Nhân dịp Festival Áo dài Hà Nội, diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, câu chuyện cách tân áo dài đã trở thành chủ đề gây sự chú ý của công chúng. Cũng tại Festival này, nhiều mẫu áo dài cách tân cũng đã được các nhà thiết kế ra mắt.
Có thể nói, câu chuyện cách tân áo dài vẫn là chủ đề chưa có hồi kết bởi nhiều ý kiến cho rằng để định hình một chiếc áo dài đúng truyền thống không hề là chuyện dễ dàng. Chuyện cách tân áo dài là cả một quá trình từ xưa đến nay. Ngược dòng lịch sử có thể thấy ngay từ những năm 30 của thế kỷ trước, áo dài cách tân ra đời đã phá vỡ mọi chuẩn mực trong xã hội.
Từ một chiếc áo dài lùng thùng, áo dài được cải tiến thành áo dài cách tân có hai thân mặc kèm quần thay cho váy. Đến những năm 50, áo dài đã được định hình và trở thành một thiết kế truyền thống. Đến những năm 60 – 70, áo dài một lần nữa được cách tân với vạt ngắn hơn, phóng khoáng hơn, thoải mái hơn… Đến ngày nay, thiết kế hai vạt dài trở lại và được chị em phụ nữ đón nhận.
Có thể thấy trải qua nhiều giai đoạn phát triển, áo dài sau khi được cách tân đã hướng đến sự tiên lợi, thoải mái cho người phụ nữ, khiến họ cảm thấy năng động hơn vì có thể mặc áo dài đi làm mà vẫn giữ được sự nữ tính cần thiết. Việc cách tân áo dài được diễn ra liên tục và gắn bó trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam qua nhiều thời kỳ khác nhau. Áo dài cũng đã đi vào tiềm thức của mỗi người phụ nữ Việt Nam hiện đại dù họ làm bất kể ngành nghề gì, công việc nào và địa vị xã hội ra sao.
Thế nhưng, việc cách tân áo dài thời gian gần đây đang có xu hướng… tùy tiên hóa. Chính sự tùy tiện đó đã tạo ra những thiết kế hết sức thảm họa và tạo thành lối ăn mặc lố lăng khiến những người yêu mến tà áo dài ngán ngẩm. Những chiếc áo dài khoe da thịt phản cảm, những sự kết hợp kỳ dị đang làm tà áo dài đang ngày càng bị méo mó. Nhìn cảnh thiếu nữ mặc áo dài mà xắn tay áo, xắn tà tận bụng, cởi phanh hàng nút cho… đỡ nóng, nhìn rất thiếu thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây lại xuất hiện xu hướng áo dài… không quần, xu hướng này đang trở thành một mốt nguy hiểm đe dọa những nét đẹp truyền thống của áo dài. Điển hình cho những thảm họa này là Đồng Lan, Mai Khôi… với những thiết kế kỳ dị. Trước đây xu hướng quần jean thay thế quần truyền thống của áo dài cũng đã tạo ra những thiết kế khó coi.
Áo dài đã đi vào thơ ca, trong tiềm thức không chỉ người Việt mà còn cả trong mắt bạn bè quốc tế. Nhiều ý kiến còn cho rằng chiếc áo dài thướt tha của người phụ nữ Việt Nam cũng mềm mại như dải đất hình chữ S của đất nước. Sự mềm mại duyên dáng của người phụ nữ đều được lột tả trong tà áo dài. Vì vậy để giữ được vẻ đẹp này thì cách tân áo dài dù thế nào đi chăng nữa thì cũng phải tạo ra được sự mượt mà, đẹp mắt mà vẫn tiện dụng. Mỗi thời mỗi xu hướng, có thể thời nay tay ngắn hơn một chút, cổ áo có thể xẻ rộng một chút, tà áo ngắn đi đôi chút tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải giữ gìn được cái gốc của áo dài.
Việc cách tân thế nào, giữ gìn truyền thống như thế nào là trách nhiệm của những nhà hoạt động thời trang. Khi tạo ra một mẫu áo dài mới không có nghĩa họ sẽ phá vỡ những nét đẹp truyền thống lấy lý do vì nghệ thuật. Nghệ thuật phải vị nhân sinh. Áo dài chỉ đẹp trong một sự hấp dẫn kín đáo.
Bên cạnh đó, người phụ nữ khi mặc chiếc áo dài cũng cần phải biết rằng mình đang mang một sứ mệnh thiêng liêng trên người, chiếc áo dài không còn là trang phục đơn thuần nữa mà nó còn là phương tiện để quảng bá văn hóa của đất nước.
Cách tân áo dài có thể coi đó là một xu hướng tốt tuy nhiên sự cách tân nào phải dựa trên truyền thống chứ không phải cách tân tùy tiện. Áo dài đã trở thành văn hóa và văn hóa thì không thể lai căng tùy tiện.
Tác giả: Phạm Văn Hải