Chuyện kể rằng có một anh tài xế chuyên phụ trách chở bệnh nhân tâm thần cho bệnh viện tâm thần. Trong một lần đón bệnh nhân về bệnh viện, do sơ ý anh để lạc mất ba bệnh nhân. Vì để bảo toàn công việc của mình, anh lái xe đến trạm xe bus gần đó rồi mời chào khách đứng đợi bắt xe sẽ chở miễn phí cho những ai về cùng đường. Sau cùng, anh lừa được ba người lên xe rồi chở thẳng về bệnh viện.
Và sau cùng, trải qua rất nhiều nỗ lực và thời gian cực khổ, ba người họ mới có thể thoát khỏi trại tâm thần.
Khi được tha khỏi trại, các phóng viên biết chuyện mới tìm họ phỏng vấn. Và sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn ba người:
1. Phỏng vấn anh chàng định luật học
– Phóng viên: Khi anh bị đưa vào trại tâm thần, anh đã dùng cách nào để tự giải cứu mình?
– Anh chàng định luật học: Tôi nghĩ, tôi phải ra khỏi đó bằng mọi giá, trước tiên tôi chứng minh bản thân mình không có bệnh.
– Phóng viên: Anh chứng minh bằng cách nào?
– Anh chàng định luật học: Tôi nói: “Trái đất này hình cầu”, đây là một câu nói chân lý. Tôi nghĩ người nói lời chân lý ắt không thể nào là người mắc bệnh tâm thần được đúng không?
– Phóng viên: Vậy anh đã thành công?
– Anh chàng định luật học: Không, khi tôi nói câu này đến lần thứ 14 thì nhân viên y tá liền chích cho tôi một mũi tiêm vào mông.
2. Phỏng vấn anh chàng chuyên gia xã hội học
– Phóng viên: Vậy còn anh, anh đã làm cách nào để cứu mình?
– Anh chàng chuyên gia xã hội học: Là anh nông dân đã thoát khỏi đó thành công và báo cảnh sát đến cứu tôi và anh chàng định luật học ra.
– Phóng viên: Phải chăng lúc đó anh cũng từng tìm cách cứu mình?
– Anh chàng chuyên gia xã hội học: Đúng vậy, tôi nói với các bác sỹ và nhân viên y tá ở đó rằng tôi là một chuyên gia xã hội học. Tôi nói tôi biết cựu tổng thống Mỹ là Bill Clinton, còn cựu thủ tướng Anh là Tony Blair, khi tôi nói đến các tên các vị lãnh đạo tinh thần của các đảo nam Thái Bình Dương thì bọn họ liền tiêm cho tôi một mũi. Sau đó tôi không còn dám nói gì nữa.
– Phóng viên: Vậy anh chàng nông dân đã làm cách nào để cứu các anh ra?
– Anh chàng chuyên gia xã hội học: Sau khi cậu ta vào đó, cậu ta không nói gì cả, đến lúc ăn cơm thì cậu ta ăn, đến lúc đi ngủ thì đi ngủ. Khi y tá giúp cậu ta cạo râu thì cậu ta nói lời cảm ơn, đến ngày thứ 28 thì cậu ta được thả ra khỏi trại tâm thần.
Sau khi phỏng vấn, phóng viên phải cảm thán mà thốt lên rằng: “Một người bình thường mà muốn chứng minh mình là người bình thường quả là khó phi thường. Có lẽ chỉ một người không chứng minh mình là người bình thường mới là bình thường”.
Cuộc sống này bạn không cần phải cố giải thích mình với bất kỳ ai, nhất là 6 điều này:
1. Bạn không nợ ai lời giải thích về cuộc sống của bạn
Bạn trưởng thành, bạn biết yêu, bạn chọn cách sống thử trước hôn nhân, bạn chọn tự lập không dựa dẫm gia đình dù chỉ mới bước qua tuổi 20… Sẽ có vô vàn lời nói khó nghe và đánh giá không mấy tốt đẹp dành cho bạn bởi những người không hiểu bạn là ai. Chẳng cần phí lời giải thích đâu cô gái ạ, chỉ cần bạn có đầy đủ nhận thức và kiến thức, bạn không làm điều gì xấu xa hay lợi dụng bất kì ai, đó đã là điều tuyệt vời. Bởi không phải ai cũng có can đảm dám thử thách bước ra đời như bạn đâu.
2. Bạn không nợ ai lời xin lỗi nếu bạn thật sự không có lỗi
Khi bạn cảm thấy mình đã xử sự đúng, bạn không hối hận về hành vi của mình, bạn cho rằng mình không quan tâm đến sự tha thứ của đối phương bởi bạn không hề sai – thì không cần nói lời xin lỗi. Có nhiều người ngày nay sẵn sàng thốt ra lời “xin lỗi” mà nhiều khi chẳng hiểu ý nghĩa của nó là để làm gì.
Không phải bất cứ lỗi lầm nào, vết thương nào cũng có thể được sửa chữa, hàn gắn bằng hai từ “xin lỗi” ấy. Trước khi câu chuyện chưa được giải quyết rõ ràng, xin đừng lạm dụng hai từ “xin lỗi” để cầu xin sự tha thứ từ người kia mà trong khi bạn không hề sai và người đó cũng chẳng muốn nghe.
3. Bạn không nợ ai lời giải thích về mối quan hệ yêu đương của mình
Nhiều người bảo hai bạn không hợp, gia cảnh và trình độ học vấn cũng không tương xứng, rõ ràng không phải một cặp đôi hoàn hảo, tốt hơn bạn nên tìm một người khác phù hợp hơn. Đừng vì những lời nói mỉa mai mà thay lòng đổi dạ, không thể lần nào cũng đi giải thích với từng người như thế. Chỉ có người ở trong cuộc mới biết người ấy là người như thế nào và việc bạn chọn ai, yêu ai cũng là quyền tự do cá nhân của riêng bạn mà thôi.
4. Bạn không nợ ai lời giải thích cho sự nghiệp và công việc của bạn
Nhiều người đánh giá bạn là người hay bay nhảy, một năm thay việc còn hơn thay áo, tương lai chẳng biết sẽ như thế nào. Nếu trót nghe phải những lời nói đó, hãy mỉm cười và bỏ đi. Tuổi trẻ chính là khoảng thời gian để chúng ta thử nghiệm những cái mới, những điều mà chưa từng nằm trên sách vở.
Bay nhảy để biết đâu là niềm đam mê thực sự, đâu là cái ta cần hướng tới. Chưa chắc làm mãi một công việc đã là đúng đắn, bởi họ không dám từ bỏ để thử những điều mới lạ, bởi lắm lúc họ cũng không biết rõ bản thân mình mong muốn gì.
5. Bạn không nợ ai lời giải thích “vì sao tôi ế”
Độc thân cũng bình thường thôi, nó không có nghĩa giới tính bạn có vấn đề. Có những người thật sự yêu cuộc sống một mình, họ không muốn bị ràng buộc, không muốn bị kiểm soát, càng không muốn chia sẻ tình cảm cho một người nào khác.
Có thể đến một độ tuổi nào đó bạn cũng sẽ mơ về một chàng “soái ca” cho riêng mình hay ngôi nhà và những đứa trẻ với đầy ắp tiếng cười. Nhưng đó cũng là chuyện sau này, còn bây giờ, nếu độc thân khiến bạn vui vẻ thì đừng nghĩ ngợi nhiều, người ta nói chán rồi cũng sẽ chẳng thèm nói nữa đâu.
6. Bạn không nợ ai lời giải thích về ngoại hình/nhan sắc của mình
Dù bạn cao hay thấp, mũm mĩm hay mảnh mai, xinh đẹp hay chỉ ưa nhìn… cũng chẳng cần quan tâm đến ánh mắt của mọi người hay phải mất công giải thích nọ kia bởi những câu hỏi kém duyên như: “Bộ đang giảm cân hay sao mà ốm vậy?”; “Định bao giờ cưới?”; “Sao hôm nay mặc cái áo trông chán thế này?”… Bởi đơn giản, ngoại hình không nói lên giá trị của một con người, chỉ cần bạn có tấm lòng bao dung, lương thiện thì bạn đã trở thành người con gái quyến rũ nhất rồi.
Tác giả: