Chuyên gia nói gì về thói quen chan canh khi ăn cơm?
Giáo sư Đường Đại Hàn, khoa Dinh dưỡng thuộc Bệnh viện Tương Nhã II - Đại học Trung Nam (Hồ Nam, Trung Quốc), cho rằng: Cơm chan canh là cách ăn uống sai lầm và gây bất lợi cho dạ dày, đặc biệt với người cao tuổi và trẻ em.
Theo các chuyên gia y tế, mặc dù nước canh sẽ khiến chúng ta dễ nuốt hơn nhưng cũng khiến lượng cơm và thức ăn trôi tuột vào dạ dày mà chưa được nhai kĩ. Điều này vô cùng nguy hiểm, nếu duy trì thói quen này lâu dài sẽ khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn, co bóp nhiều hơn, dễ dẫn đến bệnh dạ dày.
Chuyên gia lý giải, khi nhai thức ăn, enzym trong nước bọt tiết ra hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, rất có lợi cho sức khỏe.
Quá trình ăn chậm rãi, nhai kĩ sẽ ăn lượng cơm vừa đủ, không giống khi ta ăn cơm chan canh, ăn “ào ào” một lúc 3-4 bát chưa kịp cảm nhận cảm giác no, rất có hại cho dạ dày. Chan canh ăn cơm khiến quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm, tạo cảm giác nhanh no nhưng thực chất lượng dinh dưỡng rất ít, chỉ ăn cơm và canh mà không ăn thức ăn.
Thói quen này nếu các phụ huynh “truyền” lại cho con trẻ sẽ vô cùng nguy hiểm. Thói quen này sẽ tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ, dạ dày trẻ sẽ phải co bóp “vất vả”.
Những tác hại với sức khỏe
Giáo sư Phạm Trúc Bình, Bệnh viện Nhân Tế (Thượng Hải, Trung Quốc), đồng quan điểm với giáo sư Đường Đại Hàn. Bác sĩ Phạm chia sẻ, thói quen ăn cơm chan canh về lâu dài có thể gây hại dạ dày.
Bên cạnh đó, cách ăn cơm này còn đặc biệt gây ra nhiều nguy hại cho những đối tượng dưới đây.
Với trẻ em
Hại đường tiêu hóa
Khi ăn cơm chan canh hay kể cả là uống nước kèm cũng đều gây ảnh hưởng xấu đến việc tiêu hóa. Nước canh sẽ khiến loãng dịch vị trong bao tử, đường ruột khiến thức ăn chưa kịp được tiêu hóa hết đã phải xuống ruột. Ngoài ra khi chan canh, trẻ rất dễ nuốt vội, không nhai kỹ. Hệ tiêu hóa của trẻ chỉ mới phát triển, nếu kéo dài thói quen ăn uống như thế sẽ sớm dẫn đến đau bao tử.
Trẻ bị thiếu chất
Khi nhai, lượng enzyme trong nước bọt giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng ở thức ăn vào cơ thể tốt hơn. Chan canh sẽ khiến lợi ích này bị mất đi, dẫn đến việc trẻ chỉ thấy “no ảo” nhưng thật ra lượng dinh dưỡng lại không nhiều.
Hạn chế phản xạ nhai
Ngay từ bé, trẻ cần học cách ăn uống khoa học. Khi ăn cơm riêng với canh, trẻ sẽ tập được phản xạ nhai của mình, giúp cơ hàm phát triển đúng mức, vừa giúp các cơ quan ở cơ thể phối hợp nhịp nhàng.
Trẻ ngán ăn
Ăn cơm chan canh sẽ khiến trẻ không cảm nhận hết mùi vị của đồ ăn, ảnh hưởng đến vị giác của trẻ. Điều này khiến trẻ nhanh ngán, không muốn ăn dù mẹ có cố gắng thay đổi khẩu vị như thế nào đi nữa.* Với người cao tuổi
Đối với người tuổi tác đã cao, cơ năng của nhiều cơ quan trong cơ thể đã bị lão hóa, chức năng tiêu hóa – hấp thu cũng ngày một suy giảm.
Việc thường xuyên ăn cơm chan canh có thể khiến người cao tuổi gặp phải các bệnh về đường ruột.
Người bị bệnh gout và bệnh tim mạch
Các chuyên gia ở Bệnh viện Triều Dương (Bắc Kinh) cho rằng, những người mắc gout và có tiền sử về các bệnh tim mạch cần hạn chế ăn cơm chan canh.
Nguyên nhân là bởi nước canh thường chứa nhiều purine, thậm chí có nhiều loại nước dùng còn chứa hàm lượng cao muối và chất béo, gây ra những tác động không tốt đối với tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Chuyên gia đưa lời khuyên
ThS.BS Nguyễn Bạch Đằng, bộ môn Tiêu hóa, Học viện Quân y, cũng chia sẻ chan nước canh khiến trẻ ăn nhanh, no ảo, dẫn tới thiếu chất. Về lâu dài, thói quen này sẽ tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ.
Khi dùng bữa phải đảm bảo nguyên tắc ăn từ từ, nhai kĩ để cảm nhận hết vị của món ăn, vừa tạo điều kiện cho các cơ quan phối hoạt động nhịp nhàng. Đặc biệt, trẻ nhỏ, cần sớm tạo lập thói quen ăn uống khoa học.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng cho rằng không nên sử dụng đồ uống có ga trong bữa cơm, do lượng carbon dioxide dễ làm tăng áp lực, dẫn tới giãn dạ dày cấp.
Ăn lịch sự và đúng cách là uống một bát nước canh trước khi ăn hoặc sau khi hết bữa. Không chan canh hết bát này đến bát khác mà chan canh khi còn 1/3 lượng cơm trong bát, lượng canh vừa đủ.
Khi ăn phải nhai kỹ, chậm rãi để thức ăn mềm như nước rồi mới nuốt, nếu uống nước trong khi ăn cần uống từ từ từng ngụm nhỏ một.
Những người muốn ăn kiêng hoặc giảm cân thì nên uống 1-2 bát canh trước bữa ăn để tạo cảm giác no, ngăn chặn việc ăn quá nhiều cơm. Còn trẻ nhỏ nên cho uống canh sau cùng để tránh làm cho trẻ có cảm giác no, không muốn ăn khi vào bữa.
Tác giả: