Vạn lần tính toán của người, cũng không bằng một lần tính toán của trời
Người tính không bằng trời tính. Tính toán của ông trời là dựa vào gì đây? Chính là dựa vào “đức” của một người. “Đức” có thể bảo hộ con người trong suốt cuộc đời, “đức” cũng có thể giúp một người đường đời trắc trở chuyển nguy thành an, kéo dài tuổi thọ. Nhưng nếu lấy ngày sinh thì rất khó tính được chuẩn xác, bởi ngoài bát tự ra, nó còn liên quan rất nhiều nhân tố của các phương diện khác nữa . Ví như mọi người thường nói: Tích đức có thể kéo dài tuổi thọ, tổn đức thì tổn thọ. Cũng có câu nói lộc hết thì mệnh cũng theo đó mà hết.
Trong “Kinh Thi” cũng có giảng: Con người ta những lúc thường nên nghĩ đến hành vi việc làm của bản thân mình có phù hợp với đạo trời hay không. Rất nhiều phúc báo, không cần cầu cạnh, tự nhiên sẽ có. Bởi vậy, cầu họa cầu phúc, toàn dựa vào bản thân cả. Tuy nói là mọi chuyện trời đã định sẵn, nhưng vẫn là có thể thay đổi được. Chỉ cần bạn mở rộng thiên tính đạo đức vốn có của mình, gắng sức làm nhiều việc thiện, lại biết thủ đức, không làm chuyện xấu… đây là phúc mà chính bạn gây dựng, người khác dù có muốn lấy đi cũng không lấy được.
Hành xử thuận theo chuẩn tắc và quy luật của đạo trời
Những việc con người làm, nếu là trái với đạo trời đều rất nguy hiểm. Hiểu được như vậy, con người sẽ khiêm tốn hơn một chút. Với trời đất, với quỷ thần, với tự nhiên, đều có lòng kính sợ. Chứ không giống như bây giờ, rất nhiều người đều không chút kiêng nể hay sợ hãi gì, thật quả là rất đáng sợ. Nhưng bây giờ, rất ít người có loại tâm kính sợ này. Ngày trước có câu chuyện Lý Thuần Phong dự đoán mệnh số triều Đường: Ông nói với Đường Thái Tông rằng có một người họ Võ đến tranh đoạt thiên hạ Đại Đường, hơn nữa người này nay đã ở trong cung rồi.
Đường Thái Tông nói: thế thì trẫm sẽ giết hết tất cả những người họ Võ trong cung, như vậy có thể chặn đứng hậu họa rồi.
Lý Thuần Phong nói: đây vốn là kiếp số vốn có của dòng tộc Lý Đường, nhưng vẫn còn may, người này về sau sẽ trả lại thiên hạ cho họ Lý của bệ hạ. Nếu giờ bệ hạ giết chết ả, đây là nghịch lại ý trời, thiên thượng sẽ cử một người càng xấu ác hơn đến thực thi việc này, khi đó hậu quả thật không thể lường trước được. Nghe Thuần Phong nói như vậy, Đường Thái Tông liền nghe theo.
Cái mà con người ngày nay thiếu chính là thiếu loại trí huệ như của Lý Thuần Phong này. Rất nhiều người đều là dựa vào thủ đoạn cứng nhắc mà đi tranh giành, kiện cáo, hoặc tìm kiếm các mối quan hệ… nhằm mưu lợi cho mình và chiếm đoạt của người khác. Những việc này đều rất hao tổn phúc báo. Trước mắt bạn có thể chiến thắng, đó là bởi phúc báo của bạn lớn. Nhưng chỉ cần cái tâm tranh đấu của con người ta vẫn còn thì dẫu cho bạn thua, hay là bạn thắng, bạn cũng đã kết phải ác duyên với người ta rồi.
“Không cầu mà tự được” là gì?
Trong các mối quan hệ, chỉ có “không cầu” thì mới không màng hồi báo, không có oán hận. Trong các cuộc gặp gỡ của cuộc đời, chỉ có “không cầu” thì mới không để tâm đến “được và mất”, mới sống được thoải mái và tự tại.
“Không cầu” là một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới cao của người trí huệ. Người hiện đại có thể cũng nhìn nhận rằng “không cầu” là khởi điểm của con đường dẫn đến thành công. Ví như, tiền tài danh vọng khiến con người ta truy cầu phấn đấu nhưng cũng có thể khiến con người rơi vào vực sâu vạn trượng. Cho nên, không coi nặng tiền bạc danh vọng thì mới có thể sống được nhẹ nhõm thoải mái.
“Không cầu mà tự được” là có ý muốn nói rằng: Trong cuộc sống sa vào vật chất, con người sẽ thường bị mê hoặc, không thanh tỉnh. Khi người ta càng có tâm chấp nhất vào nó thì lại càng lo lắng mà nhìn không rõ được bản chất và tình thế của sự vật, sự việc. Còn khi trong tâm cảm thấy thoải mái, con người mới có thể “trổ hết tài năng” mà nhìn thấu được nó, đồng thời cũng minh bạch được hướng mà mình nên đi. Đó chẳng phải là “tự được” sao?
“Không cầu mà tự được” còn có một tầng ý nghĩa nữa, đó là “người tính không bằng trời tính!” Trong cuộc đời, khi con người dồn hết tâm trí vào cố gắng, truy cầu thì thường cũng không hoàn toàn được như ý. Có câu nói: “Cố tình trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”, đây mới là thuận theo tự nhiên và số mệnh đã định.
Người xưa viết: “Ở trong phòng gõ chuông, tiếng vang có thể truyền vọng ra bên ngoài. Con hạc kêu trong đầm nước sâu, âm thanh của nó truyền đến tận không trung.” Cho nên, nếu có thể nỗ lực đặt tâm tu dưỡng tâm tính và thân thể thì sao còn sợ không có được vinh quang?
Sách cổ cũng viết: “Trời không bởi vì con người sợ lạnh mà bỏ đi mùa đông. Đất không bởi vì con người chán ghét hiểm trở mà thôi không rộng lớn. Người quân tử không bởi vì kẻ tiểu nhân mà thay đổi phẩm hạnh của mình. Trời đất có quy luật vận hành nhất định, người quân tử có phẩm hạnh vĩnh cửu. Người quân tử có con đường đứng đắn, tiểu nhân chỉ tính toán tư lợi bản thân.” Cho nên, cưỡng cầu cũng khó được, sống thuận theo tự nhiên, “không cầu mà tự được”!
Tác giả: