Các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi. Ngoài những thủ đoạn lừa đảo như cuộc gọi video deepfake; giả danh cơ quan thuế, công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao…, hình thức lừa chiếm quyền điều khiển điện thoại cũng nở rộ gần đây.
Phía Techcombank cho biết: "Thời gian gần đây các nhóm tội phạm sử dụng công nghệ có xu hướng chuyển mục tiêu sang chính thiết bị di động được khách hàng sử dụng. Một trong các thủ đoạn phổ biến và hiệu quả của kẻ gian là dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng (app) có chứa mã độc, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị di động, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tài sản."
Cụ thể, sau khi chiếm quyền truy cập điện thoại, kẻ gian có thể sử dụng tính năng cuộc gọi, danh bạ, hình ảnh, tin nhắn, máy ảnh... để tương tác trên màn hình mà không cần tác động từ người chủ sở hữu thiết bị. Từ đó đánh cắp thông tin đăng nhập, truy vấn thông tin tài khoản ngân hàng, thực hiện từ xa các giao dịch chuyển tiền. Tin nhắn bị ẩn nên nạn nhân không hay biết tiền đã bị mất.
Pin điện thoại nhanh chóng giảm dù không sử dụng
Nếu tình trạng pin điện thoại đột nhiên xuống cấp nhanh hơn bình thường, đó có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy điện thoại có thể bị cài đặt một số phần mềm gián điệp. Điện thoại di động bị theo dõi có thể ghi lại các cuộc trò chuyện và gửi dữ liệu cho bên thứ ba, do đó làm tăng mức sử dụng pin.
Tình trạng pin điện thoại thông minh của bạn có thể xuống cấp nhanh hơn vì nhiều lý do và tính năng theo dõi điện thoại chỉ là một trong số đó.
Điện thoại hiển thị hoạt động khi không sử dụng
Trong trường hợp điện thoại sáng lên ngẫu nhiên hoặc phát ra âm thanh ngay cả khi không sử dụng, đó là dấu hiệu cho thấy điện thoại có thể đã cài đặt một số phần mềm gián điệp. Hãy đảm bảo màn hình điện thoại tắt hoặc tối khi ở chế độ chờ.
Xuất hiện cuộc gọi và tin nhắn đến số lạ
Kiểm tra danh sách các cuộc gọi hoặc tin nhắn tới số lạ. Người dùng nên cảnh giác vì đây có thể là các đầu số nước ngoài để ăn cắp cước viễn thông, kèm phần mềm độc hại đang buộc điện thoại của bạn liên hệ. Theo đó, số tiền cước sẽ bị kẻ xấu chiếm đoạt. Trong trường hợp này, người dùng nên kiểm tra tiền điện thoại xem có bị trừ tiền bất thường không.
Dữ liệu wifi/3G/4G tiêu hao bất thường
Mức sử dụng dữ liệu hàng tháng đột nhiên tăng không rõ nguyên nhân cũng là một dấu hiệu cho thấy điện thoại có thể có phần mềm gián điệp. Thông tin được gửi cho bên thứ ba sẽ tiêu tốn thêm dữ liệu, vì vậy, nên theo dõi mức sử dụng hàng tháng của mình. Tuy nhiên, cũng cần phải kiểm tra dữ liệu wifi xem liệu có phải dữ liệu di động hoặc băng thông rộng bị rò rỉ thông tin.
Hoạt động bất thường trên tài khoản được liên kết với điện thoại
Nếu kẻ xấu có quyền truy cập vào điện thoại của người dùng, chúng cũng có quyền truy cập vào các tài khoản trên điện thoại như mạng xã hội, email, ngân hàng... Người dùng có thể nhận biết dựa vào hoạt động trên tài khoản, chẳng hạn như đặt lại mật khẩu, gửi email, đánh dấu email chưa đọc...
Trong trường hợp này, người dùng có thể gặp rủi ro vì hành vi gian lận danh tính, kẻ xấu có thể mở tài khoản hoặc hạn mức tín dụng mới dưới danh nghĩa là thông tin cá nhân được đánh cắp…
Điện thoại bị giật lag
Việc điện thoại thông minh bị xâm nhập bởi phần mềm độc hại cũng khiến thiết bị hoạt động không được trơn tru, bởi các phần mềm đó sử dụng hết tài nguyên điện thoại để quét thiết bị và truyền thông tin trở lại máy chủ của tin tặc.
Nếu điện thoại đột nhiên bị lag không rõ lý do, hãy kiểm tra lại và có thể xóa bớt các ứng dụng không cần thiết.
Nhiệt độ điện thoại tăng dù không sử dụng
Mặc dù điều này có vẻ hơi mơ hồ nhưng một dấu hiệu cho thấy ai đó đang theo dõi bạn là pin điện thoại của bạn nóng lên ngay cả khi không sử dụng thiết bị. Điều này là do phần mềm gián điệp hoặc các ứng dụng ẩn đang chạy.
Tự động khởi động lại/tắt máy mất nhiều thời gian
Thiết bị tự khởi động lại cũng có thể là dấu hiệu cho thấy ai đó đang truy cập từ xa vào thiết bị của bạn. Tương tự, những chiếc điện thoại tắt nguồn lâu bất thường cũng có thể bị cài đặt phần mềm gián điệp. Điều này là do điện thoại thường hoàn tất các quy trình trước khi tắt và nếu đang gửi dữ liệu của bạn đến một thiết bị khác, nó sẽ hoàn tất quy trình đó trước khi tắt.
Chất lượng ảnh chụp màn hình
Nếu điện thoại chụp ảnh màn hình bị mờ hoặc chất lượng kém, đó có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy có một số phần mềm độc hại đang hoạt động trên điện thoại.
Xử lý như thế nào khi điện thoại bị chiếm quyền điều khiển?
Theo chuyên gia bảo mật, an ninh mạng Lê Quang Minh, trong thời đại mà thông tin cá nhân được lưu trữ trên điện thoại di động, tội phạm mạng luôn tìm khai thác, tấn công.
“Khi điện thoại thông minh trở thành điểm truy cập internet chính, tội phạm mạng phát triển các công cụ hack ngày càng tiên tiến được thiết kế riêng cho các thiết bị này. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là người dùng phải chủ động bảo mật điện thoại di động của mình”, ông Minh cho hay.
Chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến cáo giúp người dùng phòng ngừa việc thiết bị có thể bị tấn công chiếm quyền điều khiển.
- Đảm bảo bạn tắt điểm phát sóng khi ở nơi công cộng. Đây là điều bạn thường có thể quên, song nên tắt điểm phát sóng trên điện thoại Android hoặc iPhone khi không cần thiết.
- Tránh kết nối với wifi công cộng không tin cậy, nhất là khi sử dụng các ứng dụng liên quan đến tài chính, nhất là ngân hàng trực tuyến. Đây là một trong những cách lớn nhất mà bạn có thể bảo vệ mình khỏi bị tấn công. Mạng wifi công cộng được xem như một “sân chơi hấp dẫn” đối với các tin tặc.
- Tin tặc cũng có thể sử dụng bluetooth của điện thoại để tấn công, vì vậy, chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo tốt nhất nên tắt bluetooth điện thoại khi không sử dụng.
- Đảm bảo điện thoại của bạn có khóa số hoặc sinh trắc học. Tuyệt đối không nên sử dụng điện thoại mà không có bất kỳ loại khóa nào là cách dễ dàng để tin tặc tấn công điện thoại.
- Đừng để điện thoại của bạn không được giám sát. Đảm bảo điện thoại luôn ở bên mình khi bạn ở không gian công cộng để ngăn chặn tin tặc truy cập vào điện thoại của bạn.
- Không mở các liên kết đáng ngờ trong email hoặc tin nhắn vì chúng có thể là các liên kết lừa đảo được thiết kế nhằm lấy cắp thông tin cá nhân của bạn hoặc xâm nhập vào điện thoại của bạn.
- Thường xuyên cập nhật hệ điều hành mới nhất, bởi với những cập nhật mới nhà sản xuất đã khắc phục lỗi hay lỗ hổng trong hệ điều hành, tránh việc tội phạm mạng có thể lợi dụng để tấn công thiết bị.
- Trước khi tải bất cứ ứng dụng nào xuống điện thoại, hãy truy cập các trang web đánh giá và cửa hàng ứng dụng để đánh giá phản hồi của người dùng. Các chương trình độc hại có thể có một vài đánh giá tích cực giả mạo nhưng các ứng dụng hợp pháp sẽ có hàng nghìn đánh giá chân thực.
Tác giả: Mộc
-
Góc nhà đặt 1 quả chanh cắm thêm hạt này, muỗi nhiều mấy cũng bay hết
-
Cắm tăm vào bình siêu tốc: Mẹo hay nhà nào cũng cần, không biết quá phí
-
Nước vo gạo đừng đổ đi, dùng làm việc này cực hữu ích
-
Nhỏ dầu gió lên hành tây: Mẹo hay cả nam và nữ đều cần, ai không biết quá phí
-
Ông bà ta dạy: "Thịt lợn không mua thịt cổ, mua cá không mua cá diếc", vì sao lại như thế?