Cách phân biệt thịt lợn tươi - thịt lợn ươn đơn giản, chính xác nhất

( PHUNUTODAY ) - Có nhiều cách để nhận biết thịt lợn tươi - thịt lợn ươn đơn giản, chính xác nhất. Các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé

Cách phân biệt thịt lợn tươi - thịt lợn ươn đơn giản, chính xác nhất

Thịt lợn là một loại thực phẩm rất quen thuộc đối với nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, hiện nay vì chạy theo lợi nhuận nên rất nhiều thịt lợn kém chất lượng được bày bán vậy làm thế nào để có thể chọn được những miếng thịt lợn ngon nhất để chế biến món ăn cho gia đình, bạn hãy cùng theo dõi những bí quyết dưới đây nhé.

Cách 1

 

- Thịt tươi: Mặt ngoài có lớp màng khô, bề mặt hơi se lại. Ở mặt cắt của thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn, độ đàn hồi tốt (lấy ngón tay ấn vào thịt khi buông ra không để lại vết móng tay). Mỡ có màu sáng, độ chắc, có mùi thơm đặc trưng. Mặt khớp xương láng và trong, dịch hoạt trong. Tuỷ bám chặt vào thành ống tuỷ, đàn hồi.

- Thịt ôi: Mặt ngoài miếng thịt bắt đầu nhớt, hoặc nhớt nhiều (tuỳ mức độ ôi), mặt cắt hơi ướt, độ dàn hồi kém (ấn ngón tay vào thịt khi buông ra còn để lại vết lõm tay). Mỡ tối màu, độ chắc giảm, có mùi ôi. Mặt khớp xương có nhiều nhớt, dịch hoạt đục. Tuỷ dễ tróc ra khỏi ống, màu sắc đã tối hoặc nâu.

- Thịt lợn già hoặc lợn nái: Thớ thịt nhão có màu đỏ sẫm, da dầy.

- Thịt lợn bệnh: Thớ thịt nhão, mỡ vàng hoà trong thớ thịt có thể có hạt trắng đục. Trong gan bầu dục có những chấm nhỏ. Bì lợn có thể có những mảng xuất huyết tròn hoặc bầu dục. Có thể bì không còn nguyên vẹn, bị khoét từng đám (do cắt bỏ ung nhọt hoặc màng xuất huyết).

- Không nên mua thịt lợn quá già hoặc quá non. Chỉ nên mua loại thịt lợn vừa lứa có màu hồng, bì mỏng. Thịt nạc có 2 loại: thịt thăn và thịt nạc mông. Thịt thăn ngon hơn, xào nấu ngọt nhưng nêu để quá lửa sẽ bã và khô. Thịt nạc mông mềm hơn.

- Với chân giò, nên chọn mua chân giò sau vì có nhiều thịt và bì mềm.

- Nếu mua mỡ lợn để rán lấy nước thì chọn mỡ lá to, màu hơi trắng hồng.

Cách 2

 

-Trạng thái bên ngoài:

Thịt tươi: Màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả. Mỡ có màu sắc, độ rắn, mùi vị bình thường. Mặt khớp láng và trong.

Thịt kém tươi và ôi: Màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí còn bị đen không bóng. Màng ngoài nhớt nhiều hay bắt đầu nhớt. Mỡ màu tối độ rắn giảm sút, mùi bị ôi. Mặt khớp có nhiều nhớt.

-Vết cắt:

Thịt tươi: Màu sắc bình thường, sáng khô

Thịt kém tươi và ôi: Màu sắc hơi tối, hơi ướt.

-Độ rắn và độ đàn hồi:

Thịt tươi: Rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngon tay ra và không bị dính.

Thịt ôi: Vết lõm còn lâu, không trở lại bình thường, dính nhiều.

Thịt kém tươi: Khi ấn ngón tay để lại vết lõm sau đó trở về bình thường, dính.

-Tủy:

Thịt tươi: Bám chặt vào thành ống tủy, màu trong, đàn hồi.

Kém tươi và ôi: Tủy róc ra khỏi ống tủy, màu tối hoặc nâu, mùi hôi.

-Nước canh, nước luộc:

Thịt tươi: Nước canh trong, mùi vị thơm ngon, trên mặt có nỏi một lớp váng với vết mỡ to

Thịt kém tươi: Nước canh đục, mùi vị hôi, trên mặt lớp mỡ tách thành từng vết nhỏ.

Thịt ôi: Nước canh đục, vẩn, mùi vị hôi, hầu như không còn vết mỡ nữa.

Tác giả: Phạm Đông