Thời trẻ, hồi những năm 30 tuổi, cha tôi đã là một người kinh doanh về ngành xây dựng. Ông nổi tiếng trong ngành bởi đầu óc kinh doanh, làm việc cũng chững chạc và tháo vát, nhưng lăn lộn trong nghề đã nhiều năm mà sự nghiệp vẫn không có khởi sắc, cuối cùng bị phá sản kết thúc sự nghiệp.
Trong những tháng ngày suy sụp và tăm tối đó, ông đã liên tục suy nghĩ về lý do thất bại của mình, nhưng nghĩ đến nát óc vẫn không thể tìm được ra câu trả lời.
Cha tôi bảo, đó là những ngày tháng vô cùng khổ cực với hàng trăm mâu thuẫn giằng xé. Ông tự vấn bản thân, xét về tài trí, sự cần cù siêng năng hay là óc chiến lược, thì ông không thua kém bất kì ai, nhưng tại sao người khác thành công, còn ông lại càng ngày càng xa rời thành công chứ?
Lúc mệt mỏi chán chường, cha tôi đã ra ngoài đường, cứ đi suốt mà không có mục đích, khi đi ngang qua một quầy báo, ông mua một tờ báo rồi hững hờ giở ra đọc. Ông bảo với tôi: "Đó là khoảnh khắc định mệnh làm thay đổi cuộc đời ta vĩnh viễn"!
Cha kể, cha cứ đọc, cứ đọc. Bất ngờ ông sững lại trước một bài báo. "Bài viết đó như tia lửa điện, đánh thẳng vào não bộ của ta. Máu nóng toàn thân chảy rần rần. Ta hiểu, mình cần phải làm gì".
Quả nhiên, ngay buổi chiều hôm đó, ông trở về nhà, gom góp, vay mượn bạn bè được 10 triệu đồng làm vốn, và tiếp tục lăn vào thương trường chinh chiến.
Lần này, việc kinh doanh của ông dường như có phép màu vậy, từ cửa hàng tạp hóa cho tới xưởng xi măng, từ nhà thầu cho tới kinh doanh xây dựng, tất cả đều thuận buồm xuôi gió, các đối tác làm ăn cứ lũ lượt kéo đến.
Chỉ trong thời gian vỏn vẹn vài năm, tài sản của cha tôi đã tăng vụt lên 1 tỷ, tạo ra một câu chuyện huyền thoại về kinh doanh thời điểm ấy.
Trở thành "người nổi tiếng", rất nhiều phóng viên đến phỏng vấn hỏi cha tôi về bí quyết gây dựng lại sự nghiệp sa cơ, ông chỉ tiết lộ bốn chữ: "Chỉ giữ 6 phần".
Sau đó một vài năm nữa, tài sản của ông như lăn quả bóng tuyết vậy, càng ngày càng lớn hơn, lên đến con số cả 10 tỷ.
Cha tôi vừa kinh doanh, vừa tham gia diễn thuyết ở các trường đại học theo lời mời của phía nhà trường. Họ muốn cha tôi truyền cho các bạn sinh viên trẻ bí quyết làm giàu. Quả thực, có nhiều sinh viên liên tục đặt ra câu hỏi ông rốt cục đã dùng bí quyết gì để biến con số 10 triệu thành 10 tỷ. Ông đã cười và trả lời rằng; "Bởi vì tôi luôn kiên quyết bớt đi hai phần".
Các em sinh viên nghe xong vẫn cứ thấy mơ hồ không hiểu.
Nhìn vào ánh mắt khao khát thành công của các em sinh viên, cuối cùng cha tôi đã kể một câu chuyện trong quá khứ. Ông kể rằng, năm ấy khi ông tình cờ nhìn thấy một bài viết phỏng vấn một ông trùm kinh doanh lúc mình đang ở trên phố, ông đã rất cảm động sau khi đọc xong bài viết đó.
Phóng viên hỏi ông trùm kinh doanh rằng: "Cha ngài rốt cuộc đã dạy cho ngài biết bí quyết gì để kiếm tiền?". Ông ấy trả lời: "Cha tôi không bao giờ nói cho tôi biết cách để kiếm tiền, mà ông chỉ dạy tôi một số đạo lý đối nhân xử thế mà thôi". Phóng viên ngạc nhiên, tỏ vẻ không tin.
Ông trùm kinh doanh nói tiếp: "Cha tôi từng căn dặn tôi rằng, khi con hợp tác với người ta, nếu như con thấy lấy 7 phần là hợp lý, hay 8 phần cũng được, vậy thì chúng ta chỉ cần lấy 6 phần thôi là được rồi".
Nói đến đây, cha tôi cảm động nói rằng mình đã đọc đi đọc lại bài phỏng vấn này cả trăm lần, và cuối cùng mới hiểu ra một đạo lý: "Làm người, cảnh giới cao nhất chính là tử tế, cho nên cảnh giới cao nhất của người thông minh, ưu tú cũng là tử tế".
Làm con của doanh nhân, dù không theo nghiệp kinh doanh của cha, nhưng những lời răn dạy của ông về lẽ sống, về cách đối nhân xử thế luôn hiện diện trong đời sống của anh em chúng tôi.
Tôi hiểu rằng, cả tôi hay các bạn đều mong gặt hái được chút thu hoạch khi bắt tay làm bất cứ việc gì đó, nhưng hãy nhớ rằng: Chiến thắng nhỏ dựa vào trí tuệ, chiến thắng lớn dựa vào đạo đức. Chỉ cần hiểu được đuổi theo lợi nhuận là hành động của người bình thường; còn chia sẻ lợi nhuận là hành động của người phi thường.
Ngày nay, người ta nhắc nhiều đến chữ tử tế
Gần đây nhất, PGS Văn Như Cương, người mà khi nằm xuống, trong lễ tang chỉ còn đề duy nhất một từ trang trọng: Nhà giáo Văn Như Cương, cũng từng nói về chủ đề này. Ông dặn dò học sinh: “Các em có thể trở thành người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác, nhưng trước hết phải là người tử tế”.
Tôi rất tâm đắc lời dặn dò này, không chỉ bởi chữ tử tế mà ông để lại mà đằng sau đó là một quan niệm. Có nhiều bậc cha mẹ từng ước ao rằng: Con không cần phải là người giỏi giang, thành đạt, con chỉ cần là người tử tế và khỏe mạnh là được rồi. Tôi cũng đã từng đề cập trong một bài viết, đó chỉ là mong ước số hai. Mong ước số một của rất nhiều đấng sinh thành là muốn con vừa thành đạt vừa tử tế lẫn khỏe mạnh.
Bởi vậy, lời dặn của nhà giáo Văn Như Cương không phải theo mô típ: “Các con không cần phải là người nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ….”, mà ông dùng từ “có thể”. Người ta hoàn toàn có thể vừa thành đạt vừa thành công và cũng vừa là người tử tế được chứ.
Napoleon từng nói: “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”. Người tốt cũng như người tử tế, họ luôn được có chỗ đứng trong lòng mỗi người ở sự trân trọng, đôi khi cái tốt và sự tử tế trở nên lạc lõng hoặc điên rồ. Nhưng nó ít nhiều đem lại những tác động thay đổi nào đó.
Tác giả: