tùy trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan cho trẻ hay không. Với một số trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định cắt amidan. Hiện nay, có phương pháp plasma được áp dụng cho việc này với những ưu điểm hơn so với các phương pháp cũ như an toàn hơn, tiết kiệm thời gian, phục hồi nhanh...
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp viêm VA hay viêm amidan đều phải phẫu thuật cắt bỏ. “Viêm VA và viêm Amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa” - bác sĩ An cho hay.
Cách chăm sóc trẻ bị viêm amidan
Trẻ em bị viêm amidan cần nhiều dưỡng chất và nghỉ ngơi. Nếu bé nuốt rất đau, việc ăn uống là khó khăn, hãy cố gắng cho bé ăn chất lỏng và các thực phẩm mềm như súp, sữa, sinh tố.
Hãy chắc chắn rằng con bạn uống nhiều chất lỏng và nghỉ ngơi nhiều. Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, như acetaminophen hoặc ibuprofen khi bé bị đau nhiều ở họng. Tuy nhiên, bố mẹ không nên cho bé uống aspirin hoặc các sản phẩm khác có chứa aspirin vì chúng có thể khiến trẻ có nguy cơ bị hội chứng Reye, một bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, bố mẹ hãy cho bé dùng ly và các đồ dùng để ăn riêng và rửa chúng trong nước nóng và xà bông. Tất cả các thành viên trong gia đình nên rửa tay thường xuyên. Cố gắng giữ cho trẻ em tránh xa những người đã bị viêm amidan hoặc đau họng và đảm bảo mọi người trong gia đình bạn rửa tay kỹ.
Tác giả: