Khoe của – câu chuyện không hồi kết
Có muôn hình vạn trạng các cách khoe của trên mạng xã hội. Mỗi thời điểm, mỗi quốc gia lại có một kiểu khoe mẽ khác nhau, nhưng dường như đều có điểm chung là… lố bịch. Có lẽ “Khoe của” vẫn là thói quen khó bỏ của nhiều người, một câu chuyện không hồi kết của những người “bế tắc không có cách để thể hiện bản thân”.
Cách đây không lâu, trên một trang mạng xã hội của riêng con nhà giàu Châu Phi, một cô chủ đã khoe thú cưng của mình là một chú rùa mang trên mình “chiếc áo” nhãn hiệu Gucci được thiết kế riêng. Không biết khi đưa những hình ảnh ấy lên cô có nhớ đến những đứa trẻ ở đất nước mình không có một đôi dép tử tế để đi và hằng ngày đang vật vã chiến đấu với cơn đói.
Tuy nhiên, cô gái trên không phải là trường hợp hiếm gặp thích khoe khoang cách sống “ngập trong tiền” trên mạng xã hội. Hơn nữa, cấp độ của việc khoe mẽ ngày càng gia tăng khi mới đây những bức ảnh lấy cả tá iPhone mới để làm chậu trồng cây, ngồi thiền trên đống tiền hay tắm bằng sâm-panh hảo hạng, lấy Macbook thay giấy viết bài thuyết trình xuất hiện…
Quay trở lại Việt Nam, cấp độ khoe khoang của các đại gia nước mình cũng không kém cạnh. Năm 2014, trên mạng xã hội và các diễn đàn giải trí liên tục chia sẻ hình ảnh một người đàn ông ở trung tâm thương mại Vincom, Bà Triệu đeo hàng kg vàng trên người. Người đàn ông này đã gây huyên náo cả trung tâm thương mại và khiến ai nấy đều choáng ngợp trước lượng vào mà anh đeo: Từ nhẫn đến đồng hồ, vòng cổ… thậm chí hai bàn tay cũng giống như được dát vàng.
Khoe khoang cái gì thì chính là trong lòng đang khuyết thiếu cái ấy
Theo nhiều nghiên cứu về tâm lý, khi một người quá để tâm đến điểm nào thì điều đó càng thể hiện rằng bản thân người đó đang tự ti ở điểm ấy.
Như vậy, nguyên nhân sâu xa của căn bệnh thích khoe mẽ lại xuất phát từ nỗi sợ to lớn đang ẩn giấu trong tâm. Họ sợ mình bị coi thường, sợ người khác biết mình không có gì cả, sợ không phải là trung tâm của vũ trụ…. Thế nên, họ buộc phải thổi phồng mình lên như một quả bóng bay – to đùng nhưng rỗng tuếch.
Thực ra, ai cũng có những mặc cảm và nỗi sợ riêng, nhưng có những nỗi sợ có thể khiến người ta thông cảm và đồng cảm, còn có những nỗi sợ chỉ khiến người ta cảm thấy họ thật đáng thương hại. Người ta vẫn nói, có 1 mà biết khiêm tốn thì sẽ khiến người ta biết trân trọng hơn là giỏi 10 mà cứ thích khoe ra.
Nếu bạn thân, người yêu, người thân của bạn mắc chứng khoe khoang, khoác lác, thích nổ, bạn muốn “điều trị” căn bệnh này, hãy thật sự kiên nhẫn và khéo léo thực hiện “chiến thuật” sau:
Một là giữ thái độ im lặng, thờ ơ, bỏ ngoài tai, không thèm nhìn, chẳng thèm quan tâm tới thứ mà người thân, người yêu của bạn khoe khoang. Mục đích khoe khoang là để được chú ý, được trầm trồ, vậy mà anh ta khoe mãi, mình cũng coi như không nghe thấy, dần dần “bệnh nổ” sẽ đỡ.
Thứ hai, hễ anh ta, cô ta khoe cái gì, hãy xin, hãy hỏi mượn, hãy yêu cầu cho xem cái đó. Khoe giàu hả, cho em mượn (vay) một ít, khi nào có em trả. Khoe điện thoại sịn à, hỏi cho mượn để chụp ảnh. Khoe có xe đẹp, ô tô mới, hãy nhờ “chở em đi chơi”. Vài bữa như thế là chán ngay.
Thứ ba, lấy độc trị độc. Anh ta khoe là “cháu bác bí thư quận ủy, mình kể là cháu bác bộ trưởng luôn. Anh ta khoe có 8 cô gái theo đuổi anh ta, nhiều cô “xin chết”, sẵn sàng dâng hiến. Bạn hãy khoe rằng có 5 anh tổng giám đốc người nước ngoài đòi cưới, có anh còn bảo nếu chấp nhận lấy anh ta, anh ta sẽ mua cho chiếc máy bay riêng. Bệnh sẽ sớm hết, nếu dùng loại “thuốc độc” này.
Thứ tư, dù hơi thô, nhưng cũng có hiệu quả, đó là bóc mẽ anh ta luôn. Anh ta khoe có quen thân với ca sĩ nọ, người mẫu kia, bạn nói luôn rằng “anh nổ vừa thôi, anh làm cái gì mà quen được ca sĩ ấy, người mẫu nọ”. Anh ta khoe tấm hình chụp dưới chân tháp Ep – phen, bạn chỉ ra kỹ thuật ghép ảnh, photoshop ảnh. Anh ta sẽ sớm … bỏ chứng thích nổ.
Cuối cùng, nếu có thể, hãy nói trực tiếp với anh ấy/ cô ấy rằng “với em/ với anh… anh không cần khoe khoang đâu, em không thích người một tấc đến trởi. Thích khoe khoang thì tùy ah, nhưng có mặt em, anh đừng làm thế nhé!”.
Tác giả: