Cách dừng xe chờ đèn đỏ ngày nắng nóng thể hiện văn hóa của mỗi người

( PHUNUTODAY ) - Hà Nội những ngày nắng 40 độ, hình ảnh chẳng còn xa lạ là các phương tiện chen lấn dừng đỗ ở nơi có bóng râm khiến đường xá thêm ách tắc và còn gây nguy hiểm đến những người đi phía sau.

Đi đường tôi vẫn hay nhường đường xe máy, xe đạp những lúc đường đông, vì tôi ngồi trong xe mát mẻ, tách biệt với khói bụi và ồn ào ngoài kia, sao phải vội vàng.

Tôi nhớ cái cảm giác phơi người giữa nắng rát, đầu thì đội mũ bảo hiểm bí rì rì. Đi lâu dưới nắng thì cái mũ đó chẳng khác gì cái lồng hấp bánh bao hay nồi nước xông chữa cảm của vợ tôi. Tôi cũng nhiều lần thầm ngả mũ thán phục các bà các cô quấn cái gọi là áo, váy chống nắng dày cộp quanh người, quanh đầu để bảo vệ làn da mà không thấy bức bối. Và cái kinh khủng nhất của việc tham gia giao thông vào ngày nắng là đang đi hưởng chút gió thông thoáng thì phải dừng lại đợi đèn đỏ.

Thế nên để tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các cô “Ninja đi xe tay ga”, tôi luôn nhường đường họ và không dám mảy may có một xíu bực bội nào nếu họ tạt đầu, đứng vào làn ô tô chỉ vì chỗ đó mát khi dừng đèn đỏ.

Vậy mà cho tới hôm nay, cái gã cáu bẳn hiếm khi dám xuất hiện trong tôi đã trỗi dậy. Tất cả chỉ vì một cô “Ninja” dừng đèn đỏ trước mũi xe của tôi. Đáng nhẽ sẽ chẳng có gì đáng nói, và tôi sẽ vẫn cư xử theo phương châm thông cảm cho những người đi xe máy của mình từ trước tới giờ. Nhưng lần này thì khác.

Trên con đường một chiều như rộng rãi hơn vào thời điểm giữa trưa dưới ánh nắng 37 độ, tôi vít ga chạy gần tới giới hạn tối đa được phép chạy trong thành phố. Bỗng một chiếc xe Lead tạt ngang đầu xe tôi từ bên phải, chắc cô ấy định rẽ trái ở ngã tư phía trước, đi một đoạn rồi phanh kít ngay trước mũi xe tôi khoảng chưa đầy chục mét.

Thiên Địa ơi, với tốc độ hơn 50km/h, tôi phanh dúi dụi và tim như dừng đập trong một khoảnh khắc. Tôi nhận ra mình vừa mới chỉ thở trở lại khi biết mũi xe mình va chạm đủ nhẹ để đẩy cô Ninja lên trên một xíu và cô ấy không sao cả.

Cô ấy loạng choạng giữ thăng bằng rồi quay lại, kéo khẩu trang xuống mắng xối xả những câu gì đó mà tôi cũng chẳng hiểu. Tôi cũng không định hiểu vì còn đang phải lấy lại nhịp thở khi hồn vừa nhập xác. Thầm cảm ơn ông Trời vì đã cho tôi kịp phản xạ chứ không thì cô Ninja kia chẳng còn đứng đó mà cất lời ở âm vực cao đến vậy.

Tôi chỉ gật gật đầu theo bản năng, xin lỗi mà chẳng hiểu mình có lỗi gì. Nhìn lại thì còn lâu mới đến ngã tư, cũng phải hai chục mét nữa, nhưng vì con đường một chiều có nhiều cây cổ thụ hai bên đường, nên cô ấy tạt luôn vào chỗ có bóng râm bên trái đường để đứng đợi đèn đỏ.

Các bạn à, việc dừng đỗ xe cũng thể hiện văn hóa của mỗi người, đừng vì một chút lợi nhỏ mà gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người. 

Dừng xe thế nào cho đúng?

Khi muốn dừng đỗ xe, người điểu khiển phương tiện phải chấp hành dừng đỗ đúng nơi quy định. Tuy nhiên, vào những ngày hè nắng nóng, khi gặp tín hiệu đèn đỏ, nhiều người thường tìm bóng cây râm mát để dừng xe mà không dừng ngay sau vạch kẻ tại vị trí đặt đèn tín hiệu giao thông.

Tại các ngã tư có đặt đèn tín hiệu giao thông hoặc có người điều khiển giao thông sẽ có vạch dừng xe (vạch 7.1) theo QCVN 41:2016/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT.

Theo đó, vạch 7.1 chỉ rõ vị trí xe phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ hoặc khi có biển số R.112. Vạch này kẻ ngang toàn bộ đường của hướng xe chạy.

Vạch cũng dùng để xác định vị trí người điều khiển phải dừng lại trong các điều kiện nhất định ở một số vị trí như: trên nhánh dẫn tới nút giao cùng mức với đường sắt, trên làn chờ rẽ trái trong phạm vi nút giao, trước vị trí vạch người đi bộ qua đường.

Mức phạt đối với người dừng xe ở bóng râm chờ đèn đỏ

Những trường hợp chọn chỗ bóng râm tránh nắng nóng để dừng khi có đèn đỏ được coi như dừng đỗ xe trên đường và bị xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, điểm đ, điểm h khoản 3 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với người điều khiển xe máy dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; đỗ, để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; dừng xe, đỗ xe trên điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường…

Với người điều khiển ô tô, mức phạt cho hành vi nêu trên từ 600.000 - 800.000 đồng (theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

Tác giả:

Tin nên đọc